, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/03/2022, 14:32

Cây sả "bén duyên" trên đất cù lao, giúp nông dân Tiền Giang thoát nghèo

NHẬT TRƯỜNG
(vov.vn)
Gần đây, diện tích cây sả thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang liên tục tăng. Đặc biệt, tại vùng đất cù lao Tân Phú Đông rất thích hợp với loại cây trồng này. Nhờ trồng cây sả, nhiều nông dân vùng đất khó đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

Trong những ngày khô hạn, nắng chói chang như hiện nay, ở vùng đất cù lao huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, chỉ có cây sả cho thu hoạch. Các loại cây màu, cây ăn trái khác tại đây phát triển không mạnh do thiếu nguồn nước ngọt. Chị Đào Thị Diễm Thúy, nông dân ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông cho biết, gia đình có cuộc sống ổn định nhờ trồng được 2ha cây sả. So với trước Tết, hiện nay, giá cây sả tăng lên gấp đôi, người trồng cây này rất phấn khởi.

“Cây sả giá 6.000 đồng/kg, tăng lên gấp đôi, khoảng 5.000 đồng/kg là có lãi, trước đây chỉ có 1.800 đồng/kg. Trước đây, nhà em trồng chuối, trồng màu, trồng sả thì có giá, giá như bây giờ là lãi gấp đôi. Ở đây vùng mặn, trồng sả đạt năng suất, có ăn, vùng này nói chung cuộc sống bình ổn”, chị Đào Thị Diễm Thúy cho biết.

Nông dân trồng cây sả thay thế cây lúa và các loại cây trồng khác năng suất thấp, đầu ra bấp bênh
Nông dân trồng cây sả thay thế cây lúa và các loại cây trồng khác năng suất thấp, đầu ra bấp bênh

Cây sả đã bén duyên trên vùng đất nhiễm phèn, mặn của cù lao Tân Phú Đông gần 20 năm qua và mỗi năm diện tích tăng lên. Ở thời điểm này, toàn huyện có hơn 2.300ha cây sả chuyên canh, tập trung nhiều ở xã Tân Phú, Phú Thạnh, Phú Đông.

Đây là loại cây màu rất thích hợp với vùng đất cù lao ven biển, chất lượng và năng suất cao hơn các khu vực khác. Cây sả có rất nhiều công dụng, nhất là làm hương liệu, gia vị dùng trong bữa ăn, chiết suất tinh dầu, làm dược liệu... Gần đây, đầu ra cây sả cù lao Tân Phú Đông có thuận lợi, được thị trường ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ tiêu thụ mạnh. Giá cây sả tùy theo thời điểm, dao động từ vài nghìn đồng/kg đến gần 10.000 đồng/kg.

Ưu điểm của cây sả là dễ trồng, chi phí đầu tư, công chăm sóc, phân thuốc rất hạn chế hơn các loại cây trồng khác và cho thu hoạch quanh năm. Đặc biệt, cây sả thích ứng cao với khô hạn, hiện nay có thể không phun tưới nước ngọt trong thời gian hơn một tháng nhưng cây này vẫn không chết. Do đó, so với các loại cây trồng hiện có ở vùng cù lao thì tính ổn định và bền vững của cây sả rất cao, có triển vọng. Thực tế cho thấy, đa số người dân cù lao trồng cây sả đều thoát nghèo, vươn lên khả giả. Ở vùng cù lao có nhiều cơ sở kinh doanh cây sả và bước đầu có vài cơ sở, doanh nghiệp chế biến tinh dầu sả rất triển vọng.

Dù khô hạn nhưng cây sả vẫn không bị thiệt hại
Dù khô hạn nhưng cây sả vẫn không bị thiệt hại

Tại xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông có đến 1.800ha cây sả và đã thành lập hợp tác xã sản xuất Cây Sả để tập hợp nông dân sản xuất theo hướng an toàn sinh học. Ông Nguyễn Văn Đoàn, Bí thư Đảng ủy xã Phú Thạnh cho biết, mô hình trồng cây sả rất thích hợp và có triển vọng ở vùng đất cù lao. Trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ xã có đề cập đến phát triển loại cây này.

“Hiện nay, cây sả là cây chủ lực của huyện nói chung và xã Phú Thạnh nói riêng. Chúng tôi khẳng định phát triển cây sả là định hướng để phát triển bền vững. Do đó, định hướng tới làm sao hướng cho người trồng sả sản xuất theo các điều kiện tiêu chuẩn sạch như: Viet GAP, Global Gap. Đối với chỗ hợp tác xã cây xã Phú Thạnh đã làm được như thế, đang hướng dẫn cho các xã viên cũng như liên kết với các đơn vị tiêu thụ thực hiện chương trình này. Sắp tới, chúng tôi sẽ liên hệ với Văn phòng Hội làm vườn TW (phía Nam) sẽ có chương trình hỗ trợ về sử dụng phân hữu cơ và phương thức sản xuất hiệu quả”, ông Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Cơ sở thu mua cây sả ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông
Cơ sở thu mua cây sả ở xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông

Ở thời điểm khô hạn như hiện nay, nhiều ruộng sả ở cù lao Tân Phú Đông vẫn xanh tươi, có năng suất. Chủ trương của huyện xem cây sả là một trong những cây trồng chủ lực và nhân rộng diện tích; trong đó hướng cây sả thương phẩm đến sản xuất “sạch”, sản xuất hữu cơ để  xây dựng “thương hiệu”, phục vụ nhu cầu của thị trường ngày càng cao.

Cây sả rất công dụng và được dùng trong bữa ăn.

“Về cây sả tới đây diện tích sẽ mở rộng thêm. Đối với những diện tích mà năng suất thấp sẽ chuyển sang trồng cây sả. Năm 2022, diện tích cây sả có thể lên 4.000ha. Chúng tôi sẽ tập trung phát triển kinh tế tập thể; trong đó vai trò của hợp tác xã rất quan trọng để có liên kết sản xuất từ đầu vào của vật tư, đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi sẽ vận động các nơi chiết suất tinh dầu, có thể liên kết với một số doanh nghiệp họ lấy cây sả có thể làm nhang, vừa đốt vừa xua muỗi”, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông cho biết thêm.

Huyện cù lao Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang là vùng đất khó, mùa khô nước mặn từ sông Cửa Đại và Cửa Tiểu bao trùm. Do đó, chủ trương phát triển diện tích cây sả là hướng đi đúng, thích nghi với điều kiện tự nhiên hạn mặn, là ‘chìa khóa”, mở ra hướng sản xuất để giúp nông dân đổi đời.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất