, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 17/10/2022, 06:30

Cháo “thuốc độc” bên dòng sông Lô

ĐÔNG KHÁNH
Sau chặng đường đèo hơn 150km từ huyện Đồng Văn, Mèo Vạc xuôi về TP Hà Giang, toàn thân đau ê ẩm, rã rời. Bạn tôi - một người miền xuôi công tác tại Hà Giang được hơn chục năm động viên rằng “cứ yên tâm, sẽ có thuốc đặc trị, bảo đảm hôm sau ngủ dậy sẽ thấy tinh thần thoải mái, xương cốt trở lại bình thường”. Thật lòng tôi chỉ nghĩ đó là một lời trấn an.
Cháo ấu tẩu.

Buổi tối sau khi dạo một vòng quanh TP Hà Giang nhỏ xinh – nơi có dòng sông Lô chia đôi phố núi, du khách chắc hẳn sẽ được chứng kiến những quán cháo ấu tẩu rất đông khách đến thưởng thức. Gọi là cháo ấu tẩu bởi đây là món ăn được chế biến từ gạo nương và củ ấu tẩu.

Theo lời kể của một bác chủ quán ẩu tẩu đã ngoài 60 tuổi thì món cháo này bắt nguồn từ một vị thuốc của đồng bào vùng cao. Củ ấu tẩu được người Mông trồng nhiều trên núi, có màu đen, vẻ ngoài gần giống như củ ấu ở vùng đồng bằng. Trong củ ấu tẩu có chất độc nên thường được người Mông ngâm với rượu để thoa lên da, trị các vết thương kín như đau lưng, đau xương. Có người ví cháo ẩu tẩu như là món “thuốc độc” nhưng ai đã một lần được thưởng thức sẽ rất bất ngờ về sự thơm ngon lẫn công dụng kỳ lạ của món ăn ấy.

Nấu được nồi cháo ấu tẩu cũng cầu kỳ qua nhiều công đoạn. Củ ấu tẩu phải được ngâm kỹ trong nước vo gạo đặc một đêm, đem ninh tới khi mềm, bở tơi. Gạo dùng để nấu cháo là loại gạo tẻ trồng trên nương, trộn thêm ít nếp cái hoa vàng cho cháo đặc sánh. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn với gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cháo được ăn cùng hành, rau mùi, trứng gà và thịt nạc thăn băm nhỏ. Cháo ấu tẩu có màu nâu đậm, khi ăn có vị hơi đăng đắng nhưng ăn được một lần lại muốn ăn thêm. Vị đắng hòa cùng vị ấu tẩu dẻo bùi, vị ngọt của nước xương ninh và vị ngậy của trứng, tạo cảm giác lạ miệng, hấp dẫn. 

Theo kinh nghiệm dân gian của người vùng cao, cháo ấu tẩu có tác dụng giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương, xua tan mệt mỏi cho người đi đường xa. Khi ăn cùng lá tía tô lại có tác dụng giải cảm rất tốt. Quả thực sau khi thưởng thức tô cháo ấu tẩu, sáng hôm sau, mọi mệt mỏi sau chuyến đường dài của tôi bỗng dưng tan biến. Có lẽ đây là một trong những phương pháp “lấy độc trị độc” mà đồng bào Mông, Dao, Lô Lô... trên cao nguyên đá vẫn thường sử dụng?

Theo người dân tại Hà Giang, vào mùa đông mọi người sẽ ăn cháo ấu tẩu nhiều hơn. Đồng bào quan niệm cháo chữa bệnh tốt hơn vào ban đêm nên đặc biệt cháo chỉ được bán vào buổi tối. Giữa mùa thu se lạnh, ngồi trong quán nhỏ nơi phố núi, xuýt xoa bên tô cháo ấu tẩu nóng sực, thơm lừng, thêm một chút rượu ngô mềm môi thì thật thú vị biết bao. Tuy vậy, ông chủ quán cũng khuyên mọi người mỗi tuần chỉ nên ăn một đến hai lần...

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Nổi bật
Được quan tâm

Keo lá tràm là loài cây đa mục đích, gỗ làm vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng, nguyên liệu cho công nghệ ván ghép thanh, ván dăm. Đặc biệt gỗ có tiềm năng bột giấy cao, 275-285 kg bột/m3. Gỗ có nhiệt lượng cao 4.800 kcal/kg nên được sử dụng làm chất đốt trong sản xuất than hoạt tính và làm củi đun.

Các dấu hiệu lão hóa có thể bị trì hoãn nếu được chăm sóc đúng cách và loại dầu này có thể là giải pháp cho làn da trẻ trung của bạn.



Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất