, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 22/01/2021, 08:50

Chương trình Cầu nông thôn - Nhịp cầu nối những miền vui

THÙY DUNG

Sau hơn 4 năm triển khai, hàng trăm cây cầu đã được xây dựng trên các miền quê biên giới chính là món quà nghĩa tình mà Chương trình Cầu Nông thôn -Tạp chí Nông thôn Việt gởi đến người dân vùng phên dậu đất nước.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ phải sang) và các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng bà con địa phương trong ngày khánh thành cây cầu mới.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (thứ tư từ phải sang) và các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng bà con địa phương trong ngày khánh thành cây cầu mới.

Dấu ấn trên những vùng quê

Có dịp về Đức Huệ (Long An), chúng tôi ghé thăm cây cầu Rạch Cỏ tại xã Mỹ Thạnh Đông. Đây là cây cầu mang số thứ tự 01, tức cây cầu đầu tiên đánh dấu sự khởi động của Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt. So với những cây cầu được xây dựng sau này, cầu Rạch Cỏ khá nhỏ, chỉ dài 26,5m, rộng 3,2m. Thế nhưng tại một xã nghèo biên giới, cây cầu với kinh phí đầu tư 450 triệu đồng này đã được xem là một công trình “vĩ đại”. Ông Võ Văn Một (ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông) nhớ lại: “Ngày trước, cầu Rạch Cỏ vốn là một cây cầu tạm bợ, người dân chỉ có thể đi bộ hoặc qua lại bằng xe máy”. Bước trên cây cầu Rạch Cỏ vững chãi, bà Nguyễn Thị Nhiều - nữ Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Đông ngày trước, nay là Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đức Huệ hồ hởi cho biết xã Mỹ Thạnh Đông là xã Nông thôn mới đầu tiên của huyện. Thành tích này theo bà có sự góp công không nhỏ của cây cầu Rạch Cỏ, vì chính nó đã góp phần “giúp” xã Mỹ Thạnh Đông hoàn thiện hạ tầng, đạt được tiêu chí giao thông nông thôn. “Nếu không có những công trình cầu như thế này, không biết đến bao giờ xã Mỹ Thạnh Đông mới “lên” Nông thôn mới” - bà Nguyễn Thị Nhiều xúc động.

Xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) cũng như được khoác chiếc áo mới từ khi có những công trình cầu giao thông của Chương trình. Là vùng căn cứ cách mạng, xã Vĩnh Đại chịu nhiều thiệt thòi do sự tàn phá của chiến tranh ác liệt. Người dân Vĩnh Đại sống hàng chục năm tại đây ngày đêm ao ước có được những cây cầu để đi lại bớt vất vả. Năm 2018, được sự vận động của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Ban Tổ chức Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt, các doanh nghiệp đã tài trợ xây dựng 5 cây cầu tại địa phương này. Có cầu nên tuyến đường Kênh Ngang dài hơn 10km được hình thành, không chỉ thuận tiện trong đi lại mà ô tô cũng chạy bon bon. Hai năm sau ngày khánh thành các cây cầu, khi trở lại, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi tuyến đường đã ngập tràn sắc hoa, hàng rào cây xanh gọn gàng, đẹp mắt. Bà Bùi Thị Hồng (ấp Cà Dăm, xã Vĩnh Đại), nhà cạnh cầu Kênh 61 trên tuyến đường Kênh Ngang bộc bạch: “Có đường lớn, có cầu, ai cũng mừng. Không ai nói ai. Nhà nào cũng tự trồng cây, trồng hoa cho đẹp đường, đẹp ngõ”. Cả một vùng nông thôn bừng sáng.

Tại huyện An Phú, tỉnh An Giang, Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt cũng đã đưa 16 cây cầu vào sử dụng từ cuối năm 2019. Ông Tư Long - người dân ở xã Phú Hội (huyện An Phú) cho biết bà con phấn khởi lắm vì có cầu mới, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn, tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thu nhập nhờ đó mà tăng lên.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) trực tiếp đi khảo sát các công trình.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (bìa phải) trực tiếp đi khảo sát các công trình.

Mỗi lần về các huyện vùng biên giới thuộc tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, bắt gặp những cây cầu mang tên Chương trình Cầu nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt, những người trong Ban tổ chức Chương trình như chúng tôi không giấu được niềm xúc động. Nhìn làng quê đổi mới từng ngày, chúng tôi càng thấm thía lời dặn dò của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại các buổi lễ khởi công, khánh thành, rằng “Cầu không chỉ để đi lại mà còn để kinh tế đi!”.

Viết tiếp một hành trình

Từ lễ phát động tại cây cầu Rạch Cỏ cách đây hơn 4 năm, đến nay Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt đã tổ chức không biết bao nhiêu lễ khánh thành, khởi công. Từ những cây cầu nội ấp, liên ấp, Chương trình đã tiến tới xây dựng những cây cầu liên xã, liên huyện. Đặc biệt, Chương trình luôn ưu tiên xây dựng những cây cầu trên cùng một tuyến để mở ra những con đường lưu thông trọng yếu tại địa phương. Mặt khác, với mong muốn mang lại hiệu quả bền vững, lâu dài, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Ban Tổ chức Chương trình đã nâng cấp tiêu chuẩn các công trình theo khổ bề ngang 4m, tải trọng tối thiếu 5 tấn. Vì vậy, mỗi cây cầu thường có giá trị lên đến hàng tỉ đồng.

Trong năm vừa qua, mặc dù bị ảnh hưởng không ít bởi tình hình kinh tế - xã hội song Chương trình vẫn cần mẫn thực hiện công tác kết nối để xây dựng thêm các công trình ở những vùng phên dậu đất nước. Gần 110 cây cầu được đưa vào sử dụng là một trong những con số ấn tượng của Chương trình trong năm 2020. Ông Võ Đình Trúc - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng huyện Mộc Hóa - địa phương có 9 cây cầu được khánh thành vào giữa tháng 12 vừa qua cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc thi công có những khoảng thời gian bị gián đoạn. Nhưng khi tình hình dịch bệnh ổn định, địa phương đã tranh thủ thời gian, đốc thúc nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ mà vẫn đảm bảo chất lượng công trình”.

Đi cùng những cây cầu mới chính là những con đường mới. Điển hình phải kể đến 2 tuyến đường: đường cặp kênh Trà Cú Thượng và tuyến đường về biên giới Giồng Két, đều tại huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Từ 7 tỷ đồng do các doanh nghiệp tài trợ để xây dựng 3 cầu và 10 cống ngang đường Trà Cú Thượng, huyện Đức Huệ đã đầu tư nâng cấp toàn bộ tuyến đường, xây dựng thêm 5 cầu giao thông nông thôn và 3 cống ngang đường. Sự hợp tác đầu tư này đã “biến” con đường đất vốn nhỏ hẹp chỉ có thể cho xe máy đi qua thành con đường có nền rộng 6,5m, có đoạn được mở rộng đến 7,5m. Đặc biệt, đây là một trong số ít những tuyến đường mới mở ở Đồng Tháp Mười mà hoàn chỉnh cả đường, điện, cây xanh.

Ông Hà Văn Lục - người gắn bó với vùng đất này hơn 60 năm xúc động bày tỏ: “Ở đây đã mấy chục năm, tôi ao ước con đường này dữ lắm. Giờ có được con đường này còn quý hơn là cho vàng”. Theo chồng về xứ này từ năm đôi mươi, đến nay bà Hoàng Thị Rít đã gần 80 tuổi. Vừa nở nụ cười móm mém, bà vừa nói: “Nhà con gái tôi ở ngay đối diện mà lúc trước trời tối là không dám đi qua, sợ vấp té. Giờ có điện đường rồi, buổi tối ra đường không còn sợ nữa”. Hệ thống điều khiển bật, tắt đèn điện trên tuyến đường cặp kênh Trà Cú Thượng được đặt ngay trước nhà ông Hà Văn Lục. Chia sẻ với chúng tôi, ông Lục nghẹn ngào nói rằng sẽ không bao giờ quên được hình ảnh vào giây phút khi ông vừa mở công tắc lần đầu tiên, tất thảy bà con từ già, trẻ, lớn, bé đều ùa ra đường, vỗ tay reo hò dưới ánh đèn sáng choang.

Sau hơn 8 tháng thi công, công trình đường về biên giới Giồng Két dài 13,2km, rộng 5m với 10 cầu và 10 cống ngang đường cũng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nối liền trung tâm huyện với biên giới. Đây được đánh giá là một trong những tuyến đường có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội cũng như bảo vệ an ninh quốc phòng. Cùng với đó là hàng loạt công trình cầu đã được trao tặng cho bà con tại nhiều địa phương: 9 cây cầu tại thị xã Tân Châu, 16 cây cầu tại huyện Tri Tôn, 7 cây cầu tại huyện Tịnh Biên thuộc tỉnh An Giang, 12 cây cầu tại thị xã Kiến Tường, 9 cây cầu tại Mộc Hóa thuộc tỉnh Long An...

Tại buổi lễ khánh thành 9 cây cầu tại huyện Mộc Hóa vào giữa tháng 12 vừa qua, ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hoá cho biết: “Các cây cầu được đưa vào sử dụng đã giúp địa phương từng bước hoàn thành mục tiêu xoá bỏ, thay thế cầu tạm, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại cũng như vận chuyển hàng hoá của nhân dân. Đặc biệt là giúp cho các em học sinh đến trường an toàn vào mùa nước nổi. Bên cạnh đó, những công trình này còn củng cố hệ thống giao thông kết nối với tuyến đường tuần tra biên giới, tạo thế phòng thủ liên hoàn nơi biên cương”. Đó cũng chính là ý nghĩa của tất cả các công trình thuộc Chương trình Cầu Nông thôn -
Tạp chí Nông thôn Việt.

Thêm một điểm nhấn của Chương trình trong năm nay, đó là đã mở rộng địa bàn đến các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Cụ thể, 2 cây cầu dân sinh tại huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định do Tập đoàn Bamboo Capital tài trợ với tổng vốn đầu tư hơn 3,3 tỷ đồng đã được xây dựng. Ngoài ra, công tác khảo sát tại một số huyện thuộc tỉnh Đắk Nông cũng đã được thực hiện.

Chung sức, đồng lòng

Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay, đã có hơn 230 công trình cầu/cống thuộc Chương trình Cầu Nông thôn - Tạp chí Nông thôn Việt được đưa vào sử dụng. Mỗi cây cầu được hình thành không chỉ giảm bớt khó khăn cho người dân, gỡ mối trăn trở cho lãnh đạo địa phương mà còn là mang lại niềm phấn khởi cho các mạnh thường quân. Ấn tượng với những giá trị mà các công trình cầu mang lại, ông Nguyễn Hồ Nam - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bamboo Capital - một trong những đơn vị đồng hành cùng Chương trình Cầu Nông thôn cho rằng đây chính là động lực để doanh nghiệp tiếp tục chung tay với các địa phương thực hiện các hoạt động an sinh xã hội.

Ông Trần Dương - Phó TGĐ Tập đoàn Tân Tạo, một trong những doanh nghiệp tài trợ xây dựng cầu, cống trên tuyến đường về biên giới Giồng Két (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) từng bày tỏ rằng nụ cười và niềm vui của bà con ở hai bên tuyến đường là sự động viên vô cùng to lớn đối với ông và các nhà tài trợ.

Những ngày giữa tháng 03/2020, trực tiếp đi tham quan các cây cầu mới trong ngày khánh thành, ông Nguyễn Minh Hiếu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công viên Sài Gòn Silicon - đơn vị tài trợ 5 tỉ đồng để xây dựng các công trình cầu trên địa bàn thị xã Kiến Tường đã bày tỏ sự xúc động khi được chứng kiến những cây cầu hiện hữu, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông cho bà con. “Chúng tôi rất vui khi chỉ sau một thời gian ngắn, từ số tiền đặt trên bàn giờ đã trở thành những cây cầu nối liền những vùng miền ở địa phương”. - Ông Nguyễn Minh Hiếu chia sẻ.

Trân quý tấm lòng của các nhà tài trợ, nhất là khi các đơn vị này dù phải đối mặt với thiệt hại do Covid-19 vẫn cố gắng tham gia công tác xã hội, chia sẻ khó khăn với người dân vùng quê nghèo, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang luôn dặn dò các địa phương phải sử dụng nguồn tài trợ sao cho mang lại hiệu quả cao nhất; các công trình sau khi hoàn thành phải được bảo quản, duy tu thường xuyên. Đặc biệt, để phát huy hiệu quả của các công trình, địa phương cần chú trọng quy hoạch hệ thống đường giao thông trên địa bàn nhằm tạo sự kết nối liên hoàn, đồng bộ.

Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành 9 cây cầu tại huyện Mộc Hóa.
Các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khánh thành 9 cây cầu tại huyện Mộc Hóa.

Hàng trăm cây cầu đã hoàn thiện, hàng chục công trình đang thi công, những chuyến đi khảo sát vẫn được tổ chức đều đặn... là kết quả đáng tự hào của một Chương trình thiện nguyện mới hơn 4 tuổi. Thế nhưng nhu cầu về cầu, cống tại các địa phương vẫn còn rất nhiều. Dù vậy, chúng tôi tin rằng với sự ủng hộ của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các mạnh thường quân, những người thực hiện Chương trình sẽ luôn “chân cứng đá mềm” để tiếp tục xây nên những nhịp cầu mớI.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất