, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 31/08/2022, 13:30

Chi phí năng lượng tăng cao khiến ngành công nghiệp phân bón chao đảo

KHÁNH NGUYÊN
(Theo Bloomberg, Yahoo News)
Rất nhiều công ty phân bón hàng đầu châu Âu gần đây liên tục công bố cắt giảm sản lượng hoặc tạm ngừng sản xuất vì giá khí đốt tăng cao, khó khăn cho các vụ mùa sắp tới của châu Âu sẽ lại càng chồng chất.
Nhà sản xuất phân bón toàn cầu như Yara International cũng tuyên bố cắt giảm công suất vì gánh không nổi chi phí khí đốt tự nhiên đã tăng 500% so với một năm trước. Ảnh: AFP

Danh sách các công ty thông báo cắt giảm hoặc ngừng sản xuất amoniac của châu Âu đang dài mãi ra khi họ không thể gồng nổi chi phí năng lượng cao chót vót và thậm chí còn không có nguồn cung. 

Grupa Azoty, công ty hoá chất lớn nhất của Ba Lan, và là nhà sản xuất phân khoáng lớn thứ hai EU, vừa thông báo tạm ngừng sản xuất amoniac do giá khí đốt tăng cao kỷ lục trong khi công ty con của họ là Pulawy sẽ cắt giảm sản lượng xuống còn khoảng 10%. Còn Anwil, công ty con của hãng dầu khí PKN Orlen SA thì đã ngừng sản xuất.

Amoniac là nguyên liệu cơ bản không chỉ cho phân bón nitrat mà còn cho nhiều hóa chất hữu cơ khác. Do đó, việc ngừng sản xuất có thể sẽ ảnh hưởng rộng hơn đến ngành công nghiệp phân bón châu Âu.

Theo Chris Lawson - nhà phân tích tại CRU Group, khoảng 38% năng lực sản xuất amoniac của châu Âu hiện đã suy yếu hoặc cắt giảm hoàn toàn. “Đây chỉ là mức được công bố, trên thực tế có thể còn cao hơn nữa”, ông Lawson cho hay.

Thông cảm với các công ty sản xuất phân bón, nhà phân tích Krzysztof Koziel của Ngân hàng Pekao SA cho rằng: “Thông báo của Grupa Azoty là rất tiêu cực nhưng rõ ràng phải xảy ra vì sản xuất phân bón với giá khí đốt cao như vậy không mang lại hiệu quả gì”.

Ngày càng nhiều công ty, nhà máy sản xuất nối dài danh sách giảm sản lượng hoặc ngừng sản xuất phân bón, những vụ mùa sắp tới của người nông dân châu Âu sẽ còn thê thảm hơn. Ảnh: AFP

Dự kiến, sẽ còn nhiều công ty khác ở châu Âu sẽ sớm công bố cắt giảm sản lượng khi chi phí khí đốt tự nhiên đã tăng 500% so với một năm trước. Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu đang ngày càng nghiêm trọng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng hai.

Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Henryk Kowalczyk sau tuyên bố giảm sản lượng của Grupa Azoty, có phần lạc quan hơn khi đánh giá Grupa Azoty có đủ phân bón tồn kho để cung cấp cho nông dân xuống giống vụ mùa thu, và hy vọng thị trường khí đốt ổn định trở lại để sản xuất phân bón kịp phục vụ vụ mùa xuân.

Trước đó, vào tháng 6, gã khổng lồ ngành phân bón của Na Uy là Yara International đã giảm công suất amoniac 1,3 triệu tấn và công suất phân bón 1,7 triệu tấn cũng vì chi phí năng lượng tăng. Cả Yara và các nhà sản xuất như Borealis AG và Fertiglobe Plc đều cho rằng ngành công nghiệp phân bón châu Âu đang xấu đi. Một số nhà sản xuất khác thì tìm cách chuyển hướng sản xuất ra nước ngoài, hoặc xem xét nhập khẩu amoniac rẻ hơn từ các nước ngoài châu Âu nhằm "giảm thiểu rủi ro trong trường hợp nguồn cung khí đốt tự nhiên bị cắt giảm lớn".

Phát ngôn viên của tổ chức Fertilizer Europe, ông Lukas Pasterski nhận định: "Trong tình hình hiện nay khi giá khí đốt ở châu Âu cao hơn ở Mỹ từ 8 đến 10 lần, các nhà sản xuất châu Âu không thể cạnh tranh toàn cầu. Nếu không thể nhập khẩu amoniac giá rẻ hơn từ bên ngoài châu Âu thì sẽ là vấn đề lớn”.

Ngành công nghiệp phân bón châu Âu chao đảo lại là cơ hội cho các đối thủ ở các thị trường khác, nhất là Mỹ. Chẳng hạn như Mosaic Co, một công ty cung cấp chất dinh dưỡng cây trồng có trụ sở tại Mỹ, vừa công bố sẽ tiếp tục sản xuất để đáp ứng nhu cầu toàn cầu và cam kết bán phân bón với giá hấp dẫn. Đại diện của Mosaic nói dù giá khí đốt tự nhiên và các nguyên liệu thô khác để sản xuất phân bón đã tăng mạnh đẩy giá phân bón tăng theo, nhưng công ty sẽ đảm bảo nguồn cung nhiều nhất có thể cho nông dân toàn cầu.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất