, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 05/07/2021, 11:49

Chú trọng các yếu tố thu hút người trẻ “làm” OCOP

HỒ XUÂN HÙNG (Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT)

Chương trình OCOP là một trong những nội dung được triển khai khi thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới. 3 năm qua, Chương trình OCOP đã đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận, nhất là mang việc làm đến cho người dân nông thôn, bước đầu giải quyết được vấn đề nan giải là làm sao để người nông dân “ly nông bất ly hương”.

Hồ Xuân Hùng (Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT).

Với OCOP, người nông dân nói riêng và người ở nông thôn nói chung có thêm công ăn việc làm vào những lúc nông nhàn, thu nhập gia đình tăng lên và góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Qua việc khuyến khích và hỗ trợ người địa phương tham gia OCOP, Chương trình đã góp phần giữ gìn các nghề truyền thống và duy trì được sản phẩm đặc thù, từ đó giữ được bản sắc văn hóa của địa phương.

Tất nhiên, bên cạnh thành tựu, Chương trình OCOP cũng còn một số tồn tại. Theo tôi, điều đáng lo lắng hiện nay chính là vấn đề đào tạo nghề. Muốn giữ được nghề, cần phải có người thạo nghề và biết truyền nghề. Lớp nghệ nhân đam mê nghề, thạo nghề càng lúc càng lớn tuổi và dần hiếm hoi, nếu không kịp thời thu hút, lôi cuốn được lớp trẻ vào cuộc, chúng ta sẽ dần không có ai làm nghề, theo nghề, phát triển sản vật quê hương. Cần thấy một thực tế là các nghệ nhân thì tâm huyết, yêu nghề, muốn cống hiến nhiều hơn là vì kinh tế nhưng muốn phát triển làng nghề, muốn phát triển sản phẩm OCOP căn cơ, lâu dài thì không có cách nào khác là phải tạo được thu nhập tốt cho người theo nghề, có vậy họ mới gắn bó và phát triển nghề, địa phương mới có thể lưu giữ và quảng bá văn hóa của mình.

Muốn phát triển Chương trình OCOP, tôi cho rằng chúng ta phải đầu tư thật sự vào việc đào tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề. Ngay như với tên gọi “Mỗi xã một sản phẩm”, chúng ta cũng cần chú ý đến công tác tuyên truyền để không vô tình giới hạn sự phát triển sản phẩm của các làng nghề. Bởi ở nước ta mỗi xã có thể có nhiều làng nghề, có nhiều sản phẩm mang nét văn hóa đặc thù của địa phương, xứng đáng được giữ gìn và phát triển.

Để phát triển sản phẩm OCOP, chúng ta cần làm rõ các chính sách để có sự hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước trong việc nâng chất các nguyên vật liệu để làm ra sản phẩm OCOP. Hiện nay, một số sản vật vốn là thương hiệu của địa phương như mây tre lá, gỗ, gốm sứ hoặc nông sản tươi sống như con bò, con lươn, gà vịt… vẫn chưa được chú trọng phát triển về giống, về vùng nuôi trồng, thậm chí còn có nguy cơ mai một.

Nhà nước cũng cần có chính sách tập trung hỗ trợ việc kết nối các sản phẩm OCOP với thị trường, từ thị trường xã, huyện, tỉnh vươn đến thị trường trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, phải kết nối được các địa phương sản xuất sản phẩm OCOP với du lịch, bởi thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP mạnh nhất chính là du lịch. Chúng ta phải làm cho các làng nghề thành điểm du lịch hấp dẫn, từ đó hình thành những điểm dừng chân bắt buộc đối với khách du lịch. Phải kích cầu thì chúng ta mới có thể thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm OCOP cũng như các làng nghề.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất