, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 08/10/2020, 08:59

Chanh dây ngọt trên đất núi

Theo DIỆP QUỲNH (baolamdong.vn)

Chanh dây, còn được người Đà Lạt gọi với cái tên chanh leo, mát mát, là thứ trái cây nổi tiếng của phố núi. Hương thơm nồng mùi nhiệt đới, vị chua dịu dàng và dinh dưỡng dồi dào đã giúp loại trái cây này trở thành đặc sản của Lâm Đồng. Và hôm nay, người Đà Lạt đã trồng thêm một giống chanh dây mới. Vẫn thơm, vẫn giàu dinh dưỡng nhưng thay cho vị chua đặc trưng là vị ngọt thơm mát.

 

Ông Quý và giàn chanh leo ngọt.
Ông Quý và giàn chanh leo ngọt.

Ông Nguyễn Văn Quý, thôn Trạm Hành 1, xã Trạm Hành, thành phố Đà Lạt đưa khách vào thăm giàn chanh leo đang mùa thu hoạch của gia đình. Dưới giàn là hàng trăm trái chanh với các màu tím, xanh, vàng lúc lỉu. Với tay hái một trái chanh leo mới hơi hườm hườm vàng, bẻ nhẹ lớp vỏ khá mềm, ông giới thiệu: “Đây là giống chanh leo ngọt Colombia. Hình dáng bên ngoài thì y hệt trái chanh leo vẫn trồng ở Đà Lạt nhưng khi chín trái rất ngọt, ngon và thơm. Giàn chanh leo này tôi đã trồng khoảng gần 2 năm, giờ cho thu hoạch rất tốt”.

Quả đúng như lời giới thiệu của ông Quý, bóp nhẹ trái chanh leo, thưởng thức lớp ruột màu trắng ngà của trái và cảm nhận vị ngọt đậm đà. Ông Quý cho biết, do mới thu hoạch hết trái chín nên hái trái hườm hườm, vị ngọt chưa “lên” chứ nếu trái chín vàng, vị ngọt rất đậm, ăn rất ngon.

Ông Nguyễn Văn Quý chia sẻ, ông biết tới chanh leo ngọt Colombia do một vài người trồng thử nghiệm ở vùng Xuân Trường, Trạm Hành. Được cho 2 trái chín, ông lấy hạt ươm trong bầu đất. Cây chanh leo Colombia mọc khá chậm, phải 4 tháng cây mới mọc từ hạt lên chừng 20 cm. Sau đó, ông cho cây ra đất, trồng giống chanh leo bình thường. Nếu chanh leo Đài Loan, chanh leo Úc bà con vẫn trồng chỉ khoảng 3 tháng ra hoa, 4 tháng cho trái, thì cây chanh leo ngọt cần tới một năm để kết quả.

Khác với chanh leo bình thường, lá có hình bàn tay xẻ, thì lá chanh leo Colombia hình trứng thuôn dài, hoa mọc từ nách lá. Sinh trưởng của chanh leo ngọt khá chậm, từ lúc ra hoa tới thu hoạch quả cần tới 4 tháng.

Ông Quý chia sẻ: “Chanh leo ngọt khi trái còn non có màu tím sẫm, khi lớn dần ngả sang màu xanh, khi chín ngả dần sang màu vàng và lúc trái lên màu vàng cam là chín hoàn toàn, ăn ngon nhất”. Khác với chanh leo thường, chanh leo ngọt vỏ khá mềm, dùng tay bóp vỡ dễ dàng. Lớp ruột có màu trắng ngà, cơm dày và hạt rất mềm, giòn. Khi ăn, xúc nguyên lớp ruột, nhai cả hạt, cả cùi”.

Thêm một điều là thời gian sinh trưởng chậm nhưng chanh leo ngọt rất dễ sống, dễ chăm sóc. Ông Quý đánh giá, cây rất phù hợp với khí hậu vùng Xuân Trường, Trạm Hành, ít phải chăm sóc và cũng không thấy sâu bệnh. Theo ông, cây cho năng suất khá, lúc nào trên cây cũng có trái xanh, chín lẫn lộn. Cây không kén đất và đòi hỏi rất ít phân bón cũng như công chăm sóc.

Ông Lê Thìn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt cho biết, trên địa bàn xã có một số hộ trồng chanh leo ngọt, có hộ trồng tới 2 sào. Đây là giống mới được nhập nội, bà con cũng chưa hiểu nhiều về giống cây này. Bà con chỉ nhận xét, cây lớn chậm, lâu cho trái hơn chanh dây thường nhưng dễ trồng, dễ chăm, năng suất ổn định và trái rất ngon ngọt, giá bán cao. Hiện nông dân Xuân Trường đã có thu hoạch và bán cho HTX thu mua rau ngoài Xuân Thọ với giá từ 100 - 120 ngàn đồng/kg. Nhiều nông hộ đã bắt đầu nhân giống, trồng chanh leo ngọt cung cấp cho thị trường.

CHANH LEO NGỌT GIÁ 120 NGÀN ĐỒNG/KG

Bà Lương Thị Yến Vân, Giám đốc HTX Vườn nhà Đà Lạt cho biết, HTX đang thu mua trái chanh leo ngọt Colombia cho nông dân vùng Xuân Trường, Trạm Hành, Xuân Thọ. Hiện giá thu mua dao động từ 100 - 120 ngàn đồng/kg tùy loại.

Theo bà Vân, khách hàng sành ăn rất ưa chuộng chanh leo ngọt vì dinh dưỡng cao, giàu vitamin, vị lại ngọt, thơm, khi uống không cần thêm đường như chanh leo chua bình thường. Bà hi vọng nông dân trồng thêm nhiều chanh leo ngọt để cung cấp cho khách hàng, vì theo bà, nhu cầu sử dụng nông sản chất lượng cao là nhu cầu rất lớn và sẽ ngày càng phát triển.

 

 

Theo DIỆP QUỲNH (baolamdong.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất