, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 06/10/2021, 15:35

Cây mía tạo thu nhập ổn định cho người dân miền núi Phú Yên

Thanh Thắng
(vov.vn)
Năm nay toàn tỉnh Phú Yên sản xuất hơn 21.000 ha mía nguyên liệu tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi nên gặp nhiều khó khăn trong thu hoạch cũng như vận chuyển.
Một khu vực trồng mía ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên.

Hai năm trở lại đây, giá mía nguyên liệu tăng cao giúp nhiều người dân vùng núi các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên có thu nhập ổn định. Cùng với việc hỗ trợ người dân từng bước chuyển sang cơ giới hóa trong việc trồng và thu hoạch mía, các địa phương miền núi của tỉnh này liên kết với các nhà máy đảm bảo thu mua hết lượng mía người dân trồng.

Những ngày gần đây, thời tiết ở huyện Sơn Hòa thường xuyên có mưa nên cây mía xanh tốt trở lại sau thời gian khô hạn kéo dài. Anh Y Kiên (33 tuổi), người dân tộc Chăm H'roi ở thôn Tân Hội, xã Sơn Hội cho biết, gia đình anh canh tác 1,9 ha mía, trung bình hàng năm gia đình anh thu hơn 120 tấn mía.

Với giá bán 1,1 triệu đồng/tấn mía (giá bán năm 2020), trừ tất cả chi phí, gia đình anh Y Kiên còn lãi hơn 70 triệu đồng/vụ. Anh Y Kiên nói rằng, cây mía đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số xã miền núi Sơn Hội.

“Trước khi thu hoạch mình phải tự tay róc bớt lá cây mía, để đến khi chặt công nhân sẽ chặt mía sát gốc, sau đó khi cây mía lên lại cũng dễ chăm sóc. Thu nhập từ mía tính theo từng năm, năm vừa rồi tính cả chở đường thanh lý gia đình đạt 900.000 đồng/tấn. Nếu giá thu mua mía nhà máy vẫn trả như năm trước hoặc cao hơn thì người trồng mía có thu nhập, đời sống sẽ được nâng cao”, anh Y Kiên bày tỏ.       

Từ năm 2017 - 2019, giá mía ở tỉnh Phú Yên xuống thấp, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng đến năng suất nên nhiều người ở huyện Sơn Hòa đã bỏ cây mía chuyển sang cây trồng khác nên diện tích mía giảm đáng kể. Từ năm 2019 đến nay, khi giá mía ổn định, các nhà máy thu mua mía và chính quyền địa phương tăng cường việc chuyển giao công nghệ mới trong trồng cây mía cho người dân nên diện tích mía nguyên liệu đã tăng trở lại.

Vụ mía năm nay, huyện Sơn Hòa sản xuất khoảng 8.500 ha, khi cây mía đến mùa thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (công suất 10.000 tấn mía/ngày) đóng ở huyện Sơn Hòa thu mua hết mía cho người dân.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên cho biết, huyện xác định cây mía và cây sắn là 2 loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của địa phương. Hiện nay, huyện Sơn Hòa đang gặp một số khó khăn trong việc trồng cây mía, cụ thể là thiếu nhân lực thu hoạch mía cuối vụ.

Người dân rọc lá mía để cây mía phát triển tốt hơn.

“Huyện đang tính làm sao chuyển đổi dần cơ giới hóa giúp người nông dân vì đây là vấn đề hết sức quan trọng. Những năm tới vấn đề cạn kiệt lao động sẽ là vấn đề lớn nhất làm cho giá thành mía đôn lên cao. Huyện sẽ hướng người nông dân tích tụ ruộng đất và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất cây mía. Vấn đề này huyện sẽ cùng với tỉnh xây dựng chiến lược, làm sao người nông dân đảm bảo có một khoảnh ruộng đủ lớn đưa vào cơ giới hóa, cày, cỏ, thu hoạch giúp nâng cao năng suất và thu nhập cho bà con”, ông Phụng khẳng định.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên, niên vụ mía năm 2019-2020 năng suất mía đạt 65 tấn/ha, với giá bán cao nhất từ trước đến nay đạt hơn 1,1 triệu đồng/tấn. Năm nay, toàn tỉnh Phú Yên sản xuất hơn 21.000 ha mía nguyên liệu tập trung chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân.

Do địa hình miền núi và cây mía trồng tập trung ở các vùng gò đồi cao, điều kiện sản xuất còn khó khăn, khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh nên khi mía chín đồng loạt gây trở ngại cho việc thu hoạch. Hơn nữa, mức độ cơ giới hoá trong sản xuất mía trên địa bàn tỉnh Phú Yên chưa đồng bộ, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và vận chuyển. Đây cũng là một trong những khó khăn mà ngành nông nghiệp tỉnh Phú Yên đang tập trung tháo gỡ cho bà con trồng mía ở miền núi. 

Ông Đào Lý Nhỉ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên cho biết, trong thời gian đến, ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại những vùng trồng mía chưa hiệu quả và đẩy mạnh việc hướng dẫn người dân trồng mía áp dụng công nghệ mới.

“Cây mía đã giúp cho bà con giàu lên tuy nhiên chế độ khuyến khích hiện nay vẫn còn hạn chế, chủ yếu doanh nghiệp có chế độ hỗ trợ bà con trồng theo công nghệ cao và hỗ trợ thu hoạch. Phía chính quyền chủ yếu xây dựng một số mô hình khuyến nông áp dụng công nghệ cao như tưới nước tiết kiệm, trồng theo mô hình công nghệ mới”, ông Nhỉ cho hay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất