, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/07/2019, 09:13

Cây vú sữa quê nhà

HOÀNG OANH

Bước trên con đường quê rộng, trải nhựa vừa quen vừa lạ, lòng tôi bồi hồi bao nỗi niềm. Mấy năm rồi tôi mới về thăm nhà. Chị Hiền mừng rỡ đón tôi từ ngoài ngõ.

Nhà tôi đấy ư! So với trước kia, ngôi nhà mới rộng rãi hơn, khang trang hơn nhưng sao tôi thấy xa lạ quá. Nhìn quanh, tôi thấy ngõ vào nhà trống trải... Phải rồi, cây vú sữa, cây vú sữa của tôi đâu? Tôi thảng thốt:

- Chị Hiền ơi, cây vú sữa nhà mình...

- À, lúc con đường này mở rộng, lấn vào ngõ, nhà mình phải phá nó đi em à! Mẹ cũng tiếc lắm!

Một cái gì nghèn nghẹn cứ chực dâng lên cổ họng. Tôi thấy hụt hẫng như vừa đánh mất một kỷ vật quý giá. Cố giấu nỗi buồn nhưng mấy ngày liền tôi cứ ngẩn ngẩn ngơ ngơ…

Cây vú sữa quê nhà.

Anh Hai tôi là người thành đạt. Anh lấy vợ và sống ở thị xã. Tôi biết năm ngoái anh đã về xây nhà mới cho ba mẹ. Ngôi nhà cũ với bao kỷ niệm êm đềm không còn nữa nhưng tôi chẳng thể ngờ cây vú sữa cũng ra đi. Những ký ức tuổi thơ cho tới lớn của tôi gắn với cây vú sữa tưởng đã chìm lắng theo thời gian, giờ đây bỗng trỗi dậy, rõ mồn một như mới vừa hôm qua.

Từ thuở bé, khi bắt đầu làm quen với thế giới quanh mình, tôi đã “kết” cây vú sữa trước sân nhà và thân thiết với nó suốt một thời tuổi thơ. Nhớ những chiều tôi với mấy đứa bạn trong ngõ hay tha thẩn, gom nhặt hoa vú sữa rụng dưới gốc cây làm “gạo”, chơi trò nấu ăn. Chúng tôi còn lấy mấy lá vú sữa già bị gió đánh rụng kết thành chiếc vương miện đội lên đầu làm “công chúa”… Dưới tán lá vú sữa tỏa rộng, mát rượi, tôi cùng với bọn trẻ con trong xóm bày bao nhiêu là trò con nít, chơi cả ngày không chán...

Khi học lớp 6, cũng là lúc tôi thành thạo việc trèo cây, không có ngày nào tôi không có mặt trên cây vú sữa, ít nhất một lần. Mẹ tôi hay mắng: “Con gái con đứa chi mà cứ leo trèo...”. Nói vậy thôi, chứ lâu dần rồi cũng thành quen, cứ mỗi mùa vú sữa chín mẹ lại giao việc hái trái cho tôi.

Mẹ tin tưởng vì tôi đã biết cách phân biệt trái chín hoặc sắp chín với trái còn non, dù không chạm tay vào. Nhìn trái nào ngả màu sáng đục, căng bóng, phần dưới ửng hồng tím lan gần nửa trái là tôi hái. Mặc dù có thể đứng dưới đất dùng cây quéo có rổ hứng để hái trái nhưng tôi cứ thích trèo lên tận nơi, chạm tay vào trái chín. Hái được trái nào, tôi lại cầm miết lên má để tận hưởng cái mịn màng, mát dịu của lớp vỏ bóng láng.

Với tôi, vú sữa chín cây là tuyệt nhất, ăn ngon phải biết. Tôi chọn hái một trái chín, mềm, da mỏng, căng mọng. Ngồi luôn trên cây, tôi cầm trái vú sữa nắn nắn, để trái vào giữa hai lòng bàn tay lăn lăn nhẹ nhàng, đều khắp, cho đến khi cả trái mềm thật mềm. Rồi, tôi rút cái cuống trái bỏ đi, lập tức một dòng sữa trắng đục trào ra. Tôi ấn ngón tay tách ra làm đôi, đưa lên miệng…

Cây vú sữa quê nhà.

Ba tôi nói ăn vú sữa không đúng cách, sẽ không ăn được hết phần cơm bên trong, thật phí. Ai ăn khéo thì sau khi xong cả trái, sẽ chỉ còn lại một lớp vỏ mỏng tanh và tay, miệng thì không bị dính mủ vú sữa.

Cơm vú sữa mềm, chỗ bao quanh hạt dai dai, vị ngọt nhẹ, mùi thơm thơm, hương thanh thanh, mát lành như sữa mẹ. Vú sữa chín mới đặc biệt làm sao! Không ngọt gắt như nhãn lồng, không nặng mùi như sầu siêng, với độ ngọt vừa phải, hương vị dịu nhẹ, vú sữa chín chẳng bao giờ làm người ta ngán. Hương vị “trái tuổi thơ” ấy đượm mãi trong tôi đến tận bây giờ…

Mẹ bảo vú sữa thường chín sau một, hai ngày hái xuống và nên ăn ngay vì để lâu sẽ làm mất đi mùi thơm và vị ngọt của nó. Cứ hái đợt trái đầu mùa, tôi giúp mẹ chọn ngay bốn năm chục quả ngon nhất, to nhất để riêng. Phần ấy mẹ chia ra, chỗ đặt lên bàn thờ tổ tiên, chỗ mẹ mang biếu hàng xóm ăn lấy thảo trái chín đầu mùa.

Phần còn lại, mẹ mang ra chợ bán lấy tiền để dành mua giày dép, sách vở cho anh chị em tôi. Dù tiền kiếm được từ cây vú sữa chẳng nhiều nhỏi gì, nhưng mẹ vẫn chắt chiu để các con đến trường không phải thiếu thốn…

Không để hái trái, tôi cũng trèo lên cây. Một nhánh lớn, vững chãi tẻ ngang nấp dưới tán lá dày là chỗ ngồi lý tưởng của tôi trên đó. Có một thời gian dài, đấy là chỗ bí mật, chẳng có đứa nào phát hiện được khi chơi trò trốn tìm. Chúng kiếm tôi, khắp nơi không thấy, lâu quá đâm lơ đểnh, thế nên tôi mới có cơ hội chiến thắng.

Con nít nhà quê hiếm khi ngủ trưa, nếu không có trong nhà, chắc chắn tôi đang vắt vẻo trên cây vú sữa. Khi học bài, khi đọc truyện, có khi chẳng làm gì cả, tôi cứ dựa lưng vào thân cây, nửa nằm nửa ngồi mà ngắm hoa ngắm lá, nghe khúc nhạc hòa tấu diệu kỳ của gió, của cây, của chim nơi miền quê yên ả.

Khi tôi vào cấp 3, cây vú sữa dường như cũng già hơn nên không còn sai trái như trước. Nhiều người bảo đốn nó đi vì đâu có lợi lộc gì nhiều, sum suê như vậy chỉ tổ choáng đất. Mẹ không muốn, mẹ bảo: “Có cây vú sữa ở đó quen rồi, chặt đi trống trải lắm, cứ để vậy, trong nhà còn có cây có trái cho vui”. Tôi nghe mẹ nói mà lòng cứ rộn rã. Thế là cây vú sữa vẫn tiếp tục gắn bó, lớn lên cùng tôi theo năm tháng. Cho đến ngày tôi vào đại học, tôi xa nó trong luyến lưu...

Không trèo lên cây vú sữa mỗi ngày như trước được nữa nhưng dịp hè, dịp lễ, tết, tôi lại về thăm nhà, thăm nó. Mỗi mùa trái chín, có ai về, mẹ lại gởi vú sữa cho tôi. Tiền bán vú sữa, mẹ chẳng động đến, lại để dành, thêm vào khoản tiền mẹ vẫn cho mỗi tháng “để tối tối con út mua gì ăn thêm có sức mà học”...

Lấy chồng xa xứ. Rồi làm dâu. Rồi con cái. Rồi công việc. Nhịp sống dồn dập, khẩn trương nơi đô thị, tôi tưởng chẳng còn tâm trí đâu mà nhớ “chuyện ngày xưa”, nơi quê nhà dấu yêu, có cây vú sữa đong đầy kỉ niệm, có dáng mẹ hiền tần tảo sớm khuya... Thế nhưng giờ đây tôi lại bần thần nuối tiếc chỉ vì sự thiếu vắng một phần trong những cái “ngày xưa” ấy.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất