, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 07/04/2018, 22:22

Chuỗi cung ứng lạnh - Giải "nóng" cho thị trường nông sản

Thất thoát trong quá trình thu hoạch, chế biến, lưu trữ, vận chuyển vẫn luôn là bài toán khó đối với nông sản Việt. Học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình thành công trên thế giới, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó phát triển hệ thống logistics mà cụ thể, chuỗi cung ứng lạnh được xem là một giải pháp hữu hiệu. Thế nhưng triển khai như thế nào thì lại tiếp tục là một bài toán nan giải khác cần được tính toán.

Đứt gãy các mắt xích

Chuỗi cung ứng lạnh là một khái niệm khá phổ biến ở các nước có nền nông nghiệp phát triển, được hiểu là các chuỗi cung ứng có khả năng kiểm soát và duy trì nhiệt độ thích hợp với các loại hàng hóa có yêu cầu bảo quản lạnh khác nhau, giúp kéo dài tuổi thọ của các mặt hàng nhạy cảm với nhiệt độ, trong đó có sản phẩm nông nghiệp, thủy hải sản, hàng đông lạnh chế biến…Chuỗi cung ứng lạnh bao gồm hai hệ thống logistics cơ bản là: mạng lưới nhà kho lạnh và hệ thống vận tải lạnh như xe tải lạnh, container lạnh,... Nếu được bảo quản trong chuỗi cung ứng lạnh, hàng hóa sẽ duy trì được sự tươi mới, không chỉ đảm bảo về chất lượng mà còn đảm bảo về số lượng.

Lượng hàng hóa hao hụt giảm đi, lượng hàng hóa cung cấp cho thị trường sẽ tăng lên, tránh được những thất thoát đáng tiếc. Từ đó, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế. Phát triển các chuỗi cung ứng lạnh còn đồng thời giúp thực phẩm được bảo quản trong môi trường tốt hơn, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn với hàng hóa trong nước và xuất khẩu.

Từ rất lâu, người dân Việt Nam đã biết cách bảo quản thực phẩm bằng phương pháp ướp lạnh thô sơ. Tuy nhiên, ở quy mô lớn, hệ thống chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam lại thiếu sự phát triển đồng bộ. Theo một báo cáo vào năm 2011 của Tổng cục Môi trường, ước tính chuỗi thực phẩm tại Việt Nam thất thoát khoảng 5,75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm. Nguyên nhân chính là do sự yếu kém trong công tác xử lý, bảo quản sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, vận chuyển của nước ta cũng chưa được hoàn thiện. Không chỉ yếu kém về hạ tầng giao thông, khiếm khuyết trong chuỗi cung ứng lạnh cũng khiến gia tăng tổn thất trong chuỗi cung ứng hàng hóa.

Kho lạnh SATRA nằm trong Khu Thương mại Bình Điền (quận 8, TPHCM)  của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA), một trong ba  kho lạnh lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.
Kho lạnh SATRA nằm trong Khu Thương mại Bình Điền (quận 8, TPHCM) của Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (SATRA), một trong ba kho lạnh lớn nhất hiện nay tại Việt Nam.

TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Ở Việt Nam hiện nay khâu bảo quản lạnh chỉ được chú trọng đối với mặt hàng thủy hải sản do chủ yếu được xuất khẩu, còn các mặt hàng nông sản khác thì mức độ áp dụng rất thấp. Theo số liệu từ ABA Cooltrans, một doanh nghiệp Việt hoạt động lâu năm trong chuỗi cung ứng lạnh thì có đến 95% sản lượng thủy sản được bảo quản lạnh trong khi chỉ có 7% sản lượng rau củ được hưởng “chế độ” này. Đây quả thực là một sự chênh lệch rất lớn.

Mặt khác, bản chất của chuỗi cung ứng lạnh là những mắt xích kết nối chặt chẽ với nhau. Để bảo đảm chất lượng sản phẩm từ nơi sản xuất đến tay người tiêu dùng, cần có sự liền mạch trong tất cả các công đoạn, từ xử lý làm mát tạm thời sau thu hoạch, lưu trữ trong kho lạnh, vận chuyển bằng dịch vụ vận tải lạnh cho đến trưng bày trong điều kiện nhiệt độ thích hợp tại cửa hàng.

Trên thực tế, chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số khiếm khuyết như cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa có kho lạnh với công suất lớn, thiếu kho lạnh gần các trang trại. Thị trường cung ứng lạnh tại Việt Nam còn khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ, phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực nên chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn bộ chuỗi thực phẩm. Điều này dẫn đến sự đứt gãy các mắt xích của chuỗi cung ứng lạnh.

Từ khóa quan trọng nhất: “hợp tác”

Hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hơn 90% là quy mô hộ gia đình nhỏ lẻ, dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh vì kinh phí đầu tư khá lớn.

Ông Lương Quang Thi – Giám đốc Công ty ABA Cooltrans (ABA), một doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải lạnh, chia sẻ: ABA vẫn gặp khó khăn nhất định khi thuyết phục khách hàng sử dụng dịch vụ, bởi chi phí đầu tư xe lạnh thường cao gấp 3 lần so với xe tải thông thường. Đáng lo hơn hết là khách hàng chưa hiểu hết được tầm quan trọng của việc áp dụng chuỗi cung ứng lạnh. Sự thiếu đồng bộ trong chuỗi cung ứng lạnh không chỉ làm thất thoát mà còn làm giảm chất lượng thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, cần phải tăng cường quảng bá, nâng cao nhận thức của các bên tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm. Nhận thức đúng đắn sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng lạnh, không chỉ mang lại lợi ích cho người sản xuất mà còn bảo vệ người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tại thị trường nội địa, các mặt hàng nông sản, thực phẩm phần lớn vẫn được tiêu thụ qua các kênh thương mại truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa… Những năm gần đây, sự xuất hiện và tăng lên đáng kể về số lượng của các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã đặt ra những yêu cầu trong bảo quản lạnh đối với thực phẩm. Điều này giúp cho thị trường cung ứng lạnh được mở rộng và đem đến nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành. Đây được xem là một tín hiệu đáng mừng.

Theo TS. Đào Thế Anh, để thực sự nâng tầm chuỗi cung ứng lạnh tại Việt Nam, từ khóa quan trọng nhất là “hợp tác”. Bằng cách hợp tác giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng lạnh với sự đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng, hiệu quả của chuỗi sẽ tăng lên mà không làm đội giá chi phí quá cao.

Vì vậy, rất cần có sự chung tay của nhà sản xuất, doanh nghiệp, các cơ quan Nhà nước và các đơn vị đầu tư nước ngoài. Đồng thời thúc đẩy hợp tác trong công tác nghiên cứu để làm cơ sở xây dựng chiến lược phát triển lâu dài, toàn diện.

Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Trung tâm Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn miền Nam cũng cho biết, để nâng cao giá trị nông sản, nhất là phát triển theo chuỗi, Bộ NN&PTNT đang đẩy mạnh tổ chức lại khâu sản xuất theo hướng quy mô lớn, phát triển kinh tế hợp tác, tăng cường liên kết chuỗi. Trong đó, khuyến khích đầu tư tư nhân, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Lấy doanh nghiệp làm hạt nhân liên kết với các chủ thể kinh tế trong vùng sản xuất tập trung có quy mô phù hợp.

Các diễn giả tại Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu  tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng 3.2018.
Các diễn giả tại Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng 3.2018.

 

Trong 2 ngày, 7 và 8.3.2018, tại TPHCM, hơn 100 chuyên gia đến từ nhiều nước đã cùng tham dự Hội nghị Cung ứng lạnh toàn cầu do Carrier tổ chức. Hội nghị hướng đến các giải pháp giảm lãng phí nông sản, thực phẩm trên chuỗi thông qua việc kiểm soát, quản trị chuỗi cung ứng lạnh – mát hiệu quả hơn. Tại hội nghị đã diễn ra Lễ Ký kết Biên bản Ghi nhớ Hợp tác Phát triển cung ứng lạnh tại Việt Nam giữa Carrier Transicold & Refrigeration Systems và Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch.

 

Thùy Dung

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Người dân đón nhận chuyện tách nhập làng xã rốp rẻng bằng một tờ giấy A4, văn hóa lịch sử chịu phận “xếp tàn y lại để dành hơi” nhưng không thèm “đập cổ kính ra tìm lấy bóng”.


Gần bốn năm kể từ thảm họa sạt lở đất kinh hoàng tại xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, vùng đất này đã thực sự hồi sinh.


Cửa hàng tiện lợi (convenience store) rất phổ biến tại Hàn Quốc và là một nét văn hóa hiện đại của xứ Kim chi.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất