, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 05/12/2018, 09:45

Cây mù u và cái tấm thớt

TỬU HOÀNG

Hầu hết những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng quê đều đầy ắp kỷ niệm với những hàng mù u rợp bóng mát.

Tên của loài cây này nghe ra cũng khá lạ. Nó dân dã đến lạ lùng, nghe qua là ấn tượng về một cái gì đó vừa xấu xí lại sần sùi. Thế nhưng loài cây này gần gũi, quen thuộc với con người đến nỗi ngôn ngữ bình dân.

Bông mù u là đôi bông tai, lễ vật không thể thiếu trong đám cưới ngày xưa. Nó tượng trưng cho tình cảm son sắt vợ chồng thời gian khó. Đôi bông mù u của ngoại, của mẹ được gợi nhắc như một biểu tượng của sự thủy chung.

 

Ở miền Tây Nam Bộ, mù u thường mọc theo bờ sông, rạch. Có lẽ từ một bờ rạch nào đó một trái mù u rụng xuống nước rồi theo dòng sông trôi đến đây nẩy mầm, mọc rễ.

Thực tế thì mù u là cây cành thấp, lớn chậm với tán rộng. Chiều cao từ trên dưới chục thước tây. Lá cứng, gân phụ rất nhiều và song song.

Bông mù u nhỏ, trắng tinh khiết, bao quanh nhụy vàng ở giữa giống như bông mai, có một mùi thơm rất dịu nhẹ. Trong một chùm bông mù u, bên cạnh những bông còn hàm tiếu và những bông đã mãn khai là những trái mù u nhỏ, mỗi trái tròn bằng đầu ngón tay út mũm mĩm.

Trái mù u trưởng thành có màu xanh nhạt, rất tròn, bên trong có một hột. Đến cuối thu khi mù u chín trái chuyển sang màu vàng hoặc nâu sậm. Trẻ nhỏ thường hay lượm trái mù u về để làm đạn bắn, hay khéo tay mài gọt để làm những chiếc gáo chơi nhà chòi, chơi trò bán tiệm, …

Gáo mù u giống hệt gáo dừa thường dùng để múc nước nhưng nhỏ xíu nhìn dễ thương biết bao! Lá mù u được trẻ con hái về thắt hình cá, hình chim để chơi đùa trong những buổi trưa hè hay lúc chiều tà.

Hàng mù u rợp bóng mát là chỗ dừng chân cho khách bộ hành trên bước đường xuôi ngược giữa các xóm, thôn, phum, sóc. Thân mù có thể dùng làm cột cất trại để che nắng cho ghe xuồng.

Cây tốt, có tinh dầu chống được mối mọt nhưng ít ai dùng làm cột cất nhà, mà nguyên nhân được các bậc cao niên xứ này cho rằng chính bởi tên gọi của nó.

Đặc biệt gốc cây mù u lớn được cưa khoanh rồi dồi gọt cho bóng để làm thớt xắt thịt cá. Do xớ thịt cây này chằng chịt, nên thớt mù u rất bền.

Nhà ai đó có những cây mù u bề hoành cỡ ba, bốn tay (khoảng 6 đến 8 tấc) chủ nhân sẽ đốn, cưa thành những tấm thớt với độ dày khoảng 5 – 6 phân.

Sau đó, người ta dồi thớt (bào, gọt cho nhẵn) rồi đem ra chợ bán. Người đi chợ, gặp thớt mù u thì mua về nhà xài. Trong nhà người bình dân ở miền Tây Nam Bộ ngày trước hầu như nhà nào cũng có tấm thớt mù u.

Vật dụng quen thuộc này ngoài chức năng cơ bản của nó dường như còn gửi gắm biết bao điều vương vấn nét hồn quê trong ấy.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất