, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 09/11/2017, 15:52

Chuyện "chôn nhau cắt rún" ở Vĩnh Kim, Tiền Giang

 

1.
Những lón phù sa sông Tiền tạo nên vùng đất trù phú Vĩnh Kim và vùng đất trù phú đó, là vương quốc của vú sữa Lò Rèn làm rạng danh xứ sở.
 
Ngoại của tôi, người chính gốc Vĩnh Kim; mặc dầu đấng sanh thành, tổ tiên dòng họ thuộc dân miền Quảng Ngãi. Ngoại thường kể chuyện xưa, chuyện của những lưu dân rời bổn quán tới vùng châu thổ sông Tiền khai hoang, lập điền. Ngoại nói:
 
- Thời trước, hai họ Lê Văn (1) và Lê Công (2) có công khai phá, tụ dân dựng làng...Dẫu cuộc sống có ‘’ba chìm bảy nổi’’, thì người dân nơi nầy vẫn giữ ‘’tình làng nghĩa xóm’’, nương nhau mà chung sống.
 
Bởi, họ hiểu rằng, thời có lúc thịnh lúc suy; cũng như, sông có khúc người có lúc!
 
Nghe ngoại nói, đêm nằm ngẫm nghĩ, tôi giựt mình: ‘’Vĩnh Kim khác nào như trái châu, được Bàng Long và Long Hưng như hai con rồng chầu. Lại nữa, còn được Song Thuận và Đông Hòa chờ phụng lịnh. Đó là, chưa kể con sông Sầm, một chi lưu của con sông Tiền, mang nước tưới đất phì nhiêu làm tốt tươi ruộng vườn, sản sinh hào kiệt...’’.
 
Một hôm, dì Bảy ghé thăm và sẵn dịp, hỏi ý kiến ngoại có nên phá vườn vú sữa để trồng bưởi Da Xanh hay không? Ngoại chậm rãi nói:
 
- Cái gì có lợi trước mắt, ắt sẽ có hại về sau! Nghề làm vườn, hay nói chung làm nghề nông trong một nước còn nghèo, nền nông nghiệp lạc hậu và manh mún thì tất nhiên “trúng mùa giá thấp, thất mùa giá cao’’ là lẽ sự thường.
 
Ngoại khuyên dì Bảy chí thú một nghề, bởi: ‘’Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”!
 
Hóng chuyện, tôi phục ngoại sát đất! Thiệt không hổ danh ngoại từng là nữ sinh trường Áo tím Sài Gòn (3).
 
- Thảo! Con đâu rồi, vô cho ngoại mượn một chút, coi!
 
- Dạ! Con đây, nè!
 
Ngoại mượn tôi ra hầm rọng cá, bắt cá trê vàng cặp gắp nướng than dừa, dầm nước mắm gừng...mời cơm dì Bảy.
 
- Dạ thôi, mợ Hai! Cháu đang bị chột bụng, ‘’Tào Tháo rượt’’...
 
Dì Bảy cố từ chối, ngoại nài nỉ cho bằng được.
 
- Tưởng chuyện gì, chớ chuyện ‘’Tào Tháo rượt’’ thì dễ ợt!
 
Ngoại quay qua tôi, biểu:
 
- Con ra vườn, cặp mé rào, bứt một mớ lá mơ cho ngoại.
 
- Để chi ngoại?
 
- Thì, để ngoại mần chả hột vịt cho dì Bảy ăn ‘’đuổi Tào Tháo’’!
 
Bầy chim sáo đáp sân, nhí nhố gọi nhau.
 
Cơm nước xong, mợ cháu nằm chuyện vãn!
 
- Thằng Tây thực dân nó khôn đáo để, mở lộ giao thông (4), đào kinh ‘’dẫn thủy nhập điền’’ nhằm khai thác ‘’cạn tàu ráo máng’’ xứ thuộc địa. Cũng có thể, chúng tìm cách phá Long mạch đất Vĩnh Kim?
Dì Bảy tâm tư với ngoại.
 
- Thì, chúng đã từng phá rồi đó! Phá tan nát chợ Giữa bằng hằng loạt bom do máy bay thả xuống giữa chợ (5) và tiến hành bắt bớ dân Vĩnh Kim (6). Nhưng, Vĩnh Kim không bị khuất phục, vẫn tồn tại và tràn đầy sức sống...
 
Ngoại chưa nói hết lời, dì Bảy nôn nóng, hỏi tắt ngang:
 
- Cái gì làm nên điều kỳ diệu đó, mợ Hai?
 
- Chôn nhau, cắt rún!
2.
Lệ thường, như một quy ước bất thành văn có từ lâu đời ở Vĩnh Kim: ‘’Con gái lấy chồng, chuẩn bị sinh con so đầu lòng, mẹ đẻ rước về cho con khai hoa nở nhụy và nuôi dưỡng’’. Đương nhiên, nhau thai và cuống rún rụng của đứa con so đó, được chôn sâu trong lòng đất quê mẹ.
 
- Đây là, điều tạo nên sự kỳ diệu mà trên trái đất nầy, không phải nơi nào cũng có. Thằng Tây làm sao hiểu thấu đáo minh triết của người Việt!
 
Ngoại nhắc để dì Bảy nhớ.
 
Dì Bảy đã trải qua mấy lửa, sinh mấy lứa con, thì sao không rành thai nhi được nuôi qua bộ phận tích lũy chất dinh dưỡng, thường gọi là nhau. Và, nhau nối với thai nhi qua rún. Lúc con chào đời, phần nhau thai tách ra ngoài, phần nhỏ ở rún gọi là cuống rún. Đôi ba ngày sau, cuống rún rụng.
 
Dì Bảy nhớ lại: ‘’Hồi dì đẻ con so, má dì chọn thế đất an lành, rồi cúng tam sanh, gồm có con tôm, quả trứng gà, miếng thịt heo luộc...biểu tượng Trời - Đất - Nước để khấn vái và xin Thổ Thần cho phép chôn nhau thai và cuống rún rụng. Đồng thời, nhờ Thổ Thần giúp cất giấu và gìn giữ cái đã từng nuôi sống thai nhi từ khi còn nằm trong bụng mẹ’’.
 
Dì Bảy bùi ngùi:
 
- Người ta không thể quên nơi ‘’chôn nhau cắt rún’’, có lẽ là vậy!
 
Kể chuyện cũ, ngoại nói:
 
- Vĩnh Kim từng xuất hiện ‘’Lục hiền’’ (7), có gánh hát Đồng Nữ Ban của cô Ba Viện (8)...
 
Tôi chèn lời:
 
- Con nghe người lớn nói: Vĩnh Kim là ‘’đất học’’, là làng tiến sĩ, có thiệt không ngoại?
 
Ngoại cười, nụ cười của bậc đại thọ đã qua ngưỡng chín mươi, nhớ rành rành chuyện trong làng ngày cũ, như rành rẽ chuyện trong lòng bàn tay.
 
- Người lớn nói, chắc chẳng sai!
 
Rồi, ngoại ngồi kể vanh vách, hết tiến sĩ nầy, tới tiến sĩ nọ (9).
 
Chiều ngả màu già lam, tiếng chuông chùa ngân nga trong thinh không và dường như, xua tan mùi trần tục.
 
Bây giờ, tôi mới hiểu vì sao người ta khó có thể bỏ quê nhà mà ra đi và nếu như, phải bỏ quê nhà mà ra đi, thì chắc gì người ta không ngậm ngùi thương, không thổn thức nhớ cố hương, một khi sống lạc loài nơi đất khách quê người! Và, phải chăng, ‘’Long mạch’’ của mỗi vùng trên đất nước, chính là tập tục ‘’chôn nhau cắt rún’’?
 
Ngoại thường nói:
 
- Ai bao nỡ ăn ‘’nhau - rún’’ của mình! Và, nhẫn tâm vứt bỏ nơi cất giấu, giữ gìn ‘’nhau - rún’’!
 
Lời của ngoại, khiến tôi liên tưởng, ngộ ra điều tại sao, người Vĩnh Kim nói riêng và nói chung, người Việt gọi Mẹ là Tổ quốc, gọi đất nước là đất nước tôi!
 
Đương suy nghĩ miên man, tôi chợt nghe dì Bảy nói với ngoại:
 
- Hay thiệt, mợ Hai! ‘’Tào Tháo’’ đã ngưng rượt cháu.
 
Chẳng nghe tiếng ngoại trả lời, chỉ nghe tiếng dì Bảy:
 
- Không biết, chả lá mơ xắt nhiễn chưn hột gà, hay câu chuyện ‘’chôn nhau cắt rún’’ đã khiến ‘’Tào Tháo’’ thối lui!?
 
Tôi nghĩ nhiều về những gì ngoại nói; trong đó, tôi không thể nào quên lời ngoại dạy: ‘’Gốc rễ có bền thì tâm mới vững’’. Nhau thai và cuống rún rụng không được chôn cất ở quê nhà, thì lấy gì tiếc thương nơi đã từng nuôi dưỡng!
 
- Thảo ơi! Con xuống bến lấy xuồng đưa giúp dì qua rạch.
 
Tiếng ngoại chìm trong xóm đã đỏ đèn!
 
Cao Thị Hoàng
 
......................................................................
(1) Lê Văn Hiếu (người làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) là ông nội của Lê Văn Duyệt (Tả quân Tổng trấn Gia Định Thành) đến khai phá vùng Trà Lọt, Cái Bè. Sau khi ông mất, cha của Lê Văn Duyệt là ông Lê Văn Toại dời sang làng Hưng Long (vùng Rạch Gầm) sinh sống.
 
(2) Lê Công Giám (người làng Kim Sơn, Quảng Ngãi) được cử làm Trùm Cả do có công lập làng Kim Sơn (tên của quê cũ) trên vùng đất Sầm Giang. Tương truyền, ông là cha của Kỳ sĩ đất Sầm Giang Lê Xuân Giác (giúp Nguyễn Huệ đánh tan quân Xiêm ở Rạch Gầm - Xoài Mút, 1785).
 
(3) Trường nữ Trung học Gia Long, nay là Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM).
 
(4) ‘’...Tỉnh lộ 25 đi men theo sông Tiền từ Mỹ Tho lên Xoài Hột, Rạch Gầm ngày nay là con đường phụ, song dưới thời Pháp thuộc nó là con đường huyết mạch trong hệ thống đường lộ ở Đông Dương. Thời ấy, xe cộ từ Sài Gòn muốn xuống Cai Lây, Cái Bè chỉ có thể đi theo con đường này lên Mỹ Thuận Đông, Mỹ Thuận Tây (Song Thuận) vô chợ Giữa (Vĩnh Kim), theo lộ Chim Chim ra Bình Đông, Bình Hòa Đông (Đông Hòa). Khoảng năm 1926, đào kênh Lacombe (kênh Nguyễn Tấn Thành nay). Cầu Long Định bắc qua kênh này và đoạn lộ Đông Dương được nắn lại’’.(trích ‘’Giao thông ở Mỹ Tho thời Pháp thuộc 1858-1945’’ tác giả Nguyễn Thanh Lợi).
 
(5) Sáng ngày 5.12.1940 (chợ Giữa đang họp chợ), Pháp ném bom giết chết và bị thương khoảng 200 người dân.
 
(6) ‘’Từ ngày 3 đến 5 tháng 12 năm 1940, thực hiện mệnh lệnh số 1, đã bắt 400 người. Từ ngày 6 tháng 12 đến cuối tháng 12 năm 1940, bắt thêm 2.500 người’’ (Theo báo cáo của Dufons, chủ tỉnh Mỹ Tho).
 
(7) Trần Năng Liễu (ông ngoại của bà Đoàn Thị Giàu, phu nhân cụ Tôn Đức Thắng), Trần Thượng Xuyên, Dương Văn Tùng, Nguyễn Chi Dao, Huỳnh Văn Túc, Trần Quang Diệm (ông nội của GS Trần Văn Khê).
 
(8) Năm 1927, tại Vĩnh Kim (tỉnh Mỹ Tho, nay là tỉnh Tiền Giang) có gánh hát của bà Trần Ngọc Viện (cô ruột của GS Trần Văn Khê).
 
(9) Tiến sĩ Phan Hiến Đạo (đậu tiến sĩ năm 1856, đời vua Tự Đức), PGS. TS Nguyễn Tấn Phát, PGS. TS Phạm Đình Hùng, Viện sĩ GS Trần Văn Khê, GS.TS Trần Quang Hải (con trai Viện sĩ Trần Văn Khê), GS.TS Trần Văn Nam (nhạc sĩ), TS Ngô Kiều Nhi và TS. Ngô Kiều Oanh (hai cô con gái của Bộ trưởng Ngô Tấn Nhơn), BS Trần Nam Hưng, BS Trần Khải Siêu và BS Trần Hữu Di (ba người con trai của ông Trần Năng Liễu, tự Bái Liễu), TS Lâm Chí Hùng, TS Phạm Xuân Quang...
 

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất