, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/04/2021, 12:05

Cha, con cùng giữ lửa nghề

BẢO VÂN

Tôi tần ngần hồi lâu trước đình - đền Định Công Thượng, cũng là nơi thờ tổ nghề kim hoàn. Di tích khang trang này đang cửa đóng then cài để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong làng, cũng không có nhiều cửa hàng hay nhà xưởng đậu bạc như tôi vẫn hình dung.

Chuyện xưa…

Làng Định Công xưa vốn sở hữu một nghề trong “tứ nghệ tinh” của đất cũ Thăng Long: “Lĩnh Yên Thái, gốm Bát Tràng, bạc Định Công, đồng Ngũ Xã”. Theo sử gia Phan Huy Chú, nghề đậu bạc Định Công đã có cách nay khoảng 1.500 năm. Truyền thuyết thì kể rằng, vào thế kỷ VI, thời Tiền Lý, làng Định Công có ba anh em Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa học được nghề làm đồ trang sức bằng vàng bạc rất tinh xảo. Ba anh em dạy dân làng cùng làm nghề, truyền từ đời này sang đời khác. Cảm công ơn đó, dân làng thờ họ làm Tổ nghề ở đền Định Công Thượng. 

Cho đến thời Pháp thuộc, làng có hơn một nửa số hộ theo nghề truyền thống. Sau năm 1954, đất nước chiến tranh, thiếu thốn nhiều bề, hầu hết người dân làng Định Công đành bỏ nghề cổ truyền, làm nhiều công việc khác nhau để mưu sinh.

Một cơ duyên đã bất ngờ đến vào năm 1983 - nghệ nhân Quách Văn Trường nhớ lại. Không hiểu bằng cách nào đó, Ban tổ chức một Festival quốc tế diễn ra tại Liên Xô (cũ) biết đến nghề thủ công mỹ nghệ ở Định Công nên liên hệ đặt ông Trường làm sản phẩm hoa bướm cài ve áo để làm quà lưu niệm. Ông Trường tập hợp những người thợ Định Công nhớ nghề thực hiện thành công hợp đồng đó. Thế rồi, cùng với công cuộc mở cửa từ năm 1986, các đơn hàng “chảy” về nhiều hơn, dù chưa đủ để làng trở lại thời thịnh vượng xưa kia. 

Đình Định Công Thượng được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17, là ngôi đình của làng Định Công Thượng cũ, trong thờ Hoàng Công, con vua Hùng thứ 17. Đền Định Công Thượng ở sát bên đình, thờ 3 vị tổ nghề kim hoàn. Ngày 20/07/1994, cụm di tích đình và đền Định Công Thượng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Chuyện nay…

Theo nghệ nhân Quách Văn Trường, phải mất nhiều năm để đào tạo một người thợ lành nghề, trong khi thu nhập lại không ở mức hấp dẫn. Chính vì thế mà ở Định Công hiện nay chỉ còn vài chục thợ đậu bạc, chủ yếu tập trung ở hai xưởng (của nghệ nhân Quách Văn Trường và nghệ nhân Quách Văn Hiểu), là “đỏ lửa” quanh năm và thường xuyên cho ra mắt sản phẩm mới. 

Có lẽ Trời chẳng phụ người. Ông Quách Văn Trường bảo, một trong những niềm vui lớn nhất đời ông chính là đã có được con trai, nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh, chung tay giữ nghiệp tổ. Sinh năm 1981, tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân ở hai chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Luật, Tuấn Anh biết làm nghề ngay từ nhỏ, nhưng “chỉ làm cho vui”. Cho đến khi học năm cuối đại học, thấy có người đặt ông Trường làm một đơn hàng lớn mà ông buộc phải từ chối vì một mình làm không xuể, Tuấn Anh mới thấy không đành lòng. Anh quyết định trở thành người nối nghiệp cha. Giờ đây, khi ông Trường mắt không còn tinh, tay không còn khéo, anh chính là linh hồn trong xưởng sản xuất của gia đình, tọa lạc ngay bên cạnh ngôi đền thờ tổ nghề. Năm 2010, trong cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ Chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, hai cha con nghệ nhân Quách Văn Trường - Quách Phan Tuấn Anh cùng được trao chứng nhận “Sản phẩm thủ công tinh xảo”. Ông Trường được trao giải với tác phẩm “Rồng bạc”, còn Tuấn Anh được trao giải với tác phẩm “Trâu vàng”.

Một sản phẩm của nghệ nhân Quách Phan Tuấn Anh

Sẽ là rất thiếu sót nếu không nhắc đến một cặp cha con khác cũng đang gìn giữ lửa nghề ở Định Công: nghệ nhân Quách Văn Hiểu - Quách Tuấn Tú. Ông Hiểu sinh ra và lớn lên trong một gia đình đã có 5 đời làm nghề đậu bạc, năm 16 - 17 tuổi đã trở thành thợ cả trong “doanh nghiệp” gia đình. Các tác phẩm của ông tham gia triển lãm cũng đã đạt được nhiều giải thưởng quan trọng, giúp cho nhiều bạn bè trong nước và quốc tế biết đến và yêu mến sản phẩm đậu bạc Định Công. Tại triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc năm 2004, tác phẩm “Hộp tú cầu đậu bạc” của ông đoạt Huy chương Vàng. Năm 2008, tác phẩm “Hộp quạt Xuân Hương” của ông là một trong 6 tác phẩm đoạt giải thưởng cho tác phẩm xuất sắc về nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ các nước trong khối ASEAN và là tác phẩm duy nhất của Việt Nam đoạt giải. Tác phẩm này sau đó tiếp tục đoạt giải tại triển lãm Ứng dụng kỹ thuật toàn quốc lần thứ 2 năm 2009… 

Nghệ nhân Quách Văn Hiểu - một trong những người đang giữ lửa nghề kim hoàn Định Công.

Theo nghệ nhân Quách Văn Hiểu, một sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu thì sợi bạc phải đều đặn, nuột nà; được hàn khéo, không đọng vảy, các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi sản phẩm vừa phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, vừa phải tinh tế về thẩm mỹ và có giá trị sử dụng. Bạc được dùng phải là bạc nõn 999 (trước gọi là bạc 10) thì mới dẻo, dai, có thể kéo thành các sợi chỉ với nhiều kích cỡ khác nhau. Từ năm 2009, gia đình ông Hiểu đã mở gian hàng Đậu bạc Định Công trong khuôn viên khu làng nghề truyền thống tại Thiên đường Bảo Sơn (đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội). Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm hoàn chỉnh, mà còn có cơ hội tìm hiểu quy trình sản xuất phức tạp và kỹ thuật tinh xảo của nghề đậu bạc.

Sản phẩm đậu bạc Định Công

Tuy vậy, những nỗ lực rất đáng trân trọng của một vài gia đình nghệ nhân có lẽ vẫn chưa đủ để gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. Nghệ nhân Quách Văn Trường cho biết, với mong muốn giữ gìn vốn quý của cha ông, ông đã mở nhiều lớp dạy nghề, thậm chí sẵn lòng dạy cả cho người ngoài làng, nhưng cũng rất ít người theo học… Hẳn là phải có lời giải tốt cho bài toán đầu ra với giá trị xứng đáng, bù đắp được công sức, tâm huyết của người thợ; từ đó thu hút và đào tạo nguồn nhân lực kế cận thì nghề đậu bạc Định Công ngàn tuổi mới tiếp tục trường tồn cùng với Thăng Long - Hà Nội. 

Nghề bạc có 3 kỹ thuật chính: chạm, trơn và đậu. Chạm tức là chạm trổ các hình vẽ, hoa văn, họa tiết trên mặt các đồ trang sức hoặc các sản phẩm bằng vàng bạc như các loại chóp nón, kiềng, vòng, khánh, ống vôi, ống nhổ... Để làm bạc trơn, người thợ sẽ “cườm” cho sản phẩm nhẵn, bóng. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi mảnh như những sợi chỉ, rồi từ những sợi chỉ bạc mà kết hình hoa lá, chim muông… Thợ kim hoàn lành nghề tuy phải giỏi cả ba kỹ thuật trên, nhưng Định Công nổi tiếng với kỹ thuật đậu bạc.
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất