, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 12/04/2022, 06:00

“Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững đến năm 2050”: Những vấn đề còn băn khoăn

TS TÔ VĂN TRƯỜNG
“Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” là bản chiến lược cần thiết, được chuẩn bị khá công phu, bao trùm liên ngành, với các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển bền vững mà trong đó, người nông dân được coi là trung tâm của sự phát triển và tư duy sản xuất nông nghiệp đã được thay đổi thành kinh tế nông nghiệp. Về cơ bản, đây là sự thay đổi vô cùng quan trọng và có ý nghĩa. Tuy nhiên, đi vào chi tiết, cũng có một số vấn đề cần lưu ý thêm.
Mô hình nuôi tôm tại ĐBSCL.

Nhận xét chung về phần nhiệm vụ

Tiền đề của Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững phải dựa trên chiến lược phát triển của quốc gia, tuy nhiên, phần mở đầu và cả nội dung gần như không thấy tham khảo gì đến chiến lược phát triển chung của đất nước (về dân sinh, kinh tế - xã hội, nông thôn - thành thị, giáo dục…) Còn riêng vấn đề nông nghiệp, mục tiêu và định hướng phát triển trong Chiến lược vẫn còn nặng về tăng cao phần cung, chú trọng rất nhiều đến gia tăng sản xuất mà chưa chú ý đến chiến lược cân bằng cung - cầu, vốn là yêu cầu cho phát triển bền vững. Sau khi nâng cao sản lượng rồi mới nói đến làm sao tìm thị trường và phát triển chuỗi giá trị thì rồi sẽ giống như chiến lược giải cứu thanh long, mít, cam, bưởi, khoai lang... hiện nay.

Để bản Chiến lược thực sự “chiến lược”, mỗi giai đoạn chỉ nên tập trung cho 1 - 2 nhiệm vụ cụ thể để có các giải pháp ưu tiên thực hiện. Ví dụ giai đoạn 2021 - 2030 có thể là nông nghiệp số và nông nghiệp tuần hoàn, chẳng hạn. Đặt nhiệm vụ này là nhiệm vụ ưu tiên trong giai đoạn trên vì nó liên quan đến cam kết của Chủ tịch nước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc là “Việt Nam cam kết sản xuất nông nghiệp: “minh bạch - trách nhiệm - bền vững”, còn tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cam kết Việt Nam sẽ đạt: “Net Zero (phát thải ròng CO2 bằng 0) vào năm 2050”. Cần nhớ nông nghiệp là lĩnh vực phát thải lớn thứ 2 chỉ sau năng lượng! 

Một nhận xét khác, các nhiệm vụ nêu ra trong Chiến lược khá dài dòng, nhiều chỗ còn lẫn lộn giữa nhiệm vụ với giải pháp, chưa kể còn bỏ sót một lĩnh vực vô cùng quan trọng, có tính chiến lược, không chỉ về kinh tế mà cả về an ninh quốc phòng, đó là kinh tế biển. Không đặt ra ưu tiên lĩnh vực này là thiếu sót. Với khai thác hải sản và nuôi biển cần có cái nhìn tổng thể hơn, gắn với đa dạng nguồn lợi, góp phần giữ gìn chủ quyền biển đảo. Nếu có chiến lược này, giải pháp xây dựng các cảng cá, dịch vụ hậu cần tại các đảo nổi sẽ có tính cấp thiết rất cao. 

Một số định hướng còn nặng tính khẩu hiệu

Thứ nhất, “Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp” là quan điểm đúng nhưng nên lưu ý sản xuất nông nghiệp không đơn thuần chỉ là một ngành kinh tế, nó là “kinh tế - xã hội”, vì nông nghiệp mà thuần túy là kinh tế thì e rằng định hướng ấy sẽ không phù hợp với cam kết “bền vững - trách nhiệm”. Do vậy, cần làm rõ vấn đề này thì mới có thể đề ra các mục tiêu, giải pháp phù hợp. 

Thứ hai, nên bổ sung vào phần định hướng các nhóm sản phẩm chủ lực các loại cây thức ăn chăn nuôi. Thực tế hiện nay ngành chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản của chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu phần lớn các loại thức ăn, do đó, khó có thể chủ động phát triển một cách mạnh mẽ. Việc định hướng các nhóm sản phẩm chủ lực có các cây thức ăn chăn nuôi sẽ tạo điều kiện cho nhóm cây này cũng như ngành chế biến thức ăn chăn nuôi và ngành chăn nuôi nói chung ở nước ta phát triển ổn định hơn. 

Có một nội dung rất đáng chú ý trong phần định hướng và nhiệm vụ của Chiến lược, đó là “Phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho các đô thị chính và từng bước đưa đô thị phát triển về địa bàn nông thôn”. Đây là nội dung rất cần được làm rõ bởi nếu không, trong quá trình thực hiện sau này, nó có thể được đánh đồng bằng cách hiểu “đưa đô thị phát triển về địa bàn nông thôn” là cách để phát triển nông nghiệp - nông thôn bền vững!

Lạc quan quá dễ thiếu khả thi

Trong Mục tiêu chung của Chiến lược có đoạn viết: “Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa... có sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới...”. Định hướng này, theo tôi, là quá lạc quan. Cũng trong Mục tiêu chung của Chiến lược, có nêu: “Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn…theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Đây là những khái niệm chỉ mang tính định tính mà không có tính định lượng, đưa vào Chiến lược rất khó triển khai về sau. 

Chiến lược nên theo định hướng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong phát biểu tại lễ khai giảng Học viện Nông nghiệp Việt Nam ngày 30/09/2018 là phải tiến tới: “Nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh”, đích đến phải là “nông dân giàu có” chứ không phải chỉ văn minh.

Trong Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có nêu: “Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm 2020” và “...tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%”. Trong hai mục tiêu cụ thể này có mấy điểm cần bàn. 

Thứ nhất, tính thu nhập của “cư dân nông thôn” là không chính xác mà phải là thu nhập của “nông dân”, vì cư dân nông thôn, bao gồm cả những người không phải nông dân, là bộ đội, công an, viên chức nghỉ hưu, hay thậm chỉ viên chức đang làm việc ở thành phố nhưng sinh sống tại nông thôn. Do vậy, nếu tính thu nhập của cư dân nông thôn sẽ cho bức tranh không chính xác về thu nhập của nông dân.

Thứ hai, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%. Đây là một chỉ tiêu thực sự không rõ ràng. Vấn đề là nhiều năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo hàng triệu người hàng năm, nhưng việc đào tạo chưa hiệu quả, chưa đúng địa chỉ và người được đào tạo không làm việc theo nghề được đào tạo. Do vậy, chỉ tiêu về đào tạo nghề cần cân nhắc theo hướng “số lao động nông thôn được đào tạo nghề mà họ có nhu cầu”.

Trong “Tầm nhìn đến năm 2050”, dự thảo Chiến lược có viết: “Phấn đấu Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị”. Cần lưu ý rằng chúng ta chưa có tiêu chí rõ ràng nào để phân định nông thôn thế nào thì mới trở thành nơi đáng sống và quan trọng hơn, mục tiêu “thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận với đô thị” liệu có quá lạc quan?

Theo tôi, mục tiêu này nên chăng chỉ là “giảm nhanh sự chênh lệch về thu nhập giữa nông thôn và thành thị”? Tương tự, khi đặt mục tiêu “nông thôn không còn hộ nghèo”, chúng ta dường như đã thiếu thực tế bởi sự thật là trên thế giới, không có quốc gia đang phát triển hoặc mới phát triển nào không có hộ nghèo ở nông thôn.

Băn khoăn về một số giải pháp

Băn khoăn lớn nhất của tôi khi nghiên cứu là Chiến lược có vẻ hơi thiên về việc đưa ra quá nhiều giải pháp nhưng các giải pháp lại thiếu tính cụ thể và tính khả thi. Có đến hơn 11 giải pháp khác nhau được Chiến lược đề ra song giải pháp nào là giải pháp đột phá thì chưa thấy rõ. 

Ở một khía cạnh khác, giải pháp “Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp, nông nghiệp kết hợp dịch vụ... và tổ chức đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới thiệu công nghệ và cách quản lý mới” mà Chiến lược đề ra liệu có cần thiết không khi hiện nay, các phương thức/mô hình sản xuất nêu trên không còn là mô hình hoàn toàn mới, thậm chí, nhiều phương thức/mô hình sản xuất đã có luật hoặc nghị định của Chính phủ điều tiết, chẳng hạn như sản xuất nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp công nghệ cao?

Ở nhóm các giải pháp, tôi cũng rất quan tâm đến nội dung “Đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng triệt để trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm...”. Giải pháp này từng được nói rất nhiều lần, ở nhiều nơi, nhiều văn bản nhưng trên thực tế, nó không thể trở thành giải pháp bởi không khả thi vì bị ràng buộc bằng nhiều luật định khác như luật Tài chính, luật Đầu tư, luật Cán bộ... Do vậy, quyền tự chủ, nếu có, cũng chỉ được một vài phần rất nhỏ về tài chính trong kinh phí khoán, còn tự chủ về tổ chức, cán bộ và tài sản - khi cho đến nay vẫn chưa được đề cập trong bất kỳ văn bản nào - thì giải pháp “triệt để trao quyền tự chủ” chỉ là khẩu hiệu.

Thực tế, không có văn bản, chiến lược nào là hoàn mỹ ngay từ khi mới ra đời. Nhận thức là cả quá trình và những góp ý trên đây - dưới góc nhìn của một chuyên gia độc lập - chính là những băn khoăn lớn với mong muốn sẽ được những người có trách nhiệm tham khảo để hoàn thiện hơn nữa Chiến lược quan trọng này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất