, //, :: GTM+7

Cây hành, cây tỏi làm giàu cho dân Kinh Môn

THÙY DUNG
Với hơn 3.800ha trồng hành, tỏi, thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) được xem là "thủ phủ" hành, tỏi của cả nước. Theo người dân địa phương, do được trồng trên vùng đất có thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp nên hành, tỏi Kinh Môn không chỉ có “ngoại hình ưa nhìn”, chắc mẩy, mà còn sở hữu hương vị thơm ngon đặc trưng. Người nông dân vùng Kinh Môn cũng tự hào có nhiều kinh nghiệm trồng hành, tỏi bởi nghề này đã gắn bó với họ hàng chục năm nay.
Nông dân thu hoạch hành, tỏi.

Làm giàu từ đặc sản

Vào những ngày cuối tháng Giêng, tại xã Bạch Đằng - vùng trồng hành, tỏi lớn nhất của thị xã Kinh Môn, hành, tỏi phơi phủ kín hai bên đường. Ông Tiên Quang Thành (đội 13, thôn Kim Lôi, xã Bạch Đằng) vui vẻ cho biết năm nay mỗi sào hành, tỏi cho thu hoạch từ 5 - 6 tạ, trừ hết chi phí sẽ thu được khoảng 10 triệu đồng. Trồng hành, tỏi chỉ mất 3,5 - 4 tháng, nhưng tính ra thu 1 sào hành bằng 1 mẫu lúa…

Gia đình ông Thành có 4 khẩu, với 2 vụ lúa, 1 vụ hành, tỏi mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người được trên 70 triệu đồng. Cũng theo ông Thành, trước đây mỗi hộ chỉ có 1 - 2 sào hành, tỏi, nhưng hiện nay nhà nào cũng vài mẫu.

Xã Bạch Đằng được công nhận là xã đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2014. Năm 2019, xã tiếp tục được công nhận là xã Nông thôn mới nâng cao và sau đó là Nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022. Đây là xã đầu tiên của thị xã Kinh Môn đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu và là lá cờ đầu trong phong trào xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hải Dương. Năm 2022, thu nhập bình quân của xã đạt trên 75 triệu đồng/người/năm, cao hơn gấp 2,8 lần so với thời điểm xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (26 triệu đồng/người năm 2014). Đặc biệt toàn xã không có hộ nghèo, tỷ trọng lao động có việc làm thường xuyên đạt 96,7%…

Tại xã Lạc Long, không khí khẩn trương thu hoạch cũng lan khắp các cánh đồng trồng hành, tỏi. Vừa luôn tay làm việc, ông Nguyễn Văn Chiến vừa chia sẻ: “Nhà tôi trồng gần 2 mẫu hành. Từ cuối tháng 12 năm ngoái đến hết tháng 1 năm nay, hành tươi có giá khoảng 25 - 27 nghìn đồng/kg, cao gấp 3 lần năm ngoái. Được giá nên chúng tôi rất phấn khởi”.

Có thể nói, hành, tỏi đã trở thành “cây làm giàu”, đem lại thu nhập cao cho người dân Kinh Môn. Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, tổng thu nhập bình quân từ trồng hành dao động từ 10 - 15 triệu đồng/sào (275 - 415 triệu đồng/ha). Có thời điểm 1 sào hành cho thu nhập từ 18 - 23 triệu đồng. Lãi thuần từ trồng hành ước đạt 6 - 10 triệu đồng/sào (tương ứng 170 - 270 triệu đồng/ha).

Hành, tỏi Kinh Môn chắc mẩy, có hương vị đặc trưng.

Còn nhiều trăn trở

Hành, tỏi Kinh Môn đã được tiêu thụ rộng trên khắp cả nước, là niềm tự hào của người dân Kinh Môn. Đây cũng là loại nông sản mang lại nguồn thu chính cho nhiều hộ dân ở địa phương này. Tuy nhiên, những người nông dân trồng hành, tỏi vẫn luôn thấp thỏm mỗi khi đến vụ thu hoạch, trăn trở lớn nhất của họ vẫn là đầu ra ổn định cho sản phẩm… bởi hiện nay phần lớn vẫn phụ thuộc vào thương lái. “Bà con nông dân chúng tôi rất mong có được đầu ra ổn định để không bị thương lái ép giá” – ông Tiên Quang Thành (xã Bạch Đằng) bộc bạch.

Năm 2017, hành, tỏi Kinh Môn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận “Nhãn hiệu tập thể”. Trong số các sản phẩm OCOP của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận, có tới 7 sản phẩm đều từ thế mạnh cây hành, tỏi của Kinh Môn. Trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, đó là tỏi đen Vietkiga, rượu tỏi và 5 sản phẩm 3 sao, gồm tỏi mật, vang tỏi đen Vietkiga, siro tỏi đen Vietkiga, hành khô Kinh Môn, tỏi khô Kinh Môn. Hành, tỏi đã góp phần tạo nên một thương hiệu nức tiếng trên cả nước cho vùng đất Kinh Môn. Thế nhưng, có lẽ vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của loại đặc sản này.

Phơi hành, tỏi.

Trong phòng làm việc của ông Trương Đức San - Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Kinh Môn - có trưng bày một củ tỏi khá to được ông mang từ Nhật Bản về. “Giá của củ tỏi này quy ra tiền Việt khoảng 60 - 70 nghìn đồng, trong khi tỏi của Kinh Môn chất lượng rất tốt nhưng có thời điểm giá chỉ khoảng 15 - 17 nghìn đồng/kg” - ông Trương Đức San trăn trở.

Ông San cũng cho biết, địa phương đã làm việc với doanh nghiệp Nhật Bản để hợp tác phát triển cây tỏi Kinh Môn chất lượng cao. Họ đã mang giống tỏi cêdirda của Nhật về Việt Nam trồng và lấy giống tỏi của Việt Nam trồng kiểm nghiệm bên Nhật Bản, đồng thời hỗ trợ nông dân về khoa học công nghệ trong sản xuất. Nếu tỏi Việt Nam trồng đạt tiêu chuẩn của Nhật thì họ sẽ ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Như vậy, người dân Kinh Môn có thể xuất khẩu tỏi sang Nhật Bản.

Mọi thứ vẫn đang ở bước khởi đầu, mong rằng, một ngày không xa, hành, tỏi Kinh Môn sẽ khẳng định được thương hiệu ở thị trường quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa cho người dân huyện Kinh Môn.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất