, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/06/2020, 18:02

Chàng thanh niên xã biên giới khởi nghiệp với nghề chế biến cá khô

LÊ KIỀU

Vĩnh Xương (Tân Châu, An Giang) là xã đầu nguồn của sông Tiền, hàng năm đón nhận nguồn thủy sản dồi dào từ dòng Mekong. nhiều loại thủy sản như cá lóc, cá chốt, cá chạch, cá lăng… Cũng đổ theo con nước về đây. Được thiên nhiên ưu đãi, nghề chế biến cá khô từ lâu đã trở thành nghề truyền thống của vùng này. Nhiều gia đình đã làm giàu từ nghề làm cá khô, không hiếm người trẻ cũng đã vươn lên lập nghiệp từ đó.

 

Anh Trần Văn Đức đang phơi cá.
Anh Trần Văn Đức đang phơi cá.

 

Những ngày thử ướp khô cá

Sau khi học hết lớp 12, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn không thể theo đuổi ước mơ vào giảng đường đại học, anh Trần Văn Đức (sinh năm 1988, ngụ ấp 1, xã Vĩnh Xương) quyết định lập nghiệp với nghề chế biến cá khô - nghề truyền thống của gia đình và của quê hương anh. Anh chia sẻ: “Mặc dù được thừa kế kinh nghiệm của cha mẹ, nhưng mình vẫn không làm được như thời ông cha mình hồi trước. Ngày xưa ông bà làm bằng cá đồng, còn giờ làm từ cá nuôi thịt không săn chắc mà hàm lượng mỡ lại cao, nên quy trình muối đòi hỏi chặt chẽ và nhiều công đoạn hơn so với trước”.

Sau bao lần thất bại, anh Đức đã tích lũy được nhiều bài học kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chế biến. Đối với công thức tẩm ướp, gia vị được xem là yếu tố tạo nên sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. Để có được sản phẩm đặt chất lượng yêu cầu, anh Đức đã gửi những mẻ khô đầu tiên cho bạn bè người thân dùng thử. Từ phản hồi, góp ý của mọi người, cộng với những bí quyết được cha mẹ truyền lại và các thông tin tham khảo từ các trang mạng xã hội, anh đã có được công thức tẩm ướp như mong đợi. Năm 2010, Trần Văn Đức quyết định thành lập Cơ sở sản xuất khô Đức Phát với các sản phẩm khô mang đậm hương vị dân dã truyền thống.

Không chỉ chú trọng công thức tẩm ướp, anh Đức cũng rất quan tâm đảm bảo nguyên liệu đầu vào để tăng tính cạnh tranh cho sản phầm. Hiện nay, Cơ sở sản xuất khô Đức Phát đã kết hợp với người nuôi cá để không phải qua trung gian thương lái, đồng thời chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng.

Đến đặc sản khô cá an toàn

Quá trình thành phẩm khô của anh Đức được thực hiện theo một quy trình an toàn và sạch nhằm phục vụ yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Cá được ủ bằng nước đá và muối để không bị sình, hư. Nơi làm cá được xây bằng gạch bông chống trơn trợt. Đầu cá lóc được giữ lại ủ mắm, chất thải được cho xuống ao nuôi các loại cá khác để tiếp tục phát triển. Người trực tiếp chế biến luôn mang găng tay, nguyên liệu ướp luôn đảm bảo về hạn sử dụng và có công thức nhất định. Trong quá trình phơi nắng từ 1 – 3 ngày, cá được che phủ bởi màng kín chống bụi bẩn... Sau khi cá khô đã đủ nắng sẽ được đưa vào kho đóng gói theo hình thức hút chân không. Dù hầu hết các công đoạn sản xuất khô đều làm thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng anh Đức vẫn cố gắng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo quản sản phẩm được lâu hơn, vận chuyển được xa hơn.

Sản phẩm cá khô của cơ sở Đức Phát đảm bảo sạch và an toàn.
Sản phẩm cá khô của cơ sở Đức Phát đảm bảo sạch và an toàn.

Đến nay, việc kinh doanh của Cơ sở sản xuất khô Đức Phát đã đi vào quỹ đạo, đầu ra rất ổn định. Mỗi tháng, cơ sở cung ứng ra thị trường bình quân từ 2 – 3 tấn cá khô với dòng sản phẩm chủ lực là cá sặc rằn và cá lóc, ngoài ra còn có thêm loại cá khô theo mùa như cá chốt, cá lăng, cá chạch… Sản phẩm được đóng gói theo nhiều kích cỡ, tạo được sự tiện lợi cho người tiêu dùng khi sử dụng hay làm quà tặng. Anh Đức cho biết: “Phương châm của cơ sở là luôn luôn ổn định giá dù giá cá nguyên liệu có bấp bênh. Nhờ vậy nên cơ sở ngày càng được khách hàng tin tưởng”.

Sau gần 10 năm, Anh Đức đã biến món cá khô dân dã thành đặc sản của xã biên giới Vĩnh Xương, nhiều khách phương xa không thể nào quên hương vị thơm ngon mộc mạc của món khô sặc rằn một nắng, cá lóc... được sản xuất tại đây. Ông Châu Văn Nguyên – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Xương nhận xét: “Anh Đức là một thanh niên rất có ý chí. Không chỉ khởi nghiệp thành công, góp phần phát triển sản xuất, kinh tế hộ gia đình, anh còn tạo việc làm có thu nhập ổn định cho nhiều lao động nhàn rỗi. Không chỉ thế, anh còn là người có nhiều đóng góp trong các phong trào, hoạt động từ thiện của địa phương”.

LÊ KIỀU

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất