, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 08/12/2021, 15:12

Chinh phục Pygmy

BÙI XUÂN HOÀNG
(Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Quảng Bình)
Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí địa chất, địa mạo năm 2003; và được UNESCO công nhận lần 2 là Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí đa dạng sinh học, sinh thái vào năm 2015. Nơi đây ẩn chứa những hang động khổng lồ và bí ẩn, trong đó phải kể đến hang Pygmy – là hang động lớn thứ 4 thế giới.
 

   

 
 

 

Nằm trong hệ thống hang Hổ, hang Pygmy đã được tỉnh Quảng Bình cấp phép cho Công ty lữ hành Jungle Boss có trụ sở đóng tại Phong Nha tổ chức tour tham quan và khám phá. 

Với lộ trình 3 ngày 2 đêm để chinh phục hệ thống hang Hổ (bao gồm hang Đại Ả, hố sụt khổng lồ Kong, hang Over và cuối cùng là hang Pygmy), chương trình tour này đạt cấp độ 6 trong thang đo 7 cấp độ từ dễ đến khó do Công ty Jungle Boss xây dựng dựa trên độ phức tạp của lộ trình tour. 

 
 
 
 

 

Ngày đầu tiên, từ km số 24 trên đường 20 Quyết Thắng, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá rừng nguyên sinh Phong Nha - Kẻ Bàng. Quảng đường đi bộ 11km để đến được cửa hang Đại Ả - hay còn gọi là hang Hổ - là con đường rợp bóng các tầng cây đặc trưng của rừng nhiệt đới. Sau bữa trưa nhẹ dưới tán rừng bằng bánh mỳ, xúc xích, dưa leo và giò chả, cả đoàn tiếp tục lên đường. 

Hang Đại Ả được khám phá và đo vẽ vào năm 1997 bởi Hiệp hội hang động hoàng gia Anh. Hang có chiều dài 1.616m, độ sâu 46m, cửa hang rộng khoảng 50m. Cửa dưới đầu tiên của hang Đại Ả là một dòng sông ngầm đổ về từ các thung lũng thuộc vùng Rục Cà Ròong. Dòng nước xuyên qua cửa hang tạo nên một cửa ra tiếp theo vô cùng hoành tráng và hùng vỹ chính là hố sụt khổng lồ Kong. Chúng tôi phải bơi 300m dưới dòng sông ngầm tối om chỉ với đèn đội đầu trong làn nước có nhiệt độ từ 17 - 18 độ. Đó là một trải nghiệm mang đến cảm giác hồi hộp đến khó thở, có lẽ người can đảm nhất cũng phải rùng mình.

Vượt qua đoạn sông ngầm, cả đoàn đến được hố sụt khổng lồ Kong. Sở dĩ được đặt tên “Kong” là vì hố sụt giống hình dáng chiếc đầu của con King Kong nổi tiếng với kích thước lớn từ trên cao nhìn xuống.

Có chiều cao lên đến 450m được đo từ đỉnh cao nhất đến đáy, hố sụt Kong đã trở thành một trong những hố sụt cao nhất thế giới ẩn chứa nhiều điều bí ẩn bất ngờ chờ đón những vị khách chúng tôi đến khám phá. 

Hố sụt không chỉ hấp dẫn bởi hình thù đặc biệt, với núi đá bao quanh mà nơi đây còn có dòng sông ngầm và khu rừng nguyên sinh bên trong, tạo nên một điểm cắm trại vô cùng lý tưởng cho những du khách muốn khám phá tìm hiểu thiên nhiên. Hố sụt Kong là điểm dừng nghỉ đêm đầu tiên trong 3 ngày 2 đêm thám hiểm hệ thống hang Hổ. 

Đêm nghỉ ở hố sụt Kong Collapse gây ấn tượng mạnh với bất cứ vị khách khó tính nào. Giữa không gian hùng vĩ của hố sụt cao vút, không có sóng điện thoại, chỉ có mấy chục con người ngồi quây quần dưới ánh đèn đội đầu được treo trên vách đá. Bạn hướng dẫn viên vui vẻ kể những câu chuyện về núi rừng, về quá trình khám phá hang động trước khi bữa tối được dọn ra. 

Bữa ăn tối chỉn chu với nhiều món ăn nóng sốt - có cả thịt và rau xanh, được các đầu bếp chuyện nghiệp của công ty tour chuẩn bị rất chu đáo. Chưa bắt nhịp được với những vất vả của cung đường rừng nên sau khi ăn xong, ai cũng dễ dàng chìm vào giấc ngủ hòa giữa thiên nhiên trong lành của núi rừng. Sáng ngủ dậy mùi cà phê thơm phức, trà nóng nghi ngút khói khiến chúng tôi quên hết mệt mỏi của hành trình ngày đầu tiên. 

 

 
 

Ngày thứ hai, sau khi chụp ảnh checkin đu dây tại mỏm đá nhô ra trong lòng hố sụt có tên hòn đá con Rùa, đoàn tiếp tục hành trình chinh phục hang Over. Là hang động dài nhất và là phần nối ở giữa trong chuỗi 3 hang động nối tiếp nhau của hệ thống hang Hổ, hang Over nằm cách hang Đại Ả khoảng 100m, có chiều dài 3.244m, độ sâu 104m, cửa hang rộng khoảng 30m, cao khoảng 25m, điểm rộng nhất là 125m. Do phần lớn thời gian ngày thứ hai cả đoàn đi dưới lòng đất, không ánh sáng tự nhiên nào có thể lọt vào, phải dùng đèn soi đường nên chúng tôi nói vui đây là hành trình của những chú đom đóm. 

 
 
 
 

Tuy nhiên, mặt đất trong hang nhão bùn do ẩm ướt khiến việc trekking khó khăn hơn các hang khác. Đặc biệt, trong hang Over có một khu vực rất rộng lớn có tên gọi là Massive Attack. Khoảng hang này rộng đến 125m và cao lên đến 80m, nên bạn sẽ dễ bị mất phương hướng khi đến khu vực Massive Attack này. 

Bữa trưa của ngày thứ hai diễn ra trong bóng tối của hang Over, chỉ đơn giản và dân dã với salad dưa chuột cùng cơm nắm muối vừng, nhưng ai cũng cảm thấy thật ngon miệng. Ăn xong, mọi người tranh thủ ngồi hoặc nằm nghỉ ngơi lấy lại sức cho chuyến treckking buổi chiều.

Sau hơn một giờ, cả đoàn tiếp tục hành trình để ra khỏi hang Over, đến với hố sụt ở cửa sau của hang Pygmy. Đây chính là hố sụt ngăn đôi hang Pygmy và hang Over. Bên trong hố sụt này ẩn chứa một hệ thống thảm thực vật, một khu rừng nguyên sinh rộng lớn cực kỳ xanh tốt. Băng qua 300m đoạn hố sụt này, chúng tôi đến với không gian rộng lớn của hang Pygmy. Tại đây, mọi người được trang bị những bộ đai bảo hộ gắn với các thiết bị an toàn. 

 
 
 
 

Sau khi nghe hướng dẫn viên tóm tắt chung về các quy trình sử dụng thiết bị, từng người trong đoàn chúng tôi lần lượt men theo một sợi dây an toàn dài 80m, đi xuống dưới cùng của hang. Đoạn sống lưng khủng long cũng là một thử thách khi bạn phải đu dây xuống một vách đá cao 15m. Giữa không gian rộng lớn của hang động lớn thứ 4 trên thế giới, con người trở nên vô cùng nhỏ bé. 

Sau những giây phút nghẹt thở leo vách, cả đoàn cũng đến được khu vực cắm trại ngay cửa chính của hang Pygmy, nơi nghỉ đêm cuối cùng trong hành trình. Trên nền hang, thảm thực vật gồm toàn cây dương xỉ mọc tràn hướng về hướng ánh sáng đung đưa theo gió. Bao mệt nhọc của đoạn đường trước đó vụt tan biến chỉ còn lại cảm xúc thư thái, hòa lẫn cùng tuyệt tác của thiên nhiên. Trong lúc mọi người tắm rửa ở dòng suối nhỏ, các bạn poter đã căng lều, chuẩn bị bữa tối. Khái niệm về thời gian ở đây chỉ là khoảng cách giữa ánh sáng và bóng tối. Màn đêm xuống nhanh đến không ngờ. Cùng nhau trò chuyện trong bữa tối thứ hai của chuyến hành trình, các thành viên trong đoàn giờ đã trở nên thân thiết hơn. Sau hai ngày đồng hành cùng hỗ trợ nhau, ai cũng phấn chấn vì là đêm cuối cùng để ngày mai trở về thế giới thực.

 

 
 
 
 

Ngày thứ 3, tiếng chim én lao xao đánh thức chúng tôi khi ánh sáng từ cửa hang đã tỏ. Sau bữa ăn sáng cả đoàn thu dọn hành lý, tiếp tục hành trình ra khỏi hang Pygmy. Đường về cũng gian nan không kém, chúng tôi phải vượt qua nhiều khe đá bám đầy rêu, cỏ trơn truợt. Những con dốc mang tên rất hình tượng như Dốc Lết, Dốc Cỏ lấy đi khá nhiều sức lực của thành viên đoàn, có những chỗ phải ngồi bệt xuống lết từng chút một. 

 
 

Sau một chặng đường dài, băng qua những khu rừng nguyên sinh rậm rạp, cả đoàn đã tới được cột mốc km số 25. Mọi người đều vui mừng, hoan hỉ vì đã hoàn thành chuyến khám phá hệ thống hang Hổ một cách mỹ mãn. Mọi người lưu luyến tạm biệt đội ngũ hướng dẫn viên rồi lên xe trở về khách sạn, kết thúc hành trình.

Hành trình tour chinh phục hệ thống hang Hổ, hang Pygmy 3 ngày 2 đêm mang đến rất nhiều cảm xúc cho chúng tôi. Lo lắng, sợ sệt… khi không biết vượt qua thế nào; trầm trồ, ngạc nhiên, thán phục, sửng sốt… khi thấy vẻ đẹp bên trong hang động. Tất cả những cung bậc cảm xúc ấy chắc chắn sẽ còn lưu lại trong tâm trí của các thành viên trong đoàn một thời gian lâu nữa. 

 
 
 
 

Bài viết: BÙI XUÂN HOÀNG (Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch Quảng Bình)

Ảnh: Công ty Jungle Boss

Thiết kế: NGUYỆT ÁNH

Tags

Bình luận

Xem nhiều


Đến Rạch Cái Sơn (thành phố hoa Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) vào những ngày này, du khách sẽ bị mê hoặc bởi hàng chục chiếc bè trồng sen đang khoe sắc rực rỡ, làm cho dòng kênh thơ mộng hơn bao giờ hết.



Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất