, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 28/11/2023, 20:00

Chợ Bến Thành giữa những "cơn gió nghịch mùa"

BẢO AN
Giữa trưa, tôi đặt grab ra chợ Bến Thành, app hỏi đỗ cổng Bắc hay Tây, tôi chọn đại miễn không phải ở cổng chính bởi phải mất công băng qua khu vực đang được rào chắn tạo thành “quảng trường mini” ở vòng xoay Bến Thành. Lên xe, bác tài cũng ngập ngừng, là cô đi cổng chợ Tạ Thu Thâu cũ ha, tôi lại dạ đại, miễn xuống xe là vô luôn chợ.

Sáng nắng, trưa nóng rồi bất ngờ chuyển âm u, hầm hập đâu một, hai tiếng rồi đổ mưa luôn cho tới tối nên vừa ra khỏi xe là cái nắng chụp xuống đầu mà mắt không được lơ đễnh khỏi mấy vũng nước đọng. Tôi vô nhà lồng. Càng đi cái nóng càng dội xuống. Đến quầy hàng ăn uống quen thuộc, chị chủ tươi cười đón lấy. “Dạo này bán được hông?”, “Mấy nay được lắm chị, khách du lịch, khách mình…”, “Mừng quá, nóng kiểu này mà người ta vẫn tìm đến mình là may mắn”, “Thì đó, tuần trước có ông khách tây mới ngồi xuống, kêu ly nước, chưa kịp uống, ông té cái đùng. Nóng quá, không quen, kiểu sốc nhiệt. Mọi người lấy nước, khăn mát lau cho ổng, cái ổng tỉnh lại, rồi đưa ổng qua nhà thương Sài Gòn gần đây nè… Hên ổng hông bị gì”. 

Tôi được ưu tiên ngồi gần cái quạt nhỏ xíu. Gọi món. Ngồi chờ, tranh thủ ngắm từng dòng khách ngang qua, chăm chú bảng hình ảnh thực đơn, coi kỹ giá cả. Hầu như ai cũng ghé lại. Nguyên vật liệu toàn đồ tươi, chế biến nhanh, thực đơn thì đủ ba miền, cộng lại quầy ẩm thực này thì cũng cả trăm món mặn ngọt. Duy nhất món không ai chọn mà đều phải “dọn” mời khách là… nóng bức. Tôi ngước lên trần nhà chợ, toang hoác phần áp mái, dây nhợ chằng chịt. Nghe đâu đợt chỉnh trang tới, người ta đề nghị thay mái tôn giả ngói này bằng ngói thiệt, vừa cách nhiệt tốt, có độ dốc cao giúp thoát nước dễ dàng. Chứ nắng thì đổ lửa, mưa thì lớp mái bị dột, lớp cống bị ứ rác nước chảy không kịp, thế là gián bò lên tứ phía, khách bỏ chạy. Chưa kể, ở quầy thực phẩm tươi sống, có quầy ở gần tụ điện và cống thoát nước, rất nguy hiểm. 

Với hiện trạng ấy nhưng để nâng cấp, chỉnh trang ngôi chợ trăm năm này không đơn giản. Bởi, nếu đơn thuần là một ngôi chợ, trung tâm thương mại thì từ chủ trương đến triển khai có thể nhanh. Nhưng là một di tích văn hóa - lịch sử thì lại phải qua khâu lập hồ sơ, đánh giá, thẩm định; cho đến việc huy động thêm nguồn lực nào kinh phí tự chủ của chợ, kinh phí ngân sách của quận, xin bổ sung từ ngân sách thành phố và xã hội hóa… Đến khi bắt tay chỉnh trang thì có khi đã mấy mùa “nước nổi”! 

Cũng may, thành phố mới được cấp cho “chìa khóa” 98 (Nghị quyết 98 của Quốc hội về phát triển TP.HCM theo cơ chế đặc thù), trong đó có việc chấp thuận hình thức đầu tư công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa - thể thao, tức kêu gọi nguồn đầu tư tư nhân với các thiết chế văn hóa. Du lịch di sản bản địa thành phố, trong đó có chợ Bến Thành, hẳn nhiên cần đến nguồn lực ấy để chỉnh trang, nâng cấp một cách đồng bộ, tổng thể nên đây sẽ là cơ hội mà chính quyền, nhà đầu tư và cả… tiểu thương cần nắm lấy. 

Những ngày dịch bệnh, tôi nhiều lần cứ đi quanh các cửa chợ, ghi lại những con đường, ô cửa, sạp hàng đóng kín, vắng ngắt. Lịch sử hơn 100 năm của ngôi chợ “mới” - Bến Thành (để phân biệt với chợ Cũ phía Hàm Nghi - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng) chưa bao giờ có hình ảnh ấy. Để khi dịch bệnh đi qua, cứ ngóng theo từng ngày sự hồi sinh của chợ, của người mua kẻ bán, của nơi được xem là biểu tượng cho mạch sống thị trường vốn không ngừng luân lưu trong cơ thể thành phố này. 

Và không riêng gì tôi, ai nấy đều nhận ra thành phố cần phải tự tạo miễn dịch, điển hình như chợ Bến Thành cần có sức đề kháng tốt hơn cho những “cơn gió nghịch mùa”, thậm chí là bệnh trái mùa sắp tới. 110 năm từ ngày nó ra đời, cũng đâu 40 năm kể từ đợt chỉnh trang gần nhất thì còn chờ đợi gì nữa một “cơ chế” nào đó để thúc đẩy nhanh việc sửa chữa, chỉnh trang toàn diện cho Bến Thành. Tôi vẫn không hiểu kiểu cơ chế gì, thuộc về ai khi mà tất cả guồng máy vận hành đều do con người đặt để, điều khiển, kiểm soát; nhưng hễ có ách tắc hay vướng mắc gì thì câu trả lời cuối cùng lại là “do cơ chế”. 

Bởi, cũng nhờ cơ chế mà từ một bãi đầm sình lầy, ao tù nước đọng sinh ra lắm ổ dịch bệnh, marais Boresse - ao Bồ Rệt đã được lấp đất để biến nó thành “chợ trung tâm xứng tầm với thành phố Sài Gòn”. Tất nhiên, từ khi được nêu ra (năm 1870), cũng phải đến 23 năm sau (năm 1903) ý tưởng cất một khu chợ mới mới được chính quyền hồi ấy nhắc lại. Mất thêm 5 năm tranh cãi tìm địa điểm (năm 1908) và mãi 5 năm sau (1913) mới khởi công xây cất. 

Năm 2024 này, Bến Thành tròn 110 năm tuổi. 

Nó sẽ là điểm kết nối với ga Metro Bến Thành - Suối Tiên; với không gian phố đi bộ Nguyễn Huệ - Lê Lợi - Bùi Viện…; với nhịp sống “trên bến” ra tới “dưới thuyền” - bờ sông Sài Gòn. Như một sự tiếp biến vĩnh hằng của vùng đất mở, khu chợ “mới” này đã mấy trăm năm qua... 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm



Ở TP Hội An (tỉnh Quảng Nam), mỗi mùa đều có nét đẹp riêng. Những ngày này, đi dọc các cung đường dẫn vào phố cổ, sẽ bắt gặp những đồng lúa bạt ngàn màu vàng ruộm. Lúa ở Hội An không chỉ là sinh kế mà còn là không gian du lịch tuyệt vời.


Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất