, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 30/04/2022, 16:07

Chiếc hũ sành trong ký ức quê hương

MAI HỒNG LÂM
Là một vật dụng mà hầu như gia đình ở nông thôn nào cũng có, những chiếc hủ sành tuy mộc mạc, bình dị nhưng gắn liền với cuộc sống gian khó một thời của biết bao gia đình người dân quê một nắng hai sương...
Hủ sành gọi nhớ những ký ức xưa.

Ngày xưa ở những vùng nông thôn, nhà nào cũng có từ 2 đến 3 chiếc hủ sành. Những chiếc hủ thành hình từ chính cục đất của quê hương. Chính bàn tay khéo léo của người thợ gốm đã biến những cục đất sét vô tri vô giác thành những chiếc hủ sành đủ hình đủ cỡ và thân quen đến vô cùng. 

Theo thời gian và theo chân thương lái, những chiếc hủ sành có mặt ở khắp các chợ quê nghèo, hiện hữu ở mọi góc ngách trong gia đình những người dân quê. Các mẹ, các chị đảm đang đã sử dụng những chiếc hủ sành để chế biến, bảo quản những món ăn dân dã của quê hương như dưa muối, cà muối, cải muối... 

Gặp mùa cá cơm, cá nục rẻ, hay những lúc tát đồng bắt được cá mại, cá sặc, tôm tép... người dân quê lại dùng chiếc hủ sành muối một ít cá, tôm để làm mắm ăn rả rích trong những ngày mưa gió. 

Những chiếc hủ sành theo các mẹ, các chị ra bến sông, bờ suối lấy nước về dùng trong những ngày hạn hán, đồng khô, giếng cạn. Thậm chí, chiếc hủ sành còn là nơi cất giữ tài sản, vốn liếng của những gia đình biết chắt chiu, dành dụm từ công sức lao động của mình... 

Cứ như thế, theo vòng quay của cuộc sống, chiếc hủ sành có lúc đầy, lúc vơi cùng với sự hưng thịnh, thăng trầm của kinh tế gia đình lúc dư, lúc thiếu...

Chiếc hủ sành dung dị gắn với đời sống của người dân thôn quê.

Từ trong những góc dung dị của đời thường, chiếc hủ sành còn hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc trong một phong trào đầy ý nghĩa, rộng khắp cả nước những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ: phong trào “hủ gạo nuôi quân”.

Phong trào được người người hưởng ứng, nhà nhà hưởng ứng, nên lúc bấy giờ, đến bất cứ nhà nào, vùng nào ở nông thôn cũng bắt gặp hình ảnh những chiếc hủ sành quen thuộc. Dù bữa cơm gia đình chỉ có 1 phần gạo độn 2 phần khoai, nhưng người dân quê vẫn sẵn lòng bớt đi một nắm gạo để góp vào “hủ gạo nuôi quân”. 

Những hủ gạo đầy ắp nghĩa tình này được gởi ra tiền tuyến nuôi quân đánh giặc. Những hạt gạo thấm bao mồ hôi, vất vả của nhân dân là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh, tinh thần, sự quyết tâm cho những chiến sĩ của ta thêm vững vàng tay súng lập nên nhiều chiến công vang dội, làm nức lòng nhân dân cả nước.

Lúc này đây, chiếc hủ sành đã vượt ra khỏi công dụng đời thường để trở thành một biểu tượng cho niềm tin của dân tộc gửi gắm vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất nước nhà... 

Chiếc hủ sành đựng bức thư mật của Mẹ VNAH Trình Thị Quy.

Cũng từ những năm tháng chiến tranh ác liệt, chiếc hủ sành đã theo chân các mẹ, các chị băng qua mưa bom lửa đạn, băng qua đêm tối mịt mùng, băng qua sự kiểm soát nghiêm ngặt của kẻ thù để tiếp tế bát cơm, miếng nước, củ khoai thuốc men... cho cán bộ, chiến sĩ nằm vùng hoạt động trong lòng địch, hay trong những trận chống càn. Chiếc hủ sành còn là nơi cất giấu những tài liệu mật hay truyền đơn. Là vật nguỵ trang để mang tài liệu, chỉ thị, công văn của cấp trên đến với những cán bộ, chiến sĩ nằm vùng... 

Lúc này, chiếc hủ sành đã trở thành biểu tượng, là cầu nối thể hiện mối quan hệ quân - dân khăng khít. 

* * *

Hơn 47 năm chiến tranh đã trôi qua, nhưng các mẹ, các chị, các bác cựu chiến binh vẫn còn giữ lại được chiếc hủ sành đã một thời băng qua muôn vàng gian nan, thử thách để tiếp tế, nuôi nấng cán bộ, chiến sĩ của ta. Trên những nẻo đường công tác đến các vùng quê, tôi đã không ít lần bắt gặp hình ảnh những chiếc hủ sành được trang trọng đặt ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà. 

Giữ lại chiếc hủ sành, phải chăng những người của một thời chiến tranh muốn giữ lại hoài niệm, ký ức tuy đau thương, mất mát nhưng rất oanh liệt, hào hùng trong những ngày giữ nước của dân tộc…

Giữ lại chiếc hủ sành, phải chăng các thế hệ cha anh đi trước muốn lớp con cháu sau này hiểu được vì sao dân tộc ta vẫn có thể đánh thắng được những kẻ thù hùng mạnh gấp năm gấp mười… 

Chiến thắng ấy, cũng có thể bắt nguồn từ những con người bình dị như các mẹ, các chị, và cũng có thể bắt nguồn từ những vật rất đỗi bình thường như những chiếc hủ sành...

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất