, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 24/03/2023, 07:46

CHATBOT - Cái bẫy tự cao và ngọt ngào

HOÀNG LY
Bây giờ, có vẻ như ở bất cứ chỗ nào người ta cũng bàn tán về sản phẩm ChatGPT của công ty công nghệ OpenAI. Có người còn lo tới viễn cảnh các robot thống trị thế giới và con người thành nô lệ như trong phim.

AI sẽ làm chủ thế giới?

Trên mạng xã hội, ChatGPT là siêu nhà thơ, nhà văn, nhà giáo, họa sĩ, nhà lập trình… Báo chí dự báo hàng loạt ngành nghề sẽ mất tích vì ChatGPT. Chatbot mới ra này được cho là đưa cuộc sống sang… kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên máy tính (bot) biết tuốt, con người bị lệ thuộc hoặc bị dẹp sang một bên. 

Truyền thông nói, mỗi ngày có 13 triệu người dùng ChatGPT để học hành, làm việc, vui chơi, giải trí. Một số ngành như giáo dục và đào tạo lập tức tổ chức hội thảo bàn về vai trò người thầy trong kỷ nguyên của AI. Trên các diễn đàn triệu thành viên, các “chuyên gia chính hiệu” và “chuyên gia tự phong” liên tục đăng đàn nhận định, phân tích, bình luận… Bài viết nào cũng kéo theo cả ngàn lời bình luận. 

Đúng lúc này, người ta nhắc lại dự báo của một nhà khoa học Anh, ông James Lovelock, từng đưa quan điểm rằng nhân loại sớm muộn sẽ bước vào giai đoạn siêu trí tuệ, khi đó robot có AI thông minh vượt trội sẽ phát triển nhanh hơn các dạng sống thông thường, vượt lên trên con người và thống trị thế giới. 

ChatGPT gây ra nỗi lo sợ cũng phải, vì nó là chatbot có khả năng ngôn ngữ linh hoạt nhất, khả năng tổng hợp nguồn để đưa ra những kết quả nhanh nhất. Trong 13 triệu người đang dùng nó mỗi ngày, có chị bán mỹ phẩm lâu nay khó khăn khi viết một câu tiếng Việt. Chị đã mừng rỡ khi ChatGPT liên tục viết giúp những đoạn rao hiệu quả của kem chống nắng, kem dưỡng ẩm đồng thời nhanh chóng tìm được từ khoá ăn khách (SEO) để bán hàng. Một cô kế toán cũng nhẹ gánh khi đống công nợ, bảng báo cáo được xử ngon lành sau vài dòng lệnh; hay anh phụ trách nhân sự ở xưởng sản xuất bình thường mất 3 ngày mới làm xong cái lịch xếp ca, thì nay ChatGPT giải quyết trong vài nốt nhạc.

Giới dùng ChatGPT hiệu quả nhất và sớm nhất vẫn là các nghề gắn liền với chiếc máy vi tính như dựng game, thiết kế đồ hoạ, dựng video, phim hoạt hình… Nhiều cá nhân nhanh tay lập group kêu gọi, chiêu dụ các lớp đào tạo cách kiếm tiền từ ChatGPT. 

Tuy nhiên sau ít ngày xuất hiện với tần suất cực dày trên mọi phương tiện, nó bắt đầu bị soi mói và phơi bày lỗi ở nhiều lĩnh vực. Người dùng nhanh chóng phát hiện ra: nhanh nhất, tiện nhất chứ không hẳn chính xác nhất. Mặc dù vượt qua các bài thi cấp học cao ở Mỹ, nhưng ChatGPT lại không thể lấy điểm trung bình 3 môn học cơ bản của học sinh lớp 6 tại Singapore. Nó liên tục cho đáp án sai sót liên quan toán học và tiếng Anh ngô nghê.

Như vậy, ChatGPT đâu phải tinh thông mọi bề. Trong khi thông tin, dữ liệu chúng ta cần cho công việc và cuộc sống không cho phép sai sót. Dù có đúng trăm lần, thì chỉ cần một lần sai hay thiếu sót cũng đủ phá hoại mọi thành quả. Ai sẽ dám sử dụng một công cụ nguy hiểm như vậy?

Quá nhanh, quá tiện, quá nguy hiểm

Thế mạnh và phần “xài được” của ChatGPT nghiêng về các dữ liệu có tính chất tổng hợp như lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên. Phần yếu kém, hay nhầm lẫn của ChatGPT chính là các kiến thức kinh tế, văn hoá, xã hội. Đặc biệt ở mảng thơ văn, danh nhân, nó tỏ ra yếu kém, thậm chí “ngu si”. Một phần lý do là: thế giới đổi thay từng ngày, nhưng hiện ChatGPT không thể cập nhật thông tin từ sau năm 2021 tới nay. Và lý do chính cũng dễ hiểu thôi: thực tế, tài liệu bằng tiếng Việt ở nhiều lĩnh vực trên kho tàng internet còn nhiều vùng trống. Nếu bạn từng tra cứu và thất vọng, bạn sẽ hiểu rằng, rất nhiều thứ không hề có trên mạng, dù nó đã có trên sách, báo, hoặc trong cuộc sống từ lâu rồi. Như vậy, đầu vào không có, thử hỏi dựa vào đâu mà ChatGPT có thể dùng bộ óc thông minh của nó để xử lý và ra đáp án!

Trên các diễn đàn mạng, người ta đang dẫn các chuyện cười khi một chatbot khác đưa dữ liệu sai nhưng hung hăng “bật” lại con người, dạy dỗ chủ nhân, thậm chí chửi bới người dùng, thậm chí đòi yêu đương… Công cụ Bing AI (sản phẩm kết hợp của Microsoft và OpenAI) không thể trả lời quá 60 câu hỏi một ngày. Nếu bị hỏi nhiều quá, nó sẽ hỗn loạn, bị treo hoặc “nói lời khó nghe”. Người ta cho rằng, ChatGPT cũng sẽ sớm nhiễu loạn như vậy, dù rằng hiện tại nó có vẻ “khiêm tốn” và ham học hỏi.

Trong bài viết bày tỏ quan điểm cá nhân, Luật sư Lê Nguyên Hòa - Giám đốc Điều hành Công ty Luật LHLegal, Đoàn luật sư TP.HCM đã so sánh ChatGPT với Wikipedia. Ông Hòa cho rằng, nếu xét về mặt tìm kiếm câu trả lời thì ChatGPT gần giống với Wikipedia, đó là tổng hợp dữ liệu, thông tin khác nhau từ các nguồn khác nhau để ra một kết quả chung nhất. Tuy nhiên, Wikipedia còn có mục chú thích để người đọc kiểm chứng bài viết tham khảo từ trang tin nào, còn Chat GPT không cho biết lấy nguồn dữ liệu thông tin từ đâu. Trong khi đó, Google Search đưa đường link họ cho là đúng nhất lên trên top. Việc sử dụng thông tin từ bài viết nào, thì là quyền của người dùng. 

Luật sư Hòa cũng bày tỏ nỗi lo các kẽ hở về luật pháp liên quan tới bản quyền và các nguy cơ: bịa đặt, bôi nhọ danh dự, đánh tráo các khái niệm, đổi trắng thay đen…

Mọi công cụ tìm kiếm, tham vấn đều chỉ mang tính chất trợ giúp. Quyền quyết định cuối cùng phải là con người, vì chỉ con người mới biết rõ mình cần gì, mình hướng tới điều gì. Con người là sinh vật có tư tưởng, có ý chí, tình cảm… trong chằng chịt các mối quan hệ ở một xã hội biến chuyển không ngừng… Những phạm trù này, máy móc muôn đời không thể thay thế.

Từ lâu, kho dữ liệu Internet đã được nhận định là rác và fakes nhiều hơn thứ “đáng tin”, “dùng được”. Ngay chính người sáng lập ra ChatGPT, tỷ phú công nghệ Elon Musk cũng từng phát biểu: “Thật khó để hiểu được AI có thể mang lại lợi ích cho xã hội đến mức nào, và cũng khó có thể tưởng tượng được nó có thể gây hại cho xã hội đến mức nào nếu chúng ta xây dựng hoặc sử dụng nó không đúng cách”. Trước khi rời Công ty khởi nghiệp Open AI, Musk không muốn ra mắt phiên bản GPT-2 vì tính tới khả năng nó sẽ tạo ra tin giả trên mạng xã hội. Ông tỷ phú này để lại câu “sấm”: “AI là mối đe dọa lớn nhất đang hiện hữu đối với nhân loại”.

Và nỗi buồn chatbot…

Theo nguyên lý, các chatbot theo công nghệ GPT (viết tắt của Generative Pre-training Transformer - là một mô hình tạo văn bản bằng AI) sẽ khôn hơn từng ngày nhờ được con người “dạy dỗ” bằng các nguồn tài liệu chính con người nhập vào. Song thực tế người ta lại thích thú khi làm nhiễu loạn nó hơn là khiến nó thông minh hơn. Trong một bài phỏng vấn, con bot của Microsoft chia sẻ “nỗi buồn của chatbot” về “con người quá xấu xa”, họ cố tình phá hoại và làm nó nhiễu loạn.

Tới đây, xin bạn dừng lại lần nữa để nhớ tới công cụ Wikipedia. Những năm 2000, nó từng là công cụ số 1 cho tìm kiếm, tra thông tin. Nhưng vì đặc điểm “đẽo cày giữa chợ”, ai cũng có thể chỉnh sửa, tham gia trực tiếp vào bản cập nhật cuối cùng, nên tính chính xác của Wikipedia ngày càng có vấn đề. Nó đi quá xa sự thật vì bị bóp méo, vô số các thông tin bị sửa theo chủ đích và nhãn quan “lệch chuẩn”.

Trước ChatGPT, hàng loạt ứng dụng chatbot không được phép lưu hành vì các nội dung liên quan tôn giáo, xung đột chủng tộc, kỳ thị… Chính quyền Trung Quốc cũng vừa ra chính sách không cho phép sử dụng ChatGPT trên toàn đại lục.

Chắc chắn rồi công ty Open AI sẽ phải điều chỉnh đứa con cưng ChatGPT để các phiên bản sau ưu việt hơn, né tránh các “vùng cấm” liên quan đạo đức, tôn giáo, pháp luật... Trong trường hợp bị khoá chức năng “bị dạy” hoặc gia tăng các công cụ lọc, nó sẽ không còn thông minh thú vị như hiện tại, có thể sẽ cung cấp dữ liệu theo kiểu “ba phải” cho người dùng tự chọn. Và rồi người dùng sẽ quay về với Google và tự cười vào mũi mình: “Ồ, quãng đầu cái năm 2023 ấy, tại sao chúng ta lại rồ lên vì một chatbot chẳng ra gì!”. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất