, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/12/2021, 15:14

Chuỗi giá trị biến rác vỏ dừa thu ngoại tệ

MINH ĐẢM - HỮU ĐỨC
(nongnghiep.vn)
Hiện nay, việc áp dụng khoa học công nghệ giúp tận dụng vỏ dừa biến chúng từ loại phế thải trở thành sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao gấp hàng chục lần.

Từ chiếc vỏ dừa bỏ đi thành sản phẩm thu về ngoại tệ

Tỉnh Bến Tre có diện tích trồng dừa lớn nhất cả nước, với diện tích gần 75.000ha và sản lượng khoảng 610 triệu trái. Cây dừa đã gắn bó với đời sống người dân Bến Tre hàng mấy chục năm qua, thể hiện trong câu thơ “tôi lớn lên đã thấy cây dừa trước ngõ/ dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ…”. Thời gian gần đây, trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, cây dừa càng cho thấy sức chống chịu tuyệt vời của nó trước hạn - mặn. Do đó, diện tích cây dừa ngày càng tăng.

Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với diện tích gần 75.000ha, sản lượng trên 610 triệu trái. Ảnh: Văn Vũ.
Tỉnh Bến Tre có diện tích dừa lớn nhất cả nước với diện tích gần 75.000ha, sản lượng trên 610 triệu trái. Ảnh: Văn Vũ.

Không chỉ vậy, ngày xưa khi khoa học công nghệ chưa phát triển, trái dừa chỉ sử dụng phần nước dừa, thân dừa nhưng ngày nay, khoa học công nghệ đã đưa cây dừa Bến Tre lên tầm cao mới. Nhất là việc sử dụng những phụ phẩm từ dừa như mụn dừa và chỉ xơ dừa biến thành sản phẩm có giá trị gấp hàng chục lần.

Trước đây, phế phụ phẩm nông nghiệp nói chung và ngành chế biến dừa nói riêng có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả và thường gây ô nhiễm môi trường, do đó các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp ở Bến Tre đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến biến mụn dừa, bã dừa, mạt than, vụn chỉ... đều là các phế phụ phẩm nông nghiệp đã bị thải loại trong quá trình sản xuất các sản phẩm từ dừa thành sản phẩm không chỉ hữu ích mà còn có giá trị gia tăng cao.

Những ngày cuối tháng 11 vừa qua, chúng tôi có dịp trở lại Bến Tre, mảnh đất bạt ngàn dừa xanh. Chúng tôi tìm đến thăm Công ty TNHH dừa Đông Dương ở ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc. Ông Lê Thanh Tiến, Giám đốc công ty là người có tâm huyết với nghề chế biến phụ phẩm từ dừa ở địa phương.

Tại cơ sở này, hàng ngày ông Tiến đã cho tách hàng nghìn chiếc vỏ dùa thành hai sản phẩm là chỉ xơ dừa và mụn dừa. Đối với mụn dừa, ông Tiến cung cấp cho các cơ sở sản xuất cây giống, công ty sản xuất phân hữu cơ… Còn chỉ xơ dừa, ông Tiến sẽ đưa qua thiết bị se thành sợi nhỏ khoảng chừng đầu đũa. Từ các sợi đó, sản phẩm tiếp tục cho qua máy đánh thành sợi to hơn và dùng các sợi này để dệt thành thảm xơ dừa. Thảm xơ dừa được thị trường các nước phát triển rất ưa chuộng, nhất là Hàn Quốc.

Dệt thảm xơ dừa từ chỉ xơ dừa giúp nâng cao giá trị sản phẩm lên hàng chục lần. Ảnh: Minh Đảm.
Dệt thảm xơ dừa từ chỉ xơ dừa giúp nâng cao giá trị sản phẩm lên hàng chục lần. Ảnh: Minh Đảm.

Chỉ tay về phía đống vỏ dừa dài chừng 20m, cao hơn 3m, ông Tiến nói: “Đống vỏ dừa này khoảng 300 thiên (300.000 chiếc). Ngày xưa khi lột dừa lấy cơm rồi thì vỏ bỏ trôi đầy sông. Bây giờ đống vỏ này có giá 300 triệu. Khi mình tách thành mụn và lấy chỉ dệt thảm xuất khẩu giá trị của nó sẽ tăng lên gấp hàng chục lần.

Bây giờ mỗi cái vỏ dừa khoảng 700 - 1.000 đồng, tuỳ từng thời điểm. Mụn dừa giá thị trường khoảng 2.300 - 2.500 đồng/kg. Giá tơ nguyên liệu thì khoảng 3.000 đồng/kg, khi sản phẩm hoàn chỉnh giá trị sẽ lên hơn 10.000 đồng/kg. Mỗi tấm thảm 10m2 có giá trị xuất khẩu trên 45 USD. Mỗi tháng, công ty xuất khẩu từ 30 - 40 container, doanh thu khoảng 5 tỷ đồng”.

Tại cơ sở của ông Tiến có đến hàng trăm lao động được giải quyết việc làm với mức thu nhập từ 7 -12 triệu đồng/tháng. Nói về cơ duyên đến với nghề làm thảm xơ dừa, ông Tiến tâm sự: "Cách đây gần 10 năm, tôi thấy có công ty ở Ấn Độ đến làm tách chỉ xơ dừa và mụn dừa nhưng chưa biết se thành chỉ và dệt thảm nên tôi mới bắt tay vào nghiến cứu máy móc thiết bị và phát triển ngành nghề này. Bên cạnh đó, địa phương có nguồn nguyên liệu rất dồi dào nên mình chủ động được sản xuất. Sản phẩm này được ưa chuộng ở nước ngoài. Bây giờ tôi cũng thử chào hàng ở thị trường trong nước như tại các khu du lịch, công trình chắn sóng cho đê biển,..".

Theo Báo cáo Nghiên cứu phân tích chuỗi giá trị dừa Bến Tre - Dự án Phát triển kinh doanh với người nghèo Bến Tre, thành phần trung bình của một quả dừa khô theo % trọng lượng, gồm: Vỏ 33,33% (sợi xơ cứng 3,33%, sợi xơ mềm 6,67% và mụn 23,33%), gáo 15%, nước 21,66%, cơm dừa 30% (nước 15%, dầu 10% và bã 5%).

Tùy theo giống dừa, độ chín tới, độ ẩm, lượng xơ của vỏ dừa thông thường hệ số chế biến từ vỏ dừa thành mụn dừa: trung bình 3,3 thiên vỏ dừa sẽ cho ra 1 tấn mụn dừa. Năm 2020, sản lượng mụn dừa của tỉnh vào khoảng 146.979 tấn, trong đó xuất khẩu 9.870 tấn nhưng chưa đạt mục tiêu đề ra của Chương trình phát triển ngành dừa giai đoạn 2016 - 2020 là 33.000 tấn do dịch Covid-19 và phần còn lại tiêu thụ nội địa.

Biến mụn dừa không đồng thành đất sạch 4.200 đồng/kg

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, mụn xơ dừa có khả năng giữ một lượng nước gấp 8 lần khối lượng của nó.

Ông Đặng Văn Cử, Phó phòng Tài chính - Kế hoạch, Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre chia sẻ: “Để biến nó thành sản phẩm hữu ích, có giá trị gia tăng cao, Sở đã ứng dụng công nghệ xử lý EC biến mụn dừa trở thành đất sạch. Sau đó, bổ sung thêm hệ vi sinh hữu ích, vi sinh kháng bệnh nên giá trị dinh dưỡng cao. Đất sạch được làm khô với ẩm độ từ 18 - 22% và ép viên thành phẩm, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Mụn dừa kết hợp với phân trùn quế và tro trấu sẽ tạo ra sản phẩm đất sạch có giá trị cao. Ảnh: Minh Đảm.
Mụn dừa kết hợp với phân trùn quế và tro trấu sẽ tạo ra sản phẩm đất sạch có giá trị cao. Ảnh: Minh Đảm.

Có thể nói, công nghệ này đã biến mụn dừa từ phế phẩm đã bị thải loại, không có giá trị sử dụng còn gây ô nhiễm môi trường thành sản phẩm hữu ích là đất sạch tương đồng với quá trình nâng giá trị hữu dụng của mụn dừa từ 0 đồng/kg lên thành 2.300 đồng/kg mụn dừa chưa qua xử lý (theo thời giá hiện hành) và tiếp tục được nâng giá trị sử dụng lên 4.200 đồng/kg khi đã trở thành sản phẩm đất sạch.

Cũng theo ông Đặng Văn Cử, việc ứng dụng công nghệ để biến mụn dừa từ không hữu dụng thành có hữu dụng không chỉ dừng lại ở đó, Bến Tre tiếp tục sử dụng các tác nhân sinh học để chuyển hóa nguồn cacbon (Lignin và Cellulose) thô có trong mụn dừa thành các hợp chất mùn tinh.

Từ đó tiếp tục ứng dụng công nghệ vi sinh để chế biến thành các loại phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học và phối chế thêm các chất dinh dưỡng khoáng để có các sản phẩm phân bón chất lượng cao. Thêm một lần nữa, Bến Tre đã biến sản phẩm đất sạch làm từ mụn dừa với giá 4.200 đồng/kg thành sản phẩm phân bón hữu cơ cao cấp có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg.

Hiện nay, quá trình nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý, chế biến mụn dừa đã có thêm sản phẩm mới, đa dạng thêm các sản phẩm chế biến từ mụn dừa với hơn 7 sản phẩm đã được hình thành từ mụn dừa, đồng thời kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm mụn dừa góp phần ngày càng hoàn thiện chuỗi giá trị ngành dừa và gia nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Mụn xơ dừa là chất hữu cơ có một số tính chất và thành phần hóa học: Độ pH là 5,5; tỷ lệ C:N là 80:1; độ xốp 10-12%; chất hữu cơ: 9,4-9,8%; tổng lượng tro: 3-6%; Cellulose: 20-30%; Lignin: 60-70%; Tanin: 8,0-8,5% (thuộc loại pyrocatechic-tanin không thủy phân); EC (dS/m)=0,8.N%=0,5. P%=0,3. K%=0,4.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất