, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 30/01/2022, 19:00

Chứng khoán Việt Nam, một năm thăng hoa

MINH HUY
Bất chấp dịch bệnh gây khó khăn nhiều mặt, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2021 vẫn thăng hoa, tiếp tục khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn hiệu quả.
HÌnh minh hoạ

Bùng nổ nhà đầu tư F0

TTCK Việt Nam tăng rực rỡ và giao dịch sôi động nhờ sự tham gia đông đảo của nhà đầu tư trong nước, đặc biệt là các nhà đầu tư mới mà thị trường gọi là nhà đầu tư F0. Chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng số tài khoản mở mới trên TTCK Việt Nam đã tăng gần 1,1 triệu - gấp 3 lần tài khoản của cả năm 2020. Theo lý giải của các công ty chứng khoán, năm 2021 nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội, nhiều người đã mở tài khoản, đổ tiền vào kênh đầu tư chứng khoán vì khi ngồi ở nhà, vẫn có thể mua bán cổ phiếu. Cùng với đó, công chuyện làm ăn, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến dòng tiền nhàn rỗi đổ mạnh vào kênh này, nhất là trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm tại ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Không ít nhà đầu tư F0 mới “chân ướt chân ráo” vào thị trường cũng đã khấm khá nhờ TTCK.

Chị Hoài Anh (33 tuổi), giám đốc một công ty truyền thông tại TP.HCM, cho biết suốt thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, tất cả các sự kiện, kế hoạch của công ty đều bị hoãn, thậm chí bị hủy. Với khoảng 500 triệu đồng trong tài khoản dự kiến dùng để làm các dự án, chị quyết định đầu tư vào chứng khoán. Từ số vốn ban đầu này, nhờ sự thuận lợi của thị trường, chỉ sau 8 tháng, chị đã đủ tiền mua được miếng đất khoảng 2,5 tỷ đồng ở Gia Lai để thực hiện được ước mơ xây dựng một căn nhà ven hồ ở quê. Tương tự, anh Minh Hùng (28 tuổi), chủ một cửa hàng kinh doanh thời trang tại quận 1 TP.HCM đã mở tài khoản chứng khoán và rút 300 triệu đồng từ tiền gửi tiết kiệm để chơi thử. “Nhờ được tư vấn tốt, tôi đã chọn đầu tư 2 cổ phiếu bất động sản, mua bán 3 vòng trong khoảng hơn 6 tháng, tài khoản tôi hiện đã tăng gấp đôi, cao hơn rất nhiều lần so với lãi suất ngân hàng”, anh Hùng vui vẻ nói. 

Làn sóng nhà đầu tư F0 đổ tiền vào TTCK đã kéo thanh khoản thị trường tăng lên hàng tỷ USD/phiên. Từ mức trung bình khoảng 15.000 tỷ đồng/phiên vào cuối 2020, đến nửa đầu năm 2021 con số này đã tăng lên 20.000 - 25.000 tỷ đồng/phiên và sau đó tăng vọt lên 30.000 - 35.000 tỷ đồng/phiên vào những tháng cuối năm 2021. Kỷ lục, trong tháng 11/2021, có những phiên thanh khoản trên 40.000 tỷ đồng/phiên, thậm chí có phiên đạt kỷ lục hơn 56.000 tỷ đồng (khoảng 2,5 tỷ USD). 

Mặc dù kinh tế bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19 nhưng năm 2021, VN-Index đã lần lượt xác lập các đỉnh kỷ lục của TTCK Việt Nam sau 21 năm ở mốc 1.400 (vào tháng 6) rồi đến 1.500 điểm (vào tháng 11), tăng khoảng 34% so với đầu năm 2021.

Nhà đầu tư F0 là nhân tố giúp TTCK năm 2021 tăng mạnh

Kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế

Đến cuối tháng 11/2021, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam đã tương đương 133% GDP, tăng mạnh so với con số hơn 80% vào cuối năm 2020. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 3 quý đầu năm 2021, TTCK đã huy động cho nền kinh tế khoảng 300.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2020. 

Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, nền kinh tế nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc doanh nghiệp tiếp cận được vốn tín dụng mới từ ngân hàng rất khó, nhất là khi ngành ngân hàng phải dùng chính nguồn lực của mình để thực hiện khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã đấu giá cổ phần ra công chúng (IPO), phát hành tăng vốn rất thành công trên TTCK, tạo đà phát triển bền vững cho doanh nghiệp. 

Đánh giá về TTCK thời gian qua, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, TTCK trở thành kênh dẫn vốn trung dài hạn của nền kinh tế, san sẻ và hỗ trợ cho hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, bản thân TTCK còn ẩn chứa nhiều rủi ro. 

Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng nhận định sự gia tăng mạnh mẽ số lượng nhà đầu tư đã phần nào chứng minh sức hấp dẫn của TTCK trong thời gian qua. Tuy nhiên, trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, TTCK sẽ có nhiều biến động. Do đó, để đầu tư an toàn và có hiệu quả, nhà đầu tư mới cần trang bị thêm kiến thức về chứng khoán, tài chính doanh nghiệp khi tham gia thị trường. Việc đông đảo nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường là điều rất đáng mừng, nhưng các công ty chứng khoán cần chú trọng vào việc đào tạo kiến thức cho các nhà đầu tư F0 để các nhà đầu tư hiểu rằng, tham gia vào thị trường là “đầu tư chứng khoán” chứ không phải là “chơi chứng khoán”. Điều đó sẽ tạo ra tính bền vững cho sự phát triển của thị trường trong thời gian tới. 

Cũng như TTCK thế giới, TTCK Việt Nam đã tăng rực rỡ khi các nhà đầu tư cá nhân chưa biết làm gì với nguồn vốn nhàn rỗi cũng như dòng tiền rẻ (lãi suất ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong 10 năm qua) nên đổ vốn vào kênh có mức sinh lời tốt là chứng khoán. TTCK tăng mạnh và chưa có dấu hiệu “bong bóng” vì mức giá vẫn khá hợp lý so với thị trường chung, do vậy, vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới. Chúng tôi dự đoán sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết từ các gói kích thích tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục hỗ trợ cho đà tăng của VN-Index trong năm tới. Theo đó, VN-Index được kỳ vọng sẽ đạt ngưỡng 1.700 - 1.760 điểm trong năm 2022, trên cơ sở định giá chỉ số P/E ở mức 16 - 16,5 lần và tăng trưởng lợi nhuận toàn bộ doanh nghiệp đạt 21%.

TRẦN KHÁNH HIỀN - Giám đốc khối phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất