
Xã Thuận An có đường biên giới dài 12km tiếp giáp với Campuchia. Năm 2018, xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt khoảng 43,2 triệu đồng, tăng 7,2 triệu đồng so với thời điểm 2018.
Năm 2018, Y Lót được chọn làm trưởng buôn Bu Đắk của xã Thuận An (Đắk Mil, Đắk Nông). Vốn chỉ quen với nương rẫy và chỉ dám “phát biểu” trước vợ, Y Lót nhận chức trong tâm trạng thấp thỏm, lo âu. Sinh ra và lớn lên ở buôn Bu Đắk, không chỗ nào ở buôn và nương rẫy mà chàng trai này chưa đặt chân đến. Sống gắn bó với buôn làng, Y Lót hiểu từng người, biết từng hoàn cảnh và đây là lợi thế duy nhất để Y Lót bắt đầu công việc trưởng buôn.
Chuyện trông chờ, ỷ lại trong cộng đồng người M’nông kéo dài lâu nay, khiến mọi nỗ lực và sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, chính quyền địa phương không thể tạo được sự đột phá, đổi thay cho buôn làng. Cái nghèo, cái khổ cứ đeo bám người dân trong buôn. Y Lót muốn thay đổi cách sống ấy để buôn làng phát triển. Muốn người khác thay đổi, tự mình phải thay đổi, nghĩ vậy, Y Lót bắt đầu học hỏi và tính toán lại cách làm ăn, sản xuất của chính mình.
Từ 1,6ha đất bố mẹ cho sau cưới vợ, anh xuống giống cà phê, khi cà phê chưa cho thu nhập, anh trồng xen mì, đậu, bắp... để lấy ngắn nuôi dài. Nhận thấy chỉ trồng thuần cà phê thì hiệu quả không cao, anh đã chuyển đổi sang trồng xen canh các loại cây ăn quả để tăng nguồn thu nhập. Vừa làm vừa tích lũy, Y Lót dần dần mua thêm nhiều đất sản xuất. Trên 7ha đất có được, Y Lót trồng 6.000 cây cà phê, xen canh với 1.000 trụ tiêu, 400 cây bơ, 300 cây mít và sử dụng phân chuồng thay cho phân hóa học để cải tạo đất, tiết kiệm chi phí. Năm vừa qua, Y Lót có tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng từ mô hình sản xuất của mình, ngoài ra, còn tạo việc làm cho 10 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Những người đến vườn làm việc cho Y Lót đều được anh hướng dẫn tận tình để có thể về phát triển vườn rẫy gia đình mình. Những “hạt giống” này đã góp phần giúp Y Lót thuyết phục được nhiều dân làng khi họ thấy học theo Y Lót, năng suất sản xuất, thành quả lao động thay đổi rõ rệt.
Năm ngoái, Y Lót mua được chiếc ô tô 5 chỗ. Ngày Y Lót mang xe về làng, dân trong buôn trầm trồ thán phục. Với Y Lót, đó là cách chứng minh cụ thể, hiệu quả nhất cho lời khuyên: có làm việc, có lao động sẽ có được tất cả! “Mình làm trước thì nói người khác mới nghe”, đó là phương châm làm trưởng buôn của Y Lót. Từ 22 hộ nghèo, với sự hỗ trợ từ vốn liếng, kinh nghiệm của Y Lót như tìm cho mỗi hộ một cách sản xuất phù hợp, bỏ tiền túi hơn 150 triệu cho các hộ vay sản xuất… đến nay, nhiều hộ dân, trong đó có nhiều hộ nghèo, ở Bu Đắk có điều kiện để tự chăn nuôi, trồng trọt, ổn định thu nhập.
Thấy con đường trong buôn nhỏ hẹp, lầy lội đi lại không thuận tiện, Y Lót hiến 150m2 đất vườn để mở rộng đường. Y Lót còn ủng hộ 10 triệu đồng tiền mặt, hàng chục ngày công để cùng mọi người làm đường. Mắt thấy, tai nghe Y Lót làm chuyện vì mọi người nên dần dần, kẻ ít người nhiều làm theo. Người góp tiền, người góp công, 3km đường trong buôn đã được lắp đèn chiếu sáng. Nghe theo Y Lót, dân trong buôn thôi nuôi heo thả rông, không vứt rác bừa bãi...
Năm 2020, Y Lót là trưởng buôn duy nhất của tỉnh Đắk Nông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong lao động và sản xuất.
Ngày nay, Y Lót đang là gạch nối chuyển tải kiến thức, cách làm hay để người dân M’nông học theo mỗi ngày nhằm cải thiện cuộc sống. Những đóng góp của chàng “trưởng bon” trẻ tuổi đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng NTM ở xã biên giới Thuận An - nơi có gần 30% dân số là đồng bào dân tộc ít người có cuộc sống còn nhiều khó khăn.