, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 01/04/2020, 00:54

Chanh leo Quảng Trị hướng đến thị trường châu Âu

Theo CÔNG ĐIỀN (nongnghiep.vn)

Những lô chanh leo đầu tiên của huyện Hướng Hóa theo mô hình liên kết giữa nông dân và DN đạt tiêu chuẩn XK châu Âu, mở ra hướng mới cho vùng đất này.

 

Chanh leo Quảng Trị đủ tiêu chuẩn XK đi châu Âu. Ảnh: CĐ.
Chanh leo Quảng Trị đủ tiêu chuẩn XK đi châu Âu. Ảnh: CĐ.

Chanh leo… lên núi

Ông Hồ Quốc Long, bản Bụt Việt, xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) khẳng định chắc nịch: “Chanh leo là cây “xóa đói giảm nghèo” khi nói về giá trị kinh tế mà cây chanh leo mang lại cho gia đình ông cũng như các hộ dân trong vùng khi triển khai thực hiện.

Tháng 7/2019, ông Long chuyển đổi đất trồng tiêu sang trồng chanh leo với diện tích 3.000 m2 ngay trong vườn nhà. Tận dụng số lượng cây đã trồng sẵn làm trụ leo cho cây tiêu, ông Long chỉ chi phí khoảng 15 triệu đồng để lắp đặt hệ thống nước tưới, làm giàn cho chanh leo. Được hỗ trợ một nửa về giá giống nên chi phí ban đầu bỏ ra nằm trong khả năng của gia đình.

Sau hơn sáu tháng chăm sóc cây theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ nông nghiệp, đầu tháng 2 vừa qua gia đình ông đã thu hoạch lứa quả bói đầu tiên. Ông Long cho biết ước tính trừ các chi phí như phân bón, giống, bình quân mỗi cân chanh leo thu được 13.000 đồng, tổng cộng ông bán được 5 tạ chanh leo, thu về 6,5 triệu đồng . “Sắp tới đây tôi sẽ tiếp tục thu hoạch lứa thứ hai, lứa này hứa hẹn năng suất và chất lượng trái sẽ cao hơn. Nếu chịu khó tuân thủ quy trình sản xuất và sản phẩm được bao tiêu như hiện nay thì cây chanh leo chính là loại cây góp phần tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu, cà phê của Hướng Phùng”, ông Long chia sẻ.

Năm 2017, khi hàng loạt nông sản bị giảm giá, trong đó có hồ tiêu, cà phê, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã trăn trở, tìm hướng thay thế bằng những loại cây khác mang lại giá trị kinh tế cao, có thể XK. Năm 2018, các bên đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng và thu mua chanh leo giữa Sở NN - PTNT, UBND huyện Hướng Hóa với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc.

Đến tháng 10/2018, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã triển khai xây dựng dự án phát triển cây chanh leo với quy mô 12 ha tại 3 xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập với 18 hộ tham gia. Ngoài ra, tại địa bàn hai xã A Túc và A Xing, Công ty TNHH Huế Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư 2 mô hình với diện tích 4 ha.

Trong mô hình trồng chanh leo tại Hướng Hóa, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị đã tập huấn, hướng dẫn, theo dõi, giám sát mô hình theo quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt. Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã cho các nhóm hộ ứng trước 50% giá giống và thanh toán vào cuối vụ thông qua khấu trừ sản phẩm bán quả chanh leo. Công ty cũng cam kết thu mua 100% sản phẩm theo giá thị trường, trong trường hợp giá thị trường giảm thấp vẫn phải thu mua theo giá bảo hiểm (4.000 đồng/kg)...

Thực hiện đúng cam kết, ngay từ vụ thu hoạch chanh leo đầu tiên, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc đã thu mua khoảng 2 tấn chanh leo quả tươi của người dân để chế biến thành các sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện Hướng Hóa đã có gần 50 hộ tham gia trồng chanh leo với diện tích hơn 35 ha, tập trung tại các xã Hướng Phùng, Tân Liên và Tân Lập, tổng sản lượng ước đạt 500 tấn/năm, năng suất trung bình đạt 15 tấn/ha. Đối với các vườn trồng theo mô hình liên kết với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, nhờ tuân thủ tốt quy trình chăm sóc nên năng suất lên tới 30 - 45 tấn/ha, tỉ lệ chanh loại A1, A1 Vip, A2, A2 Vip đạt từ 41,05 - 54,41% trên tổng lượng quả, mang lại lợi nhuận cho người trồng hơn 100 triệu đồng/ha.

Từ thành công bước đầu các mô hình trồng mới cây chanh leo ở một số xã của huyện Hướng Hóa đã tạo cơ hội cho người nông dân nơi đây nâng cao thu nhập, đồng thời là cơ sở để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác trong tỉnh.

Chanh leo trên vùng miền núi Hướng Hóa. Ảnh: CĐ.
Chanh leo trên vùng miền núi Hướng Hóa. Ảnh: CĐ.

Hướng đến thị trường châu Âu

Giá trị của quả chanh leo đã được khẳng định, được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ mùi vị đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều sản phẩm như nước uống, kem, mứt, bánh kẹo…

Nhờ có sự liên kết trong việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nên người dân đã yên tâm đầu tư chăm sóc cây chanh leo để đạt năng suất và chất lượng cao nhất.  

Anh Hồ Minh Phong, ở thôn Đại Độ, xã Hướng Phùng, người tham gia mô hình trồng chanh leo liên kết từ năm 2018 cho biết: “Trong quá trình chăm sóc cây cũng như thu hoạch quả, người dân rất cố gắng để làm sao càng có nhiều quả đạt chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu”.  

Còn ông Hồ Quốc Long, bản Bụt Việt, xã Hướng Phùng cho rằng: “Đối với quả chanh leo này, người thu hoạch phải đeo bao tay cẩn thận để quả không bị trầy xước, đóng gói thận trọng. Mong muốn lớn nhất của người dân là có nhà máy chế biến chanh leo đặt tại Quảng Trị để giải quyết vấn đề này, có như vậy giá trị của quả chanh leo mới xứng đáng với công người trồng đầu tư”.

Hiện nay Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc và tỉnh Quảng Trị đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở rộng diện tích trồng chanh leo với quy mô dự kiến phát triển năm 2019-2020 là 100 ha, định hướng đạt 500 ha vào năm 2025. Ngoài việc mở rộng diện tích, hai bên cũng thống nhất phương án nghiên cứu để sản xuất chanh leo theo hướng hữu cơ, an toàn, đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Đồng thời, xây dựng một nhà máy sản xuất, chế biến chanh leo tại Khu công nghiệp Quán Ngang (Quảng Trị).

 Trong tương lai không xa, khi những dự án trên đi vào hoạt động, chanh leo Quảng Trị sẽ có mặt rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là châu Âu, một trong những thị trường khó tính về nông sản.

Theo CÔNG ĐIỀN (nongnghiep.vn)

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất