, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/11/2021, 11:28

Chuẩn hóa quy trình chọn tạo, canh tác cây mắc ca

BẢO THẮNG - ĐỨC MINH
(nongnghiep.vn)
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh gợi mở nhiều vấn đề trong chuyến công tác Điện Biên ngày 10/11, và bày tỏ mong muốn tỉnh giữ vững truyền thống là thủ phủ cây mắc ca.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kiểm tra tình hình sản xuất, phát triển cây mắc ca tại Điện Biên chiều 10/11. Ảnh: Bảo Thắng.

Chiều 10/11, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh dẫn đầu đoàn công tác Bộ NN-PTNT đi khảo sát tình hình sản xuất và phát triển cây mắc ca trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng và Điện Biên thuộc tỉnh Điện Biên.

Tại buổi làm việc Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao việc liên kết sản xuất giữa Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, cũng như việc chuyển giao công nghệ và tạo công ăn việc làm tại chỗ cho bà con nông dân.

“Mắc ca là cây lưỡng dụng, đem lại nhiều giá trị kinh tế cho bà con nông dân. Vấn đề là chúng ta cần chuẩn hóa các quy trình từ khâu chọn tạo giống, bắt quả, cho đến sơ chế, chế biến sâu", Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, vùng Tây Bắc có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca. Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý các đơn vị về các biện pháp kỹ thuật để phát triển cây mắc ca một cách bền vững.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đặc biệt lưu ý bà con nông dân Điện Biên tới quy trình bắt quả, bởi khâu này  đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo chất lượng sau thu hoạch. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh tới việc đảm bảo mật độ gieo trồng từ 205 đến 280 cây/ha đối với trồng thuần. Nếu trồng xen, người dân cần giữ mật độ khoảng 124 cây/ha (cự ly 9 x 9 m) khi trồng cùng cà phê, hoặc 138 cây/ha (cự ly 12 x 6 m). Với hồ tiêu, mật độ khoảng 124 cây/ha (cự ly 9 x 9 m), chè là 111 cây/ha.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở với việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn Điện Biên. Ảnh: Bảo Thắng.

Một chú ý nữa mà Thứ trưởng khuyến cáo, là việc đảm bảo quy trình canh tác hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ. Ngoài ra, để đảm bảo năng suất, ông khuyên người dân việc tỉa cành, tạo tán bởi mắc ca là loại cây dễ sinh trưởng ở miền núi phía Bắc.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Điện Biên, tỉnh đã trồng được 3.820 ha cây mắc ca. Trong đó: trồng thuần 3.767 ha, trồng xen với cây trồng khác 54 ha. Các diện tích đã trồng tập trung chủ yếu trên địa bàn các huyện Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Nhé, Điện Biên Đông, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ.

Phần lớn diện tích cây mắc ca trên địa bàn tỉnh do các doanh nghiệp đầu tư trồng (3.375 ha), diện tích còn lại (khoảng 446 ha) do các địa phương trồng xen che bóng cây cà phê, trồng thử nghiệm, người dân trồng tự phát.

Trong những năm qua, Điện Biên đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án trồng cây mắc ca với tổng quy mô trồng được phê duyệt triển khai thực hiện là 47.046 ha, tổng vốn đầu tư 8.812 tỷ đồng. Ngoài ra, hiện có 2 dự án hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư và 5 dự án đang khảo sát, lập hồ sơ trình phê, với tổng quy mô khoảng 73.000 ha.

Đến nay, các dự án đã tổ chức triển khai trồng được khoảng 3.375 ha cây mắc ca, đạt 41% so với quy mô tiến độ phê duyệt các dự án đến năm 2021 và đạt 9% so với tổng quy mô các dự án được phê duyệt. Việc thực hiện các dự án bước đầu đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ dân, góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đưa cây mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2015, một số diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã cho thu hoạch quả. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 84 ha cây mắc ca cho thu hoạch quả, với sản lượng thu hoạch giai đoạn 2015 - 2021 đạt 136,57 tấn quả tươi.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lò Văn Tiến về tiềm năng phát triển cây mắc ca. Ảnh: Bảo Thắng.

Tại Điện Biên, Tuần Giáo là một trong những huyện trồng nhiều mắc ca nhất. Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trên địa bàn có nhiều hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và người dân. 

Theo đó, sau khi ký hợp đồng, phía công ty trả cho người dân (bên góp đất) một khoản tiền hỗ trợ việc chuyển đổi ngành nghề, địa bàn canh tác khi chưa có sản phẩm trong 5 năm đầu. Ngoài ra, phía công ty sẽ tuyển dụng lao động thường xuyên, và ưu tiên các hộ góp đất cho công ty, với thu nhập từ 4-7 triệu đồng/ tháng, và 400-450 lao động thời vụ.

Xác định mắc ca là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng bà Tuyên thừa nhận một số khó khăn trong việc đẩy mạnh, phổ biến loài cây này như: chưa có quy hoạch phát triển trên địa bàn, tiến độ cấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân góp đất trồng mắc ca còn chậm... Bà kiến nghị Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh có thêm nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa.

Lắng nghe những ý kiến của địa phương, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cam kết sự hỗ trợ, đồng thành của Bộ NN-PTNT cả về khâu giống, canh tác, lẫn chế biến cây mắc ca. Ông kêu gọi các đơn vị liên quan tập trung nguồn lực kết nối lại, và nghiên cứu sâu hơn về thực địa, nhằm giúp Điện Biên tiếp tục giữ vững truyền thống là thủ phủ cây mắc ca.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất