, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/06/2022, 06:00

Chiến lược xuất khẩu gạo: giảm khối lượng, tăng giá trị

CHU KHÔI
Theo định hướng phát triển ngành lúa gạo được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm khối lượng gạo xuất khẩu xuống chỉ còn 4 triệu tấn, nhưng giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn phải tăng. Muốn đạt được mục tiêu này, cần giảm sản xuất gạo phẩm cấp thấp, tăng trồng các giống lúa đặc sản cho gạo chất lượng cao thơm ngon.
 
 
 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo trong tháng 04/2022 đạt 550 nghìn tấn, đem về 273 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 2,05 triệu tấn với kim ngạch 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. 

Tuy giảm về giá trị, nhưng theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so với các nước. Chẳng hạn, gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan trong tháng 4 ở mức 410 - 412 USD/tấn, gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 361 - 365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Trong khi đó, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 04, thì sang đầu tháng 05/2022 đã giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 03.

Trước đó, xuất khẩu gạo năm 2021 đạt 6,19 triệu tấn, kim ngạch 3,27 tỷ USD; tăng 0,8% về khối lượng và tăng 7,2% giá trị. Mặc dù khối lượng gạo xuất khẩu năm 2021 không đạt mục tiêu 6,5 triệu tấn, nhưng do giá bán tăng nên kim ngạch xuất khẩu lại vượt chỉ tiêu 3 tỷ USD đề ra.

Một điểm nhấn ấn tượng của ngành lúa gạo trong năm 2021 là giá xuất khẩu gạo của Việt Nam cao hơn giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Đơn cử như trong tháng 11/2021, giá gạo tẻ thường loại 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ở mức 438 USD/tấn, trong khi giá gạo xuất khẩu cùng loại của Thái Lan là 373 USD/tấn, Ấn Độ là 358 USD/tấn và Pakistan 363 USD/tấn.
Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trước đây thường thấp hơn so với gạo của các nước “đối thủ” là Thái Lan và Ấn Độ, nhưng nay đã vượt lên cao hơn là nhờ cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch sang các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. Cùng với đó, người nông dân và các thương nhân xuất khẩu gạo cũng ngày càng quan tâm hơn tới việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

“Ngành gạo của Việt Nam đang giảm dần sản xuất và xuất khẩu các loại gạo trắng thường, bởi không thể cạnh tranh về giá với các nước chuyên sản xuất gạo giá rẻ như Myanmar, Pakistan và Ấn Độ. Những năm về trước, lúa chất lượng cao chỉ chiếm từ 35 đến 40% trong cơ cấu sản xuất lúa gạo thì đến năm 2021 con số này đã đạt từ 75 đến 80%”, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho hay. 

 
 

 

Những năm trước đây, hai thị trường Trung Quốc và Philippines thường chiếm 80 - 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay Trung Quốc và Philippines vẫn là những thị trường chủ lực của gạo Việt Nam, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang những thị trường này đang giảm dần.

Quý đầu năm 2022, Philippines tiếp tục đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 44,7% trong tổng lượng và chiếm 42,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt 672.136 tấn, tương đương 311,08 triệu USD, giá trung bình 462,8 USD/tấn, tăng mạnh 63,3% về lượng, tăng 41,4% về kim ngạch. Gạo xuất khẩu sang Philippines và Indonesia chủ yếu là gạo trắng phẩm cấp thường, độ tấm từ 20 - 25%, cạnh tranh chủ yếu bằng giá.  

Thị trường Trung Quốc chiếm trên 11,9% trong tổng lượng và chiếm 12,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý đầu năm 2022. Cụ thể, đạt 178.201 tấn, tương đương 90,82 triệu USD, giá trung bình 509,7 USD/tấn, giảm mạnh 30,5% về lượng, giảm 33,3% về kim ngạch và giảm 4% về giá so với quý I/2021.

Vài năm trở lại đây, gạo Việt Nam đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản. Thống kê cho thấy xuất khẩu gạo sang EU trong 4 tháng đầu năm 2022 đạt trên 30.000 tấn, với kim ngạch 23 triệu USD. Riêng trong quý 1/2022, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 22.500 tấn gạo sang thị trường này, thu về gần 18 triệu USD, tăng gần 4 lần về lượng và tăng 4,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, từ đầu năm đến nay, công ty đã xuất khẩu một lượng lớn gạo chất lượng cao sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) với giá 1.000 USD/tấn. So với các thị trường khác thì giá gạo xuất khẩu sang thị trường EU đang rất cao và nhu cầu nhập khẩu từ thị trường này còn rất lớn. 

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, xuất khẩu sang EU dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Cam kết từ Hiệp định EVFTA nêu rõ EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm gồm: 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm. Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào EU hàng năm. Do thị phần gạo của Việt Nam tại EU còn khá khiêm tốn, chỉ chiếm 3,1% trong tổng lượng gạo ngoại khối nhập khẩu vào EU nên Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để gia tăng xuất khẩu vào thị trường này. Dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2022 sang thị trường EU sẽ đạt tối thiểu 60.000 tấn, đặc biệt là tại các thị trường truyền thống như Đức, Italia, Ba Lan…

 
 

 

Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam khuyến cáo: “Các doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%”. 

Hiện nhiều địa phương tại Việt Nam đã chú trọng đến cơ cấu giống. Các giống đặc sản, lúa thơm được đưa vào canh tác ngày càng nhiều đã giúp khẳng định thương hiệu gạo Việt ở nhiều thị trường “khó tính”. Điều này lý giải vì sao giá gạo Việt Nam cao hơn một số nước xuất khẩu truyền thống, nhưng người tiêu dùng thế giới vẫn chọn ký hợp đồng nhập khẩu gạo Việt. Đặc biệt, những năm gần đây, dòng gạo thơm, gạo đặc sản của Việt Nam như ST24, ST25, Jasmine… đã đi được vào một số thị trường lớn EU, giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu. 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tiếp tục chuyển dịch theo hướng gia tăng các loại gạo thơm, gạo đặc sản, gạo japonica, gạo trắng phẩm cấp cao với giá bán và giá trị gia tăng cao hơn. 

Trong hơn một thập kỷ qua, mỗi năm nước ta xuất khẩu 6 - 7 triệu tấn gạo. “Mục tiêu xuất khẩu gạo của cả nước cũng đã được điều chỉnh, đến năm 2030, dự kiến chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Do đó, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu gạo, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu nhập khẩu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm…”, ông Phùng Đức Tiến cho biết. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, ngành sản xuất lúa gạo đang được thúc đẩy tái cơ cấu theo hướng đẩy mạnh giá trị, phát triển bền vững với việc tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các địa phương, tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo hoàn chỉnh. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút nguồn lực về tài chính, ứng dụng khoa học - công nghệ, hướng đến xây dựng ngành lúa gạo Việt Nam phát triển hiện đại, bền vững với các chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao, như: SRP, GlobalGAP, VietGAP… 

CHU KHÔI

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất