, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 06/02/2023, 20:00

Chảy máu chất xám văn hóa: Một hành trình dích dắc

LÝ ĐỢI
Hôm 15/11, nhà đấu giá Millon ở Pháp tuyên bố họ đã đạt được thỏa thuận để phía Việt Nam có thể hồi hương chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” thời Minh Mạng. Đã có nhiều ý kiến gọi đây là một “chiến thắng”, vì không chỉ riêng Việt Nam, mà với nhiều nước khác, việc hồi hương bảo vật chưa bao giờ là dễ dàng, đôi khi cần cả sự may mắn. Nói chung, việc chảy máu chất xám và hồi hương các di sản thuộc về văn hóa là một hành trình rất dích dắc.
Ấn “Hoàng đế chi bảo. Ảnh: www.millon.com

1.

Sở dĩ Việt Nam sớm đạt được thỏa thuận với việc mua lại “Hoàng đế chi bảo”, có lẽ nhờ hai lý do chính. Đầu tiên, là do nhận thức được Hoàng đế chi bảo thật sự là một bảo vật, cần hồi hương bằng mọi cách. Rất nhanh, một đoàn công tác từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được cử sang Paris để đánh giá hiện trạng và tính xác thực của hiện vật. Trong một phát ngôn, Cục Di sản văn hóa khẳng định: “Hoàng đế chi bảo trở về Việt Nam không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, “chảy máu” ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc”.

Thứ hai, vì mức giá ước định của “Hoàng đế chi bảo” khá cao, vượt ngoài các khung định chế tài chính dự chi hàng năm, nên chính phủ Việt Nam đã thay đổi quan niệm về cách thức hồi hương. Cục Di sản văn hóa nhấn mạnh: “… việc hồi hương cổ vật không nhất thiết là phải nhà nước mua, thuộc sở hữu nhà nước, mà cá nhân cũng có thể hồi hương cổ vật nếu có tình yêu với di sản văn hóa và có tiềm lực tài chính, muốn đóng góp cho di sản văn hóa nước nhà”. Về câu chữ, mới đọc thì thấy đơn giản, nhưng về quan niệm, đây là một bước tiến khá dài trong nhận thức, quản lý, sở hữu di sản. Thủ tướng cho phép xã hội hóa - nghĩa là tư nhân, hoặc “nhà nước và tư nhân cùng làm” - để mua lại “Hoàng đế chi bảo”, điều này giúp cởi bỏ bớt tâm lý của nhiều người, vì lâu nay, sở hữu di sản không hề đơn giản, có khi “tiền mất tật mang”. Millon gọi đây là một “accord de gré à gré” (thỏa thuận ngoài sàn), vốn khá bình thường trong hoạt động đấu giá, nhưng với Việt Nam, thì đây gần như là một ngoại lệ.

Cũng nhìn ở khía cạnh đấu giá công khai, nếu Việt Nam không hồi hương được Hoàng đế chi bảo thì sao? Thì cũng là chuyện khá phổ biến mà thôi, vì dễ gì đạt được một thỏa thuận ngoài sàn. Thẳng thắn nhìn nhận, Hoàng đế chi bảo chỉ là một phần hiếm hoi có thể hồi hương được, còn lại đa số di sản, cổ vật, tác phẩm khi đã chu du xứ người, rất khó để quay về. Chưa nói, bên cạnh các phiên giao dịch công khai, thị trường còn nhiều phiên kín, mua bán trao tay, nếu vì một lý do nào đó, “Hoàng đế chi bảo” không được bán công khai thì sao?

Ngay trong phiên đấu ngày 31/10, dự kiến có “Hoàng đế chi bảo”, nhà Millon mở bán hơn 300 cổ vật, trong số này có gần 100 cổ vật từ Việt Nam. Kết thúc phiên đấu công khai này, bao nhiêu món trong số gần 100 này được hồi hương? Chắc cũng không nhiều, vì cổ vật đâu chỉ Việt Nam yêu thích, chúng luôn được săn đón, lùng kiếm, nên mới gọi là “đấu”, theo nghĩa thi đấu, đấu đá để có được.

“Chiếc bình An Nam”, quốc bảo của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Bảo tàng Hoàng cung Topaki Saray.

2.

Câu hỏi được đặt ra là Việt Nam còn bao nhiêu bảo vật cần hồi hương? Khó mà trả lời chính xác, nhưng chỉ biết là rất nhiều, tùy vào định nghĩa hoặc quan niệm thế nào là một bảo vật. Suốt cả ngàn năm Bắc thuộc, rồi Pháp thuộc và các cuộc xâm lược khác, Việt Nam bị cướp, bị mất, bị chảy máu bao nhiêu di sản văn hóa, chưa thể thống kê hết được.

Trong lịch sử xuất bản và cả tư tưởng, Thiền uyển tập anh (ra đời vào khoảng 1337) của Việt Nam là một bảo vật. Trong thiên Nghệ văn chí của bộ Lê triều thông sử, Lê Quý Đôn viết: “Thiền uyển tập anh, một quyển, người đời Trần soạn, ghi tông phái Thiền học và sự tích các nhà sư nổi tiếng ở nước ta từ đời Đường, Tống, trải đến các đời Đinh, Lê, Lý, Trần”. Thế nhưng cho đến nay, Việt Nam chỉ còn giữ được bản trùng san in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) thời Hậu Lê, bản khắc in trước đó đã bị thất lạc. Lý do chính đến từ sự đô hộ tàn bạo của nhà Minh trong 20 năm (1407 - 1427), họ đã “đốt sách chôn nho”, bắt nghệ nhân và cướp di sản mang về Trung Quốc. Về công khai thì không có văn bản khẳng định, nhưng trong giới chơi sách vẫn rỉ tai nhau cho biết Thiền uyển tập anh bản khắc in thời Trần giờ đang ở Đài Loan và Nhật Bản. Nếu tương lai, một trong hai bản này xuất hiện công khai ở thị trường đấu giá, thì với Việt Nam đây sẽ là bảo vật, còn với giới chơi sách quốc tế, đây là một tuyệt phẩm, xứng đáng để đấu.

Một ví dụ khác, cây đàn Nguyễn (Nguyễn cầm, còn gọi là nguyệt cầm) từng giữ vị trí diễn tấu chủ chốt trong nhã nhạc triều Lê, được Nguyễn Du yêu thích, gọi là cầm trăng trong Truyện Kiều, thay thế cho đàn tỳ bà trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Từ thời Tây Sơn về sau, cây đàn này bị mai một, mất đi vị trí chủ chốt trong diễn tấu, cũng như bị giản lược hóa từ 4 dây còn 2 dây, miền Nam gọi là đàn kìm. Âm nhạc bồi đắp tâm tư, triết lý cho vẻ đẹp của Truyện Kiều, cây đàn Nguyễn giữ một vai trò đáng kể. Nếu nhìn từ khía cạnh này, đàn Nguyễn là một bảo vật trong tiến trình tiếp biến và nhận thức về âm nhạc của Việt Nam. Thế nhưng, bây giờ muốn xem cây đàn Nguyễn ra đời thời Nguyễn Du ở đâu, chắc phải sang Nhật Bản. Theo nhà nghiên cứu Hà Vũ Trọng, một cây đàn Nguyễn cổ đang được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Tokyo.

Bảo tàng Hoàng cung Topaki Saray (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) có gần 11.000 hiện vật, chủ yếu là gốm sứ cao cấp thời Tống - Nguyên - Minh đến Thanh của Trung Quốc, của Nhật Bản từ thế kỷ 17 đến 19. Thế nhưng với họ, quốc bảo lại là “Chiếc bình An Nam”, gốm hoa lam, do nghệ nhân Bùi Thị Hí của Việt Nam chế tác vào giữa thế kỷ 15. Bình cao 54cm, trang trí hoa mẫu đơn, lá bồ đề, hoa sen… Thân bình có dòng lạc khoản, gồm 13 chữ Nho: 大 和 八 年 匠 人 南 策 州 裴 氏 戲 筆 (Đại Hòa bát niên tượng nhân Nam Sách châu Bùi Thị Hí bút). Nghĩa là: “Năm Đại Hòa thứ 8 [1450, triều vua Lê Nhân Tông], do thợ thủ công tại châu Nam Sách là Bùi Thị Hí vẽ”. Xét về lịch sử gốm sứ của thế giới, việc ký tên vào giữa thế kỷ 15, lại là nữ, thì quá tiền phong và đặc biệt, rất hiếm gặp. Đây cũng là một trong vài lý do để Thổ Nhĩ Kỳ xem “Chiếc bình An Nam” là quốc bảo. Nếu bình này mà được hồi hương về Việt Nam thì sao?

Đàn Nguyễn được lưu giữ trong Bảo tàng Quốc gia Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Hà Vũ Trọng.

3.

Tha hương chưa hẳn đã đáng thương. Tha hương ở đây là để chỉ khía cạnh chảy máu chất xám văn hóa nói chung. Do chiến tranh, thiên tai, mất mùa, đói kém liên miên, lại thiếu vắng thị trường nội địa, nên việc di sản, cổ vật, đặc biệt là mỹ thuật bị chảy máu ra nước ngoài, cũng là điều dễ hiểu. Chắc chi ở lại trong nước, khi chiến tranh, thiên tai nổ ra trong quá khứ, mà còn giữ được nguyên vẹn? Tình trạng chảy máu chất xám văn hóa, chảy máu nghệ thuật từng xảy ra với nhiều nước, trong đó có Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Tạng, Campuchia, thổ dân Úc, thổ dân Nam Mỹ, thổ dân châu Phi… Trong tương lai, việc chảy máu chắc chắn sẽ còn diễn ra, vì nhu cầu sở hữu và giao dịch luôn rất mạnh mẽ.

Mặt trái, khía cạnh xấu của chảy máu chất xám văn hóa thì đã quá rõ ràng. Nhưng khía cạnh tích cực thì vẫn có, bởi nếu quốc tế không thích văn hóa của mình thì săn lùng, gìn giữ, nghiên cứu, nâng giá… làm gì? Chắc chi nội địa đã bảo quản tốt, đã đánh giá đúng giá trị và giá cả của di sản, của tác phẩm. Vậy thì thêm các thước đo, tiêu chuẩn của quốc tế vẫn tốt hơn. Trong giới sưu tập, tiền chưa phải là quyết định, vấn đề chính yếu vẫn là hiểu biết, thời điểm và cơ hội để được mua. Việc mua lại được “Hoàng đế chi bảo” là ví dụ sinh động cho điều đó.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất