, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 23/03/2023, 19:30

Chợ Bến Thành và cơn bạo bệnh chờ thuốc...

BẢO AN
Nhà cô tôi ở Phó Đức Chính, đúng ra thì đó là căn nhà trọ thời cô dượng đang là sinh viên y khoa Sài Gòn. Sau này, khi đã ra nước ngoài định cư, con cái trưởng thành, hai ông bà tìm cách mua lại để mỗi năm về, được ở căn nhà xưa.

Nhà 4 tầng, hai ông bà chỉ ở một tầng, để một tầng cho con cái bay về tụ lại, còn 2 tầng cho khách du lịch thuê, mỗi tầng đều có bếp riêng. Bước ra cửa là có ngay “bò né lửa hồng”, cà phê Ban Mê, vài mét là quán cháo mực “truyền thuyết”. Trong khi đám con cháu thích là nhích ra ngay GS25 ở góc Nguyễn Công Trứ thì cô dượng lại nhứt quyết thả bộ từ nhà ra chợ Bến Thành, chẳng phải để mua gì mà cốt là đi ngang qua mấy tòa nhà Bảo tàng mỹ thuật Sài Gòn, Cổng xe lửa Sài Gòn, tần ngần đôi ba phút trước khi bước vào nhà lồng chợ. Cả một trời thanh xuân của người muôn năm cũ…

Tình cờ, một ngày tôi ngồi ở nhà hàng Nhật trong Trung tâm thương mại Takashimaya (Sài Gòn Centre cũ), tầng 28, nhìn xuống cái lõm chợ Bến Thành, nó lọt thỏm và… gầy đét giữa những cung đường, kể cả mấy khúc đường vừa mới được tháo dỡ khỏi công trình tàu điện ngầm. Đến khi đi từ trục đường nhà là Phó Đức Chính ra, băng qua công trình vòng xoay đang rộng mở thì khu nhà chợ lại càng như thu mình lại hơn. Chẳng biết họ có nâng cao độ công trình quanh chợ lên hay không mà mỗi ngày, Bến Thành lại có vẻ thấp dần, nhỏ lại. Còn vòng qua phía bên hông, cửa Tây, đứng từ tiệm trà Ô Long Ký - tiệm trà xưa nhất Sài Gòn còn bảo tồn đến nay - thì một phần mái chợ nằm chơ vơ, sau lưng là tòa tháp búp sen Bitexco sừng sững và nhà cao tầng bao phủ.

Một khối mâu thuẫn cứ giằng co nhau không hề nhẹ. Nếu Ô Long Ký là tài sản cá thể, người ta muốn giữ lại nguyên bản cho con cháu nên “cấm cửa” khách thuê, nhà mặt tiền khu đất kim cương nhưng mở cửa ngồi ngó phố xá chơi. Thì chợ Bến Thành là tài sản công, năm 2023 này là tròn 110 năm kể từ ngày nó khánh thành, bao nhiêu mùa “nghị quyết” về chỉnh trang đô thị, làm mới bộ mặt trung tâm thành phố, nhưng đến nay nó vẫn là chiếc áo cũ, bạc màu.

Hơn trăm năm trước, sau cơn hỏa hoạn, chợ Bến Thành - cũ (ở khu vực chợ Cũ ngày nay, từ đường Hồ Tùng Mậu - kinh Chợ Vải xưa, tức đường Nguyễn Huệ bây giờ) được tính toán để cất lại một cái “chợ trung tâm xứng tầm với thành phố Sài Gòn” - trích biên bản các cuộc họp của Hội đồng thành phố Sài Gòn năm 1893, 1903. Khu vực chợ ấy, từng là bãi đầm sình lầy mà người Pháp gọi là đầm Boresse, sau được bồi đắp để “biến đầm Boresse thành một trung tâm thương mại” - biên bản cuộc họp Hội đồng thành phố Sài Gòn ngày 23/11/1893. Chợ Mới - tức Bến Thành ngày nay đã dựng lên trên cái “ao Bồ rệt” là từ đó.

Hơn trăm năm sau, trên những con kinh Gallimard, Chợ Vải, rạch Cầu Sấu đã là những phố đi bộ Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi kết nối nhau. Một bên này là những dãy nhà xưa, xen lẫn chút sửa sang, chắp vá; bên kia là những tòa cao ốc mới, các khu trung tâm thương mại thời thượng, nó cứ song hành mà nhộn nhịp, sinh sôi. Giờ lại chuẩn bị khai mở tuyến tàu điện ngầm đầu tiên của Sài Gòn, Bến Thành - Suối Tiên, chỉ mỗi cái chợ trung tâm ấy, nó có phần lạc lõng với nhịp phát triển xung quanh.

Đặt trong chủ trương chỉnh trang đô thị, nhất là khu vực trung tâm thành phố để một mặt bảo tồn các giá trị văn hóa - lịch sử, mặt khác khai thác trị giá thương mại, dịch vụ - một nhánh chủ lực trong Đề án kinh tế đêm của Chính phủ thì việc cải tạo, nâng cấp, tạo lập một “khuôn mặt” mới cho chợ Bến Thành và không gian vùng lõi trung tâm thành phố là một hướng đi cần thiết. Vấn đề là nguồn lực nào để “nhà nước và nhân dân cùng làm” khi cả hai chủ thể này đều vừa trải qua “cơn bạo bệnh”.

Được biết, những tính toán để cải tạo chợ Bến Thành đã có, nguồn huy động cũng đã sẵn sàng nhưng đến phút 89 thì… “bỗng tắt nửa chừng”. Phía Quận ủy Quận 1 đã trình đề án thí điểm tổ chức hoạt động thương mại - dịch vụ trên tuyến đường Lê Lợi trong hai ngày cuối tuần; hoặc đang thí điểm tăng thời gian hoạt động về đêm trong nhà lồng chợ Bến Thành, mở rộng không gian khu vực vòng xoay chợ Bến Thành làm điểm vui chơi trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão…

Song, để bảo tồn và khai thác một vùng-di-sản ở ngay khu trung tâm của Sài Gòn với những giá trị nguyên bản về một đô thị cảng sông, một trung tâm thương mại thuở lọt lòng; cùng với đó khơi thông mãi lực của một thời “trên bến dưới thuyền”, tính trao đổi, giao dịch, thông thương, thụ hưởng vốn là “ADN” của lưu dân tụ hội về đất này thì chưa bao giờ là phép tính lỗi thời, nhất là với một thành phố ngã-ba-đường như Sài Gòn - TP.HCM.

***

Tôi là khách ruột của quán Ốc Vân bên hông chợ Bến Thành, lê lết từ thuở quán còn nằm bên chợ đêm, đường Phan Bội Châu, sau giải tỏa, bà chủ Vân đem luôn về nhà, đường Nguyễn An Ninh, bên cửa Bắc. Những ngày đại dịch, cả con đường Mã Lai ấy không một bóng người, tôi mò ra quán, quán vẫn mở. Ngó về chợ Bến Thành, lịch sử một trăm năm chưa bao giờ có thảm cảnh ấy, đóng cửa, người bán không có lấy một kẻ mua.

Mấy nay vô nhà lồng chợ, ghé khu ẩm thực, khách du lịch đã trở lại, nhìn chủ rồi lại ngó khách, vừa mừng vừa… ái ngại. Chủ nhà như thể còn chưa kịp hoàn hồn sau hai năm “thất thủ”. Nhưng những vị khách xa quay lại, tìm đến, họ sẽ nghĩ gì, nói gì, kể lại cho người quen như thế nào khi vừa ngồi thưởng thức món ngon vừa bị người bán vé số cứ liên tục chào mời, năn nỉ; khi ngó xuống, các lối đi trong chợ đều chật chội, ngó lên, giăng mắc khối dây nhợ, chưa kể những điều “bất tiện” khác. Bữa ấy, tôi đi cùng Bí thư Quận ủy, chị thấy hết, đến hỏi tận nơi và… sau cùng nói rất khẽ, là bài toán khó nhưng phải giải cho được, bằng mọi cách.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất