, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 10/07/2022, 09:35

Chăn nuôi an toàn, tổng đàn phát triển

ĐÀO THANH - VĂN THƯỞNG
(nongnghiep.vn)
Những cơn bão dịch đi qua đã giúp người chăn nuôi ở Tuyên Quang nhận thức sâu sắc về việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh mới bảo toàn được thành quả kinh tế.
Khu chăn nuôi an toàn sinh học của HTX Chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 100 trang trại chăn nuôi, trong đó có 1 trang trại đạt chuẩn quốc tế GlobalGAP, 4 cơ sở chăn nuôi VietGAHP, 19 cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh.

Sau những ảnh hưởng nặng nề của Dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò, người chăn nuôi Tuyên Quang ý thức sâu sắc hơn đến việc chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế tối đa rủi ro đối với đàn vật nuôi và đảm bảo lợi ích kinh tế.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang Dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 41 hộ/14 xã/7 huyện, thành phố với 550 con bị dịch. Nhờ các hộ dân đã chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, tiêu độc khử trùng những chuồng trại, khu vực chăn nuôi có dịch, ý thức tốt công tác vận chuyển, giết mổ nên dịch bệnh đã không lây lan qua diện rộng và diễn biến phức tạp. Kể từ ngày 1/6 đến nay, trên địa bàn tỉn Tuyên Quang không có thêm lợn bị mắc bệnh.

Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Chế biến thực phẩm an toàn Sáng Nhung ở xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương cho biết, chăn nuôi theo quy trình an toàn nên từ giống lợn, nguồn nước, nguồn thức ăn… khi đưa vào trang trại chăn nuôi của anh đều được kiểm soát cẩn thận. Hệ thống nước thải và phân chuồng một phần anh xử lý để bán cho các nhà vườn trồng cây, phần còn lại làm biogas…

Xử lý nguồn nước thải chăn nuôi anh Sáng xây dựng bể lắng 8 ngăn. Nguồn nước thải này được lọc ra qua 3 hồ sinh thái đánh lắng rồi dùng men vi sinh xử lý, sau đó mới để chảy theo đường ống ngầm qua cánh đồng dài 1.200m rồi chạy qua mương ra sông.

Khi chăn nuôi an toàn sinh học tốt thì có thể bảo hộ được đàn lợn vì có những loại bệnh, đặc biệt là Dịch tả lợn Châu Phi. Từ ngày có Dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng cho đến tai xanh, trang trại lợn hơn 2.000 con của gia đình anh Sáng vẫn luôn an toàn và có lợn xuất chuồng đều đặn khi lợn khan hiếm bởi dịch bệnh.

Chăn nuôi an toàn góp phần quan trọng đẩy mạnh thương hiệu cũng như giá trị của các sản phẩm chăn nuôi ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Giữa năm 2021, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang xuất hiện bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò. Đã có 1.311 con trâu, bò nhiễm bệnh.

Khi xuất hiện dịch bệnh, ngành chăn nuôi thú y tỉnh Tuyên Quang nhận định dịch bệnh viêm da nổi cục hiện vẫn diễn biến phức tạp ở các tỉnh lân cận, bởi vậy yêu cầu các chủ trang trại, hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống, vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng, trại, khu vực chăn nuôi, diệt trừ côn trùng đối tượng trung gian lây truyền mầm bệnh.

Tổ chức tiêm phòng theo đúng quy định, thực hiện che chắn chuồng, trại tránh rét và bổ sung chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Đến cuối năm 2021, dịch viêm da nổi cục ở trâu, bò đã được khống chề thành công tại tỉnh Tuyên Quang.

Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang cho biết, đến nay Dịch tả lợn Châu Phi và bệnh viêm da nổi cục tại Tuyên Quang đã cơ bản được khống chế, tỉnh xác định chăn nuôi an toàn, phòng dịch tốt vừa không nhân rộng nguồn lây, vừa đảm bảo duy trì ổn định và phát triển tổng đàn cũng như về lợi ích kinh tế.

Để làm được điều đó, Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thuỷ sản phối hợp với các địa phương tuyên truyền, vận động và yêu cầu các tổ chức, hộ gia đình chăn nuôi thực hiện tổ chức tiêm phòng vacxin phòng dịch, bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo định kỳ.

Thực hiện quản lý chặt chất lượng nguồn giống, thức ăn, kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo quản và chế biến sản phẩm chăn nuôi... Đồng thời khuyến khích, hướng dẫn người chăn nuôi chăn nuôi an toàn sinh học, chăn nuôi sạch theo quy trình VietGAHP, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường, tiến tới một nền nông nghiệp sạch.

Tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh tiêu chuẩn, quy chuẩn hoá các sản phẩm chăn nuôi gắn với xây dựng thương hiệu và sao OCOP cho các sản phẩm. Do đó, việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh góp phần không nhỏ vào mục tiêu này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 4 sản phẩm thịt trâu khô, 1 sản phẩm dê được xếp hạng sao OCOP; 2 nhãn hiệu tập thể trâu Chiêm Hoá được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận; việc đăng ký bảo hộ và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu Chiêm Hoá đang được đơn vị chỉ trì dự án triển khai thực hiện.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất