, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 12/05/2023, 17:30

Chatbot có giành việc của con người?

NGHIÊM QUẢNG
Máy tính, rồi robot và mới đây nhất là chatbot - thuật toán AI ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong văn phòng, nhà máy. Có những đầu việc như dò bom mìn, tiếp xúc với chất độc hại… người phàm hoan hô, ca tụng “người máy” hết lời. Nhưng có những phần việc “trong phòng máy lạnh”, người phàm khó chịu ra mặt. Than thở, kêu ca, thậm chí là biểu tình phản đối chủ xưởng lạnh lùng đẩy người phàm ra đường, chịu cảnh thất nghiệp. Những câu chuyện quen nghe trên thế giới và cả Việt Nam trong những năm gần đây. Bên nói tàn nhẫn! Bên nói nhân văn lắm lắm…

1.

Từ năm 2015, cộng đồng người Việt đã bắt đầu nghe đến thuật ngữ công nghệ mới là “chatbot” với phần việc đơn giản là “chat”, nghĩa là giúp chúng ta đọc, tra cứu thông tin bằng mắt. Năm năm sau, các tập đoàn công nghệ như FPT, VNPT, CMC, Viettel… đổ tiền nghiên cứu và ứng dụng chatbot trong hoạt động của doanh nghiệp mình, đồng thời cho ra “gói” giải pháp chatbot bán lại cho những doanh nghiệp khác…

Chatbot hiện là công cụ được thừa hưởng các thành tựu của thuật toán trí tuệ nhân tạo, quen gọi tắt là AI. Từ công cụ chỉ biết gõ để “chat”, giờ chatbot tích hợp AI sẽ nói được với chất âm của nhiều vùng miền Việt Nam, thông minh hơn tùy thuộc vào nguồn dữ liệu và phương pháp “dạy dỗ” của nhà sản xuất.

Những “anh chàng, cô nàng” chatbot ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các doanh nghiệp đang làm ăn tại Việt Nam. Khởi nguồn là từ năm 2020, khi Việt Nam và thế giới bắt đầu đối mặt với khủng hoảng dịch Covid-19, cũng là lúc công cụ chatbot được sử dụng nhiều tại các trung tâm chăm sóc khách hàng để hạn chế người phàm tiếp xúc trực tiếp.

Bà Vân Anh, đại diện truyền thông FPT cho biết, hiện công cụ chatbot của FPT đã có mặt tại hơn 100 doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau. Viettel đã đầu tư hệ thống callbot quy mô lớn. Từ ngày 15/3/2023, hệ thống callbot Viettel là lực lượng lao động chính tạo lập danh sách, nhắc nhở bằng cách gọi và nhắn tin cho hàng triệu thuê bao cập nhật thông tin đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước ngày 31/3/2023! VinaPhone, MobiFone cũng dùng công cụ chatbot để thực hiện công việc nhắc nhở gần 2 triệu chủ thuê bao cập nhật thông tin thay vì những cô tổng đài viên xinh đẹp trước đây.

2.

Giữa năm 2018, một nhà máy sản xuất hàng điện lạnh tầm nhất nhì thế giới đang hoạt động tại một khu công nghiệp ở Việt Nam có kế hoạch đầu tư 600 con robot vào dây chuyền sản xuất. Và đến nay, theo một nguồn tin nội bộ thì họ đã mang về 60 con robot. Có nghĩa là hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lao động sẽ bị mất việc.

Vị trưởng ban quản lý khu công nghiệp có nhà máy cho biết: “Đã có các lao động phản đối bằng cách đình công. Chúng tôi đã cùng với nhà máy tìm cách giải quyết ngọt ngào câu chuyện này, tránh những xung đột giữa doanh nghiệp và lao động, kể cả chính sách quốc gia về đầu tư nước ngoài vì đây là doanh nghiệp có vốn đầu tư hàng chục tỷ đô-la Mỹ”.

Mới đây, tại một buổi tọa đàm đậm chất công nghệ với chủ đề AI và hệ thống chatbot nâng tầm cá thể hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng, Công Duy đến từ FE Credit đặt câu hỏi với các diễn giả: “Công nghệ ngày càng hiện đại, thông minh có khiến cho người lao động bị thất nghiệp?”.

3.

Trả lời câu hỏi của Công Duy, ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc trung tâm chuyển đổi số của HDBank nói: “Chatbot, thuật toán AI… chỉ hỗ trợ cho con người. Như việc mở 1 tài khoản trước đây phải mất 25 phút nhưng nhờ AI mà thời gian mở thẻ hiện nay chỉ mất từ 5 - 7 phút. Nhìn từ phía doanh nghiệp và khách hàng, AI sẽ giúp tiết kiệm được thời gian, nên trở thành công cụ cạnh tranh của doanh nghiệp. Đừng nghĩ chatbot, AI đuổi người lao động ra đường mà đó là đối tác để con người làm việc tốt hơn. Có những việc liên quan đến cảm xúc, sự thấu cảm, thì AI không thể thay thế con người”.

Còn theo ông Lê Hồng Việt, giám đốc FPT Cloud thì: “Chatbot là công cụ giúp doanh nghiệp giám sát, đồng hành và cùng làm việc với con người, không “cướp miếng cơm” của người lao động. Chatbot, AI theo tôi là những công cụ rất nhân văn. Những công cụ hiện đại như chatbot, AI… có tạo ra áp lực thì cũng là động lực để người lao động trở nên năng động hơn, tăng kiến thức, không còn thụ động như trước!”.

Không chỉ tổng đài viên mà gần đây giới luật sư, nhà báo, nhân viên tiếp thị, phần mềm… cũng hoang mang vì những đầu việc mà họ đang làm sẽ được thay thế bằng… ChatGPT! Bà Đào Thiên Hương của Ernst Young Parthenon ví von: “Nhiều người nghĩ rằng, khi máy tính xuất hiện thì con người sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp nhưng trên thực tế có phải vậy đâu? Nhu cầu xã hội sẽ thúc đẩy hay làm cho tàn lụi nguồn lực lao động của nghề đó. Các bạn yên tâm, cứ làm giỏi việc của mình là chấp robot, chatbot…”.

Trên đây là các ý kiến mang tính chủ quan, bạn có thể dùng để tham khảo cho chính nghề của mình. Riêng tôi thì nghĩ rằng, mọi công cụ điện toán đều không thể thông minh, tinh tế và nhạy cảm bằng con người chúng ta. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1
Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất