, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 15/07/2019, 11:50

Chính sách và sự đồng thuận

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Chính sách ở nghĩa hẹp có thể coi là sự phản ứng của chính quyền trước một vấn đề của cuộc sống. Như một chính sách, BOT là sự phản ứng của chính quyền trước vấn đề thiếu hụt ngân sách để đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Chính sách này ban đầu không bị phản đối, nhưng sau đó lại không được ủng hộ. Thiếu sự ủng hộ, việc thực thi chính sách BOT trở nên hết sức khó khăn. Mọi loại chi phí liên quan đến BOT đều bị đẩy lên cao ngất ngưởng. Từ một chính sách đúng đắn, BOT đối mặt với rủi ro trở thành một vấn đề nan giải.

BOT chỉ là một trong rất nhiều chính sách được ban hành. Cái khác biệt là nó cho thấy rất rõ sự đồng thuận xã hội quan trọng đến nhường nào.

Cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7 được xây dựng theo hình thức BOT.
Cầu Phú Mỹ - cây cầu dây văng lớn nhất TP HCM bắc qua sông Sài Gòn nối quận 2 và quận 7 được xây dựng theo hình thức BOT.

Đồng thuận xã hội trước hết là nền tảng tinh thần để một chính sách có thể được thực hiện thành công. Không ai có thể có đủ tâm lực để thúc đẩy một chính sách, khi chính sách đó bị công luận phê phán. Con người ta - từ các nhà hoạch định chính sách, đến những người thực thi chính sách, ai ai cũng muốn làm việc nghĩa. Việc nghĩa là việc có ý nghĩa đối với xã hội và được xã hội tôn vinh.

Thế thì một việc được xã hội tôn vinh sẽ mang lại động lực tinh thần, một việc bị xã hội dè bỉu sẽ triệt tiêu động lực đó. BOT được xã hội coi là chính sách huy động vốn tư nhân để xây dựng cơ sở hạ tầng cho đất nước sẽ tạo ra động lực tinh thần. BOT bị xã hội coi là kế sách để thu tiền của dân vì lợi ích cá nhân, lợi ích phe nhóm sẽ triệt tiêu động lực tinh thần đó.

Đồng thuận xã hội còn là điều kiện để cắt giảm chi phí thực thi chính sách. Một chính sách được người dân ủng hộ, thì người dân sẽ tự nguyện thực thi. Ngược lại, một chính sách bị người dân phản đối, thì người dân sẽ tìm cách né tránh. Trong trường hợp như vậy, chi phí để bảo đảm sự tuân thủ sẽ phát sinh. Chi phí sẽ còn phát sinh nhiều hơn khi người dân không chỉ né tránh, mà còn công khai phản đối. Và khi điều này xảy ra, cái giá phải trả cho một chính sách sẽ đắt đỏ đến vô cùng.

Lấy chính sách BOT làm ví dụ, chính sách này mặc dù chưa bị phản đối một cách công khai, trực diện, nhưng một ngàn lẻ một cách đã được nghĩ ra để bày tỏ sự bất bình đối với nó (từ việc trả phí bằng tiền lẻ, nhận được đúng số tiền thối lại mới chịu lái xe đi…) Điều này đã làm cho chi phí thực thi BOT tăng lên rất cao. Đó không chỉ là chi phí cho việc bảo đảm an ninh, trật tự, mà còn là chi phí chúng ta phải trả cho tình trạng ách tắc giao thông, cho việc ngưng trệ nhiều hoạt động của nền kinh tế.

Để bảo đảm sự đồng thuận xã hội, cả công đoạn hoạch định chính sách và cả công đoạn thực thi chính sách đều cần được quan tâm xử lý.

Ở công đoạn hoạch định chính sách, quan trọng nhất là tham vấn ý kiến của công chúng. Tham vấn công chúng giúp cho các nhà hoạch định chính sách thấy được các góc nhìn rất khác nhau của xã hội. Thấy được là cả những lợi ích rất khác nhau có liên quan. Sự thật là trong mỗi một chính sách đều có những người được hưởng lợi rõ ràng và những người bị tác động tiêu cực. Thiếu tham vấn công chúng, điều này nhiều khi sẽ khó được nhận biết.

Tuy nhiên, không nhận biết thì khó thiết kế chính sách một cách công bằng. Trong chính sách BOT, lợi ích của các nhà đầu tư và của các nhà kinh doanh vận tải rất dễ xung đột với nhau. Nếu chúng ta không cân đối được lợi ích này, bất bình xã hội không sớm thì muộn cũng sẽ nảy sinh.

Ngoài ra, bên cạnh lợi ích của nhóm này, nhóm kia, bao giờ cũng tồn tại một loại lợi ích cao hơn. Đó là lợi ích của quốc gia, của toàn thể dân tộc. Chính sách bao giờ cũng cần được thiết kế sao cho lợi ích này được bảo đảm. Mà như vậy, thì sự thấu hiểu của nhóm xã hội có thể bị tác động tiêu cực của chính sách là rất quan trọng. Đây là lý do tại sao truyền thông bao giờ cũng phải là một phần cấu thành không thể thiếu của quy trình chính sách. Rất tiếc, chiến lược truyền thông cho BOT đã gần như không được thiết kế một cách mạch lạc. Các phương tiện truyền thông Nhà nước gần như mỗi báo đài đưa tin theo một kiểu. Điều này đã làm cho quần chúng nhân dân thật sự bị phân tâm.

Ở công đoạn thực thi chính sách, điều quan trọng là phải thiết kế được một cơ chế giám sát hữu hiệu. Cơ chế giám sát này vừa bảo đảm cho chính sách được triển khai đúng kế hoạch, vừa bảo đảm cho các mục tiêu của chính sách được hiện thực hóa. Một chính sách cho dù tốt đẹp đến đâu cũng vẫn rất dễ bị méo mó trong quá trình thực thi. Chính sự méo mó này sẽ bào mòn sự ủng hộ của công chúng. Khi sự đồng thuận xã hội đã không còn, thì việc tiếp tục triển khai chính sách sẽ vô cùng khó khăn.

Kinh nghiệm cho thấy lôi kéo công chúng, các tổ chức xã hội vào quá trình giám sát việc thực thi chính sách là rất có ý nghĩa. Điều này một mặt giúp tăng cường hiệu quả của hoạt động giám sát, mặt khác giúp củng cố lòng tin và sự ủng hộ của công chúng.

Tóm lại, trong một nền quản trị quốc gia hiện đại, hoạch định chính sách, thực thi chính sách và bảo đảm sự đồng thuận xã hội là những công việc có ý nghĩa quan trọng như nhau và phải được triển khai đồng thời. Bảo đảm sự đồng thuận xã hội là điều không thể thiếu trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất