, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 26/03/2023, 09:37

Cây thanh trà mang lại thu nhập ổn định

LÊ THÚY HẰNG
(TTXVN)
Cây thanh trà được xem là một trong những cây trồng đặc trưng của thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay, tại địa phương này đang phát triển hai giống thanh trà ngọt và thanh trà chua với diện tích khoảng 27 ha.

Dù mỗi năm chỉ cho thu hoạch một vụ nhưng nhờ thời gian thu hoạch kéo dài, giá tương đối cao nên cây thanh trà đã mang lại nguồn kinh tế ổn định, góp phần nâng cao đời sống của người dân. 

Chú thích ảnh
Quả thanh trà ngọt có hình dáng và màu sắc bắt mắt.

Theo người dân địa phương, từ sau Tết Nguyên đán, cây thanh trà bắt đầu vào mùa và cho trái rộ đến hết tháng 3 âm lịch. Trước kia, người dân chủ yếu trồng cây thanh trà chua, những năm gần đây, người dân đang dần phát triển diện tích thanh trà ngọt, mang lại thu nhập cao hơn.

Cụ thể, thanh trà chua đầu mùa được thu mua với giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg và hiện tại có giá khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg. Riêng thanh trà ngọt mới phát triển trong vài năm gần đây, diện tích và sản lượng còn ít nên giá ở mức khá cao và ổn định từ 120.000 - 130.000 đồng/kg. Theo tính toán, thu nhập bình quân hàng năm từ 1.000 m2 thanh trà chua cho khoảng 30 triệu đồng và thanh trà ngọt cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Cập, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống – quả thanh trà ngọt Đông Thành, thị xã Bình Minh cho biết, cây thanh trà chua được người dân trồng ở địa phương từ hơn 80 năm trước, cây dễ trồng, cho trái nhiều nhưng lại có vị chua, khó tiêu thụ; riêng cây thanh trà ngọt thì diện tích còn hạn chế, trái nhỏ và năng suất thấp.

Từ đó, ông Huỳnh Văn Cập đã đi nhiều nơi sưu tầm các giống thanh trà ngọt khác nhau với quyết tâm tìm ra giống cây đặc sản có chất lượng và giá trị kinh tế cao. Sau hơn 3 năm sưu tầm, ông tìm được một vài cây thanh trà ngọt có năng suất đột biến nên đã chiết cành và phát triển dần thành giống cây cho trái to và năng suất cao như hiện nay. Đến nay, ông Huỳnh Văn Cập đã thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống – quả thanh trà ngọt Đông Thành, thu hút 11 thành viên tham gia với diện tích hơn 10,2 ha.

Theo ông Huỳnh Văn Cập, thanh trà ngọt có ưu điểm trái to, hạt nhỏ, cơm dày, vị ngọt thanh và thơm. Cây dễ chăm sóc và cho thu hoạch sau 3 năm trồng. Mỗi năm cây cho thu hoạch từ 50 - 70 kg trái với giá 120.000 đồng/kg, trừ chi phí trung bình 1.000 m2 trồng thanh trà ngọt cho lợi nhuận hơn khoảng 70 triệu đồng. Để nâng giá trị cây thanh trà ngọt, ông Cập cũng đã đầu tư và được hỗ trợ đăng ký độc quyền nhãn hiệu cây giống thanh trà Ngọt Năm Cập, đồng thời hiện cũng đang trong quá trình xây dựng thành sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của địa phương, định hướng phát triển thị trường vào các siêu thị.

Từng gắn bó nhiều năm với cây thanh trà chua, giờ đây ông Huỳnh Văn Hào, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh đang dần chuyển đổi sang giống thanh trà ngọt và bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, với 40.000 m2 trồng thanh trà ngọt, hàng năm ông thu được sản lượng khoảng 3 tấn trái, với mức giá ổn định khoảng 120.000 đồng/kg. Ông Hào cho biết: “Thanh trà ngọt này công chăm sóc nhẹ nhưng mang lại thu nhập ổn định. Từ khi trồng thanh trà ngọt thì kinh tế gia đình ngày càng phát triển nên tôi cũng tập trung lo phát triển vườn, chiết thêm cây giống để mở rộng diện tích".

Chú thích ảnh
Người dân xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch thanh trà ngọt.

Thấy được tiềm năng và hiệu quả kinh tế của cây thanh trà ngọt, thời gian gần đây, nhiều nông dân tại thị xã Bình Minh đã mạnh dạn tăng diện tích trồng. Đáp ứng nhu cầu của nhà vườn, bên cạnh bán trái thanh trà, Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ cây giống – quả thanh trà ngọt Đông Thành hiện đang cung cấp lượng lớn cây giống thanh trà ngọt với giá ổn định khoảng 200.000 đồng/cây. Nhiều du khách, người dân ở các địa phương khác cũng đã tìm đến tận vườn để tham quan, tìm hiểu về tiềm năng, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Thành, thị xã Bình Minh Sơn Rưa cho biết, từ nhiều năm qua, cây thanh trà được xem là cây trồng đặc trưng của địa phương, mang lại thu nhập khá ổn định cho người dân. Đây là loại cây cho trái có giá trị khai thác lâu dài. Bên cạnh đó, cũng có thể khai thác theo hướng cây cảnh trồng trước nhà, bởi không chỉ cho trái đẹp cây còn ít rụng lá, ít tốn công chăm sóc, ít bậc gốc khi có mưa giông.

Đặc biệt, với cây thanh trà ngọt đã mở ra nhiều kỳ vọng để giống cây trồng này được nhân rộng và vươn xa hơn trên thị trường khi mẫu mã trái đẹp, chất lượng ngọt. Hướng tới, địa phương sẽ tập trung thực hiện đề án hỗ trợ cho người dân về cây giống, đồng thời tuyên truyền cho người dân cải tạo vườn cũ, tăng cường chăm sóc để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất để phát triển thành vùng nguyên liệu đặc sản cho địa phương.

Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Bình Minh Nguyễn Thụy Thúy Ân cho biết, thời gian qua, nhận thấy tiềm năng của cây thanh trà, đơn vị đã hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu thanh trà ngọt, bảo hộ quyền cây giống, nhãn hiệu hàng hóa tập thể, định hướng phát triển thành sản phẩm OCOP của địa phương. Về lâu dài, đơn vị sẽ tiếp tục hỗ trợ tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bảo tồn giống cây thanh trà, phối hợp nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến từ thanh trà để nâng cao giá trị của cây trồng này, đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất