, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 16/06/2022, 06:02

Chi phí lớn từ chiếc “tem” nhỏ

CẨM HÀ
Cho đến khi bài báo này lên khuôn, thời hạn góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì soạn thảo cũng vừa kết thúc (ngày 30/5/2022). Chưa rõ cơ quan chức năng sẽ tiếp thu thế nào.

“Chơi sang” hơn Nhật, Singapore

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) khẩn thiết gửi công văn tới 4 bộ trưởng, là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt để tiếp tục kiến nghị về dự thảo Thông tư hướng dẫn ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm.

Nhưng trước đó, không chỉ VASEP mà hàng loạt hiệp hội ngành hàng thực phẩm cũng đã lên tiếng về dự thảo này. Theo doanh nghiệp, bản dự thảo có nhiều quy định chưa phù hợp, từ nguyên tắc ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm; nội dung ghi thành phần dinh dưỡng; lộ trình thực hiện cho đến điều khoản chuyển tiếp… Mẫu ghi nhãn dinh dưỡng cũng không hợp lý (yêu cầu nhiều thông tin, khó thực hiện trong diện tích bao bì nhỏ).

Về phạm vi điều chỉnh, doanh nghiệp đề nghị xem xét bổ sung vào danh mục loại trừ các nhóm sản phẩm dinh dưỡng công thức dùng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Lý do là nhu cầu dinh dưỡng của trẻ nhỏ và các đối tượng đặc biệt là khác xa mức 2.000kcal cho người lớn khỏe mạnh, hơn nữa, đã được quy định riêng trong QCVN và/hoặc Thông tư 43/2014/TT-BYT. Nếu không loại trừ thì phải tích hợp các quy định liên quan trong Thông tư 43 và QCVN tương ứng, đồng thời bãi bỏ Thông tư 43.

Các doanh nghiệp cũng cho rằng nhiều sản phẩm xuất hiện trong dự thảo thông tư này nằm ngoài các nghị định mà thông tư này hướng dẫn thực hiện, như thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng…, đồng thời đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét loại trừ rượu, bia, vì việc ghi nhãn 7 chất (bao gồm năng lượng, đạm, chất bột đường (carbohydrat), đường tổng số (total sugar), chất béo, chất béo bão hoà, natri) theo quy định đối với rượu bia là không hợp lý.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp quan ngại về yêu cầu ghi đầy đủ 7 chất với tất cả các loại thực phẩm, mà không áp dụng phương thức quản lý rủi ro, sẽ làm tăng nhiều chi phí cho kiểm nghiệm. Để so sánh, doanh nghiệp cho biết, Singapore yêu cầu ghi 4 chỉ tiêu: năng lượng, đạm, chất béo, carbohydrat. Malaysia 4 chỉ tiêu như Singapore, riêng nước giải khát thêm tổng đường. Nhật Bản yêu cầu ghi 5 chỉ tiêu: năng lượng, đạm, chất béo, carbohydrat, muối.

Tốn kém, phức tạp, nhưng có thực sự cần thiết?

Phân tích về những tác động tới doanh nghiệp của các quy định này, VASEP cho biết, với 2 chỉ tiêu ghi nhãn nhiều hơn so với Nhật, thì chỉ riêng tiền kiểm nghiệm, doanh nghiệp Việt Nam tốn kém thêm khoảng 381 tỷ đồng trong năm đầu tiên và 127 tỷ đồng trong các năm tiếp theo.

Bởi lẽ, để có thông tin ghi nhãn, doanh nghiệp ít nhất phải kiểm nghiệm 3 lần để tính giá trị trung bình. Và theo ISO, nếu không kiểm nghiệm từng lô, thì mỗi năm doanh nghiệp phải thực hiện kiểm nghiệm lại ít nhất 1 lần để xem giá trị này còn chính xác hay không.

Lấy ví dụ mức giá kiểm nghiệm chất béo bão hòa tại Viện Kiểm nghiệm thực phẩm quốc gia hiện nay là 1,1 triệu đồng/1 mẫu. Theo số liệu của Cục An toàn thực phẩm, trong 3 năm 2015 - 2016 - 2017, Cục đã cấp giấy đăng ký cho 113.000 sản phẩm thực phẩm, như vậy 5 năm có khoảng 188.000 sản phẩm. Chỉ cần tính 50% số này có trên thị trường, ta có 94.000 sản phẩm thực phẩm và cứ 3 kiểm nghiệm để ghi nhãn 1 chỉ tiêu, với 94.000 sản phẩm, các doanh nghiệp đã phải chi 310 tỷ đồng. Tiếp đó, để tiếp tục duy trì tối thiểu 1 kiểm nghiệm hàng năm, doanh nghiệp tiếp tục phải chi thêm (1,1 triệu đồng x 94.000 sản phẩm), tức 103 tỷ đồng nữa…

Một dòng thông tin nhỏ xíu trên nhãn mác quả thực đã làm doanh nghiệp tốn kém thêm nhiều nguồn lực, nhân lực và thời gian; đồng thời cũng làm cho sản phẩm trở nên đắt đỏ hơn khi đến tay người tiêu dùng. Tất nhiên, đằng sau đó cũng là thu nhập của những người nông dân trồng trọt và chăn nuôi để cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp…

Nếu thông tin đem lại giá trị thực sự, thì đắt cũng phải làm, nhưng trong bối cảnh nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, người dân bị bào mòn đáng kể sau thời gian chống chọi với đại dịch Covid-19, thì đây rõ ràng là điều nên cân nhắc.

Giải pháp hợp lý hơn, theo doanh nghiệp, là quy định “ghi 4 chỉ tiêu thay vì 7, giống như các nước trong khu vực (Singapore, Malaysia) hoặc 5 chỉ tiêu như Nhật Bản và áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để phân loại nhóm sản phẩm nào cần ghi tiêu chí gì”, công văn VASEP gửi các bộ trưởng đề xuất phương án.

Chẳng hạn, nhóm sản phẩm thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán vốn có nhiều chất béo bão hòa thì mới cần ghi hàm lượng chất béo bão hòa; nhóm nước giải khát thường hay chứa nhiều đường thì mới cần ghi tổng đường.

“Bộ Y tế cần có nghiên cứu đánh giá việc bắt buộc ghi cả 7 chỉ tiêu và phải ghi theo cả 2 cách (theo số lượng và theo % giá trị dinh dưỡng) có lợi gì, hay hại gì so với 4 chỉ tiêu và ghi theo 1 cách như Singapore, Malaysia hay 5 chỉ tiêu như Nhật để có cơ sở khoa học nhằm hoàn thiện dự thảo”, cũng là kiến nghị thẳng thắn được nêu trong công văn của VASEP gửi người đứng đầu các bộ.

Về điều khoản chuyển tiếp, doanh nghiệp cho rằng có sự mâu thuẫn giữa các điều khoản trong chính bản dự thảo thông tư này và đề nghị sửa thành: “Thực phẩm đã được sản xuất hoặc nhập khẩu trước ngày 1/1/2025 thì được tiếp tục lưu thông, sử dụng cho đến hết hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm đó”.

Giới kinh doanh thực phẩm nói riêng, người nông dân và đông đảo người tiêu dùng nói chung đang rất chờ đợi quyết định hợp lý, hợp tình từ bộ chịu trách nhiệm chính về vấn đề này - Bộ Y tế.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất