, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/02/2019, 10:20

Chương trình Cầu Nông Thôn - Lời hẹn bên dòng kênh ngang

Ngày 9.1 vừa qua, sau hơn 2 năm triển khai, chương trình Cầu nông thôn do Tạp chí Nông thôn Việt phát động đã tổ chức lễ khánh thành cây cầu thứ 80. Như vậy, chỉ riêng năm Mậu Tuất 2018, đã có đến 55 cây cầu được đưa vào sử dụng với 6 đợt khánh thành đồng loạt. Cả một vùng biên giới từ Long An đến Đồng Tháp, An Giang như bừng sức sống nhờ sự có mặt của những cây cầu mới, những cây cầu nối bờ vui...

BTC Chương trình, các nhà tài trợ cùng bà con nắm tay hẹn sẽ tiếp tục triển khai các công trình. Ảnh: NTV
BTC Chương trình, các nhà tài trợ cùng bà con nắm tay hẹn sẽ tiếp tục triển khai các công trình. Ảnh: NTV

Nét chung dễ thấy nhất của Chương trình Cầu Nông thôn là sự khác biệt đến bất ngờ của cảnh vật xung quanh những cây cầu mới xây dựng. Rất nhiều điểm cầu, để đến khảo sát, đoàn phải đi trên những chiếc xe gắn máy hoặc trên những chiếc ca-nô, ghe/thuyền, phà. Nhưng vài tháng sau, trong ngày khánh thành thì xe ô tô chạy bon bon, những cánh đồng được ráp nối. Cả một vùng thay hình đổi dạng.

Khánh thành cầu Kênh 61 tại Vĩnh Đại (Tân Hưng)
Khánh thành cầu Kênh 61 tại Vĩnh Đại (Tân Hưng)

Ngày khánh thành những cây cầu trên tuyến Kênh Ngang vừa qua, các thành viên trong Ban Tổ chức, các nhà tài trợ, các lãnh đạo địa phương, đặc biệt là nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang – “linh hồn” của Chương trình, không được vui lắm vì cầu xây chưa đạt theo yêu cầu, cần phải chỉnh sửa nhiều.

Nhưng dù vậy thì bà con vẫn vui như Tết đã về, bởi những cây cầu là mong ước hơn 30 năm của bà con Vĩnh Đại. Anh Lợi, một người dân có đến 4 thế hệ gia đình sinh sống tại đất này, lý giải: “Mấy mươi năm chờ đợi rồi, giờ mới có, vui lắm cô à?”. Trước giờ vùng này hầu như không có tiếng xe máy.

Buổi tối người dân thường đi ghe xuồng qua kênh để về nhà, xe phải gửi lại bên kia, trăm thứ bất tiện. Giờ, nhờ có những cây cầu mà tuyến đường Kênh Ngang được hình thành. Con đường nhỏ, lổm chổm đất đá ấy, theo bà Trần Thị Ren, ngụ ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại, dài gần 9 cây số, bắt đầu từ ấp Cà Dăm đến ấp Láng Sen, “mới có hơn tháng nay thôi”.

Bà Nguyễn Thị Huệ, nhà ở ấp Láng Sen thì bộc bạch: “Có cầu mới nông dân sẽ dễ dàng thăm ruộng lúa, vận chuyển vật tư, thóc lúa trong mỗi vụ mùa bằng xe gắn máy. Chắc chắn rằng, đường thông thương, lúa ch úng tôi làm ra sẽ có giá hơn. Tết này, đi thăm hỏi nhau không cần đi xuồng, nhịp cầu mới sẽ giúp mọi người gần nhau hơn”.

Niềm vui vô bờ của bà con đã mang đến cho những người làm chương trình, các nhà tài trợ một cảm xúc thật khó tả. Dù trời nắng, nhưng mọi người đều rất kiên nhẫn, cùng lắng nghe từng lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Cao, 89 tuổi và bà Hồ Thị Sương, 82 tuổi. Họ là những nhân chứng hiếm hoi còn sót lại sau những tháng ngày bám đất, bám làng chiến đấu thời kháng chiến.

Đêm trước ngày đón bác Tư Sang (cách gọi thân mật Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang) và các nhà tài trợ về kéo băng khánh thành cầu, bà Sương thức trắng. Cả hai ông bà đều có bài phát biểu tự tay viết trên tờ giấy trắng tập học trò. Những lời lẽ chất phác thật thà gây xúc động mạnh cho những người tham dự.

Ông Cao nói: “Dân Vĩnh Đại bám xã đánh địch. Cha hy sinh con tiếp nối… Kênh sông Vĩnh Đại là kênh Kháng chiến của 2 thời kỳ, được đào bằng sức dân để vận tải lương thực và vũ khí… Nay có những cây cầu thì vô cùng biết ơn”. Còn bà Hồ Thị Sương viết: “Đất nước mình còn nghèo, chúng tôi không mong mõi gì hơn nữa… Mong Nguyên Chủ tịch Nước sức khỏe dồi dào, tinh thần minh mẫn để làm hết đoạn đường, còn dang dở…”

Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng bà con ấp Láng Sen và đại diện BTC chương trình, các nhà tài trợ
Nguyên chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ trái qua) chụp hình lưu niệm cùng bà con ấp Láng Sen và đại diện BTC chương trình, các nhà tài trợ

Dưới chân cầu Gáo Xanh hôm đó, nghe bà con bày tỏ niềm mong mỏi về một niềm vui trọn vẹn “nếu như các nhà tài trợ tiếp tục giúp để làm tiếp hai cây cầu nữa cho trọn con đường”, ông Lâm Đạo Hưng, Chủ tịch HĐQT Minh Hưng Group đã chủ động cam kết sẽ mang hai cây cầu ấy đến với bà con.

Mừng nhưng bà Sương vẫn chưa hết trăn trở: “Không biết tôi có kịp thấy mấy cây cầu này không, vì tuổi đã gần đất xa trời rồi!”. Một lần nữa, mọi người lại cùng nắm tay, trao nhau lời hẹn rằng qua Tết Kỷ Hợi sẽ trở lại, để những lão niên vùng đất biên cương này được hưởng trọn niềm vui.

Niềm vui cuối năm càng thêm dày dặn khi anh Nguyễn Một, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Ô tô Trường Hải, một trong những doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho Chương trình Cầu Nông thôn của tạp chí Nông thôn Việt, trong phát biểu của mình tại lễ bàn giao các cây cầu ở Tân Hưng cho biết, Trường Hải đã có kế hoạch về một chương trình xây cầu cho bà con nông thôn, đặc biệt là vùng biên giới và sẽ triển khai trong năm 2019.

Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt (từ 5.10.2016 đến 15.1.2019)

- Số doanh nghiệp tham gia: 19

Gồm: Công ty CP Ô tô Trường Hải; Công ty CP Đồng Tâm; Ngân hàng TMCP Kiên Long; Minh Hưng Group; Công ty TNHH- MTV Anh Minh Anh; Công ty CP Đầu tư & Xây dựng Phúc Khang; Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tập đoàn CN Viễn thông Quân đội Viettel; Liên doanh Việt - Nga VietsovPetro; Tập đoàn Novaland; Công ty TNHH Hải Sơn; Công ty Cổ phần Thương mại – Sản xuất – Xây dựng Hưng Thịnh; Công ty CP Nhựa Rạng Đông; Công ty CP Tập đoàn Quốc tế Năm Sao; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank); Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Công ty CP Bamboo Capital và nhóm DN tại TPHCM

- Số công trình cam kết tài trợ: 114

- Tổng vốn đầu tư:        116 tỉ đồng

- Số công trình đã hoàn thiện: 80

Tại Long An (07 huyện, 82 cầu/cống); An Giang (1 huyện, 15 cầu); Đồng Tháp (2 huyện, 17 cầu).

Thu Cúc tổng hợp

Cát Quỳnh - Mai Hương

 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất