, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/07/2020, 09:35

Chợ trên mạng, xu hướng hiện tại và tương lai

MAI PHƯƠNG - BAN DUNG - TUẤN ANH ghi

Việc ngày càng có nhiều sản phẩm nông sản được bày bán trên các kênh thương mại điện tử đang mở ra hướng đi mới cho nông nghiệp Việt Nam.

ÔNG TRẦN QUANG THẮNG - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa khu vực phía Nam: Thương mại điện tử sẽ giúp hộ sản xuất nâng cao sức cạnh tranh

Thương mại điện tử là một lĩnh vực tương đối mới và đang ngày càng thể hiện vai trò rất lớn trong việc xúc tiến thương mại, trao đổi mua bán sản phẩm thông qua mạng internet toàn cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán qua các website thương mại điện tử mới chỉ phổ biến đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ như vé máy bay, đồ điện tử, tour du lịch, hoa tươi… Trong lĩnh vực nông nghiệp, hiện nay các kênh thông tin dành cho liên lạc giữa hai bên sản xuất và kinh doanh còn thiếu và yếu, nhất là đối với các đơn vị sản xuất là hộ gia đình hoặc hợp tác xã, đó là những đơn vị không có được các kiến thức cần thiết để tìm cho mình các kênh phân phối hàng hóa hiệu quả.

Trong khi đó, bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, các nông hộ có thể tiếp cận những thông tin quan trọng liên quan tới thị trường, sản phẩm, các quy định pháp lý, tài chính cũng như thiết lập và duy trì các mối liên hệ với khách hàng và đối tác để giúp cho tiến trình kinh doanh được thực hiện hiệu quả hơn. Qua các trang web thương mại điện tử, hộ nông dân có thể đăng tải các thông tin chi tiết về sản phẩm mình làm ra và sản lượng cần bán để các đối tượng thu mua biết. Từ đó sản phẩm của các nông hộ sẽ tiếp cận được nhiều người hơn, giúp thúc đẩy khả năng tiêu thụ và chủ động quá trình sản xuất của họ. Thương mại điện tử sẽ giúp hộ sản xuất giảm chi phí, tăng doanh thu và quan trọng hơn là giúp hộ sản xuất nâng cao sức cạnh tranh và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

Có ba vấn đề phổ biến trong thương mại điện tử nông sản tươi, đó là lựa chọn mô hình kinh doanh, xây dựng hậu cần chuỗi làm lạnh và làm thế nào để cải thiện niềm tin của người tiêu dùng. Ngoài ra còn phải kể đến tính ổn định của sản phẩm bởi hoạt động sản xuất, thu hoạch, buôn bán hàng hóa nông sản thường mang tính thời vụ chứ không được liên tục quanh năm. Các yếu tố con giống, cây giống, bảo hộ sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong nước chưa có cơ chế giúp phát triển thuận lợi và căn cơ cũng dẫn đến chất lượng hàng nông, thủy sản chưa bảo đảm đồng đều và hàng loạt như sản phẩm công nghiệp. Do đó, các đơn vị vận hành kênh thương mại điện tử luôn cần phải có các công cụ để kiểm soát chất lượng sản phẩm nông sản trước khi niêm yết.

Mặt khác, hàng nông sản có đặc tính gắn liền với độ tươi sống nên cần phải chú trọng việc tăng cường tính hiệu quả của hoạt động logistics, bảo đảm phương thức giao nhận sản phẩm từ người bán đến người mua một cách nhanh chóng và an toàn. Phát triển kênh thương mại điện tử còn phải đi liền với việc hoàn thiện hệ thống thanh toán tài chính tự động, hoàn thiện tính pháp lý của chữ ký điện tử và các hợp đồng thương mại điện tử. Để thu hút, trang web thương mại điện tử phải đáp ứng được tiêu chí thân thiện với người dùng, cần làm thế nào để cho khách hàng nhanh chóng tìm thấy sản phẩm ưng ý, tiến hành đặt hàng và thanh toán một cách tiện lợi nhất có thể.

ÔNG HOÀNG VĂN DỰ - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp – Bộ NN&PTNTVN: Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp nông nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử

Hiện nay, nhiều địa phương đã hình thành sàn thương mại điện tử để quảng bá và tiêu thụ các mặt hàng nông sản ở địa phương. Ai cũng thấy rõ những ưu việt của sàn thương mại điện tử như tiết kiệm chi phí vận hành, có tính lan tỏa cao…Có thể nói trong xu thế phát triển thương mại hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng về internet rất cao, việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử chắc chắn mang lại nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương đối với vấn đề quảng bá, mở rộng thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ.

Tuy nhiên, việc xây dựng sàn thương mại điện tử đối với loại sản phẩm đặc thù như nông sản cũng không nên mở rộng ào ạt, thiếu cơ sở tính toán cho các hoạt động lâu dài. Trước đây Bộ NN&PTNT cũng từng giao Trung tâm thực hiện một sàn thương mại điện tử nông sản do một tổ chức phi chính phủ của Đan Mạch hỗ trợ. Sau này Bộ cũng xây dựng một sàn thương mại điện tử nông sản để hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã để trưng bày sản phẩm, giao dịch thông qua sàn. Tuy nhiên, các mô hình này hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân là do cơ chế của Trung tâm không thu hút được những nhân sự giỏi về công nghệ thông tin và cách quản lý theo giờ hành chính cũng không phù hợp với yêu cầu hoạt động của một sàn thương mại điện tử.

Từ thực tế này, tôi cho rằng để quản lý, vận hành các sàn thương mại điện tử thì các tổ chức tư nhân có nhiều điều kiện phù hợp hơn. Ở góc độ Nhà nước, việc cần làm là định hướng và hỗ trợ về mặt pháp lý, cơ sở vật chất ban đầu, đào tạo, kết nối… Nói chung là tạo điều kiện để các doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp có thêm sự thuận lợi khi tham gia vào kênh phân phối thương mại điện tử.

ÔNG LÊ VĂN THỨC - Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Truyền thông Tổng Lực – Đơn vị Điều hành Sàn giao dịch nông sản Vinagex: Các nhà sản xuất sẽ có được cái nhìn tổng quan hơn về thị trường nông sản

Hiện nay, phần lớn nông dân Việt vẫn chỉ phụ thuộc vào thương lái để giải quyết đầu ra cho các sản phẩm nông sản của mình. Và, trong cuộc chơi đó, người nông dân luôn ở thế bị động. Sản xuất mà không có sự liên kết giữa người làm ra sản phẩm và người tiêu thụ sản phẩm chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “giải cứu” nông sản.

Trong bối cảnh đó, thương mại nông sản điện tử chính là cầu nối giữa nhà cung cấp với người tiêu dùng cũng như giữa các nhà cung cấp với nhau. Một khi hệ thống thương mại điện tử được nhiều nhà sản xuất tham gia thì các nhà sản xuất sẽ có được cái nhìn tổng quan hơn về thị trường nông sản như biết được nông sản nào đang được cung cấp nhiều, nông sản nào đang hút khách, thị trường nào đang có nhu cầu cao… Mặt khác, người bán sẽ tiết kiệm được khoản chi phí thuê mặt bằng, giá bán của hàng hóa cũng cao hơn vì không phải qua tay các đối tượng trung gian.

Tuy nhiên, việc vận hành kênh thương mại điện tử cũng gặp không ít vấn đề phức tạp. Trong đó phải kể đến tình trạng đơn hàng ảo, khách hàng đặt mua nhưng khi giao hàng đến lại không nhận. Nhiều trường hợp nông sản đã xuất đi, gặp trục trặc, khi đưa về lại thì nông sản đã quá hạn sử dụng, bị hư hỏng. Lại có trường hợp đơn vị sản xuất không tuân theo thỏa thuận, tự ý huỷ đơn hàng để bán cho các đối tượng đến trực tiếp thu mua với giá cao hơn. Vì vậy, quan trọng nhất là phải lựa chọn được những nhà cung cấp uy tín, có sản phẩm đạt chất lượng tốt. Bên cạnh đó, cần luôn đồng hành để giúp người bán kịp thời xử lý các đơn hàng cũng như hỗ trợ người mua, người bán tìm được phương thức vận chuyển, bảo quản tốt nhất.

BÀ VŨ THỊ LỆ THỦY - Giám đốc HTX 3T Farm: Mong muốn được tham gia các lớp đào tạo để làm quen với việc buôn bán qua mạng

Là một doanh nghiệp nhỏ và mới hoạt động, chúng tôi luôn cố gắng tham gia vào các kênh thương mại nông sản điện tử để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến đông đảo khách hàng. Trước mắt, chúng tôi chưa kỳ vọng có thể bán được hàng mà chỉ mong muốn thông qua các sàn thương mại điện tử, các sản phẩm của mình sẽ được nhiều người biết đến. Tôi rất vui khi có nhiều đối tác sau khi thấy thông tin trên các kênh thương mại điện tử đã chủ động liên hệ trực tiếp với chúng tôi để tìm hiểu thêm về sản phẩm, kết nối kinh doanh.

Thú thật, là nông dân, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của chúng tôi cũng hạn chế. Khi đưa sản phẩm lên các kênh thương mại điện tử, do thiếu kỹ năng nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc thực hiện các thao tác kiểm tra thông tin sản phẩm, chăm sóc khách hàng... Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn được tham gia các lớp đào tạo, hướng dẫn để có thể từng bước làm quen với việc buôn bán qua internet.

Ngoài ra, sản phẩm muốn được đưa lên các kênh thương mại điện tử cũng phải đáp ứng các yêu cầu về quy trình canh tác, tiêu chuẩn chất lượng. Các sản phẩm nông nghiệp có tác động trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, do đó, uy tín là một trong những vấn đề được tôi quan tâm hàng đầu. Cụ thể, chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin sản phẩm, quy trình canh tác để khách hàng có thể theo dõi, kiểm chứng. Đồng thời, cam kết “bảo hành” sản phẩm để tạo dựng niềm tin ở khách hàng.

ÔNG TRẦN LƯU QUỐC DOÃN - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thừa Thiên Huế: Hướng kinh doanh mới phù hợp với xu thế thời đại công nghệ 4.0

Tháng 03/2020, Liên minh Hợp tác xã Thừa Thiên Huế đã khai trương sàn thương mại kinh tế hợp tác nhằm giúp các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như các tổ chức, cá nhân có thể tiến hành bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến thông qua website. Theo tôi đây là hướng kinh doanh mới phù hợp với nhu cầu và xu thế trong thời đại công nghệ 4.0.

Thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử kinh tế hợp tác, các HTX, hộ sản xuất, doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế có thể dễ dàng quảng bá thông tin và tiếp thị sản phẩm hàng hóa của mình đến với khách hàng khắp nơi trên thế giới với chi phí thấp. Ngược lại, đối với người tiêu dùng, sàn kinh tế hợp tác sẽ mở rộng khả năng lựa chọn hàng hóa, dịch vụ người cung cấp, giúp khách hàng không còn giới hạn về địa lý hay thời gian làm việc. Họ có thể mua hàng mọi lúc, mọi nơi, có quyền lựa chọn nhà cung cấp giữa các vùng miền khác nhau.

Cuộc sống số hóa đã đẩy nhịp sống tăng cao, khách hàng ngày càng đòi hỏi mọi thứ phải nhanh hơn từ thông tin sản phẩm, phương thức mua hàng, thanh toán và các chính sách hậu bán hàng. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có nhiều diễn biến khó lường, thì hoạt động của sàn giao dịch thương mại điện tử kinh tế hợp tác càng có ý nghĩa hơn trong việc phòng, chống và hạn chế lây lan dịch bệnh.

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất