, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/08/2022, 16:04

Chùa Khmer - “đạo và đời”: Niềm tự hào của đồng bào Khmer

HẠNH NGUYÊN
(baodantoc.vn)
Với đồng bào Khmer, ngôi chùa luôn hiện hữu trong suốt cuộc đời của họ. Từ khi còn bé đã theo cha mẹ đến chùa, lớn lên nam giới vào chùa tu học và đến giai đoạn trưởng thành, dù bận lo cho cuộc mưu sinh, họ vẫn thường đến chùa tạ lễ đức Phật, cầu an an cho gia đình. Về già, họ càng gắn bó với ngôi chùa hơn; cho đến khi qua đời, thì được hoả táng và đưa vào tháp chứa tro cốt được các sư xây dựng tại chùa.
Chùa Serey Kandal, phường Vĩnh Phước, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng ) trong những ngày lễ, hội, Tết cổ truyền là nơi sinh hoạt văn hóa nhộn nhịp, thu hút đông đảo con em, phật tử đến biểu diễn các tiết mục văn nghệ, thi đấu thể thao, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh Thạch Pích

Chùa không chỉ là công trình tôn giáo mang giá trị kiến trúc lịch sử cao, mà còn là nơi cử hành các nghi thức lễ hội dân gian truyền thống quan trọng của đồng bào Khmer như Tết Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Dolta, Lễ Ooc Om Boc và các ngày lễ hội truyền thống của dân tộc...

- Thượng tọa Lý Hùng, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước TP Cần Thơ -

Trụ cột tinh thần

Dân tộc Khmer có hơn 1,3 triệu người, sinh sống tập trung đông nhất là ở các tỉnh khu vực Tây Nam bộ. Đồng bào theo phật giáo Nam tông theo tinh thần cố kết cộng đồng, định hướng chuẩn mực và luân lý đạo đức. Các hoạt động tôn giáo luôn gắn với cộng đồng do vậy, nhà chùa được xem như là một “thiết chế xã hội” chứ không dừng lại ở nghĩa đen cụ thể là ngôi chùa.

Toàn vùng Tây Nam bộ hiện có 446 chùa Khmer. Chùa và sư sãi được xem là trụ cột về tinh thần của bà con, do vậy mỗi phum sóc đều có một ngôi chùa để bà con sinh hoạt. Mọi nghi thức lễ hội truyền thống đều được tổ chức tại chùa.

Trong nhiều năm qua, với việc cụ thể hoá Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới, các địa phương trong khu vực đã đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho các chùa hoạt động tôn giáo đúng theo đạo pháp, đúng quy định của pháp luật; đồng thời, cho phép sửa chữa tôn tạo, xây dựng mới các công trình chùa với kiến trúc nghệ thuật độc đáo, đặc sắc về hoa văn, điêu khắc và màu sắc rực rỡ… tạo nên sự khác biệt về giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật, hội họa cho những ngôi chùa Khmer.

Nằm trong hệ thống chùa Khmer, ngôi chùa cổ Kh’Leang được xây dựng từ năm 1855, toạ lạc tại đường Tôn Đức Thắng, khóm 5, phường 6, trung tâm TP. Sóc Trăng (Sóc Trăng), trong một quần thể với khuôn viên rộng lớn, rợp bóng cây thốt nốt, cây hoa sứ…, gắn liền với đời sống, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.

Chùa Kh’Leang (Sóc Trăng)-một trong những ngôi chùa cổ đậm bản sắc văn hoá truyền thống của đồng bào Khmer.

Hòa thượng Tăng Nô, Phó Hội trưởng thường trực Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trụ trì chùa Kh'leang tự hào nói, chùa Kh’leang có lịch sử gần 500 trăm, nằm trong số ít ngôi chùa còn giữ lại những nét độc đáo của lối kiến trúc Khmer cổ về điêu khắc với hoa văn, họa tiết rất tinh tế, sắc sảo.Với lý do này, ngày 27/4/1990, chùa Kh’leang đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Chia sẻ về mầu sắc khác biệt, dễ nhận thấy nhất ở những ngôi chùa Khmer, nghệ nhân Thạch Thi Na (Trà Vinh) cho biết: người Khmer chỉ dùng 5 màu trong bảng màu-thể hiện 5 màu cờ giáo, tượng trưng cho mỗi kiếp của hóa thân đức Phật như: Màu xanh lam, màu vàng, màu trắng, màu vàng cam và màu đỏ.

“Khi được yêu cầu thực hiện một công trình tại chùa, trước tiên, tôi sẽ dành thời gian làm quen với từng hạng mục công trình gắn liền với tích truyện, để cảm nhận rồi mới bắt tay vào thực hiện từng chi tiết nhỏ...”, nghệ nhân Thạch Thi Na cho biết.

Sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa

Theo nghệ nhân Thạch Thi Na, điểm khác biệt của những ngôi chùa Khmer so với các ngôi chùa Phật giáo khác đó là, hầu hết chùa đều được xây dựng theo kiểu nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ xưa. Mỗi ngôi chùa được xem là sự tổng hợp hài hòa về những yếu tố tạo hình, tạo dáng, điêu khắc, kiến trúc, hội họa.

Ví dụ như bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Hay các công trình dù chính hay phụ, đều được điêu khắc, chạm trổ hoa văn với các họa tiết tinh xảo, thể hiện phong cách kiến trúc cổ kính và tinh tế của người Khmer và gắn liền điêu khắc, bức vẽ hàm chứa những thông điệp giáo dục con người về tri thức và đức hạnh.

(CHUYÊN ĐỀ DTTG) Chùa Khmer “đạo và đời” gắn kết tình người: Niềm tự hào của đồng bào Khmer (Bài 1) 3

Như chánh điện của ngôi chùa cổ Kh’leang được xây cao, với 3 bậc tam cấp, mỗi bậc cao khoảng 1 mét có hàng rào bao bọc xung quanh. Các cây cột trong chính điện bằng gỗ đều khá to, đen mượt, được sơn thếp bằng vàng và khắc các hình ảnh nói về cuộc đời Đức Phật cùng các sinh hoạt Phật pháp. Trên trần chính điện và chung quanh đều được trang trí, bằng rất nhiều nét vẽ về hình ảnh của đức Phật…thể hiện rất rõ sự hòa hợp giữa kiến trúc và hội họa Khmer.

Hay ở từng đầu cột phía hành lang bao quanh chính điện của các chùa, thường có tượng krud với tư thế dang tay chống đỡ. Ngoài ra, ở các bậc thang dẫn lên cao cũng trang trí các tượng thần Teahu và tượng chằn (Yeak).

Tượng Chằn thường được đắp ở trước chùa Khmer, thường có dáng vẻ dữ tợn, miệng to, lông mày xếch, răng nanh dài, mắt lồi, hay đội mũ nhọn, mình mặc áo giáp, tay cầm cái chày dài. . Ảnh Phương Nghi.

Trong các câu chuyện cổ Khmer thì Yeak (Chằn) chính là nhân vật tượng trưng cho cái ác, nhưng sau này đã được đức Phật cải hóa. Chính vì vậy mà hình tượng của Chằn được hiện diện ở chùa với ý nghĩa đã cải tà quy chánh, vừa bảo vệ chánh pháp cũng vừa nhắc nhở tín đồ hãy cố làm điều phước thiện, tránh gây tội lỗi gian ác, nếu không sẽ bị chằn trị tội. 

Hình tượng Chằn trong các tác phẩm điêu khắc chính là những bài học đạo đức, mang tính nhân văn, giáo dục nhân cách con người, đưa con người đến một cuộc sống hướng thiện, tích đức.

Ngoài những chi tiết trang trí chính, chính điện chùa còn được vẽ sơn dầu các hình tượng sinh động khác, như chim muông hoa lá hoặc hình tiên nữ đang múa trên bầu trời rộng bao la.

(CHUYÊN ĐỀ DTTG) Chùa Khmer “đạo và đời” gắn kết tình người: Niềm tự hào của đồng bào Khmer (Bài 1) 5

Tương tự kiến trúc nổi bật và gây ấn tượng mạnh mẽ nhất ở mặt đứng ngôi chánh điện, chính là trên các đầu cột ở bốn góc được trang trí hình tượng chim thần Krud mình người đầu chim, trên đầu cột còn lại, là các tượng nữ thần có cánh Kâyno. Các tượng nữ thần Kâyno này ở tư thế vươn lên đỡ lấy diềm mái, mang thông điệp cho sự hòa bình, thịnh vượng.

Hay như tại chánh điện chùa Phù Ly 1, tỉnh Vĩnh Long, quanh chánh điện là dãy cột có đắp nổi hình tượng thần Bốn Mặt (Kabil Maha Brum) nhũ vàng, 4 mặt của thần quay về 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc, truyền tải ý nghĩa khác là đại diện cho từ, bi, hỷ, xả trong Phật giáo.

Thượng toạ Lý Hùng, Phó Chủ tịch Hội đoàn kết Sư sãi yêu nước TP Cần Thơ, trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây cho biết: việc thiết kế và trang trí trong khuôn viên chùa đều phải thực hiện theo những nguyên tắt nhất định từ cổng rào… đến chánh điện, nơi nào trang nghiêm, nơi nào cần có những tích truyện để phật tử tiếp cận và tu luyện tâm tính…và cũng tạo thuận lợi cho phật tử và du khách khi đến lễ Phật và tham quan chùa.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất