, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 18/08/2022, 15:00

Chuyển đất lúa thiếu nước vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối

PHAN VIỆT TOÀN
(nongnghiep.vn)
Đất lúa không chủ động nước tưới, bỏ hoang trong vụ hè thu được chuyển sang trồng ngô sinh khối, được doanh nghiệp bao tiêu, cho thu nhập cao gấp 3 lần lúa trước đây.
Dù mới vụ đầu triển khai và gặp nhiều bất lợi thời tiết, nhưng mô hình đã thành công ngoài mong đợi. Ảnh: Việt Toàn.

Khuyến nông và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Vụ hè thu, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do không đủ nước tưới nên hàng ngàn ha lúa bị bỏ hoang. Để chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng các cây trồng cạn trong vụ hè thu, những năm qua, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã xây dựng và chuyển giao các mô hình trồng ngô lấy hạt, đậu xanh và dưa hấu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. 

Đây là những mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, tránh tình trạng bỏ phí đất sản sản nông nghiệp, tiết kiệm nguồn nước tưới trong vụ hè thu, tăng hệ số sử dụng đất. 

Vụ hè thu 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình chuyển đổi trên đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối trên cơ sở liên kết cùng Công ty Cổ phần Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Công ty Thương mại Quảng Trị) tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tại xã Phong Bình và xã Linh Trường của huyện Gio Linh.

Mô hình được triển khai ở thôn Lễ Môn (xã Phong Bình) và các thôn Ba De, Cu Đinh (xã Linh Trường) với quy mô 10ha, sử dụng giống ngô biến đổi gen NK7328 BT/GT có thời gian sinh trưởng ngắn, từ 75 - 80 ngày, với 70 hộ tham gia. Để triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ dân tham gia mô hình xã Phong Bình 50% và xã Linh Trường 70% giống, phân bón và thuốc BVTV; Công ty Thương mại Quảng Trị cho người dân ứng trước 50% phân hữu cơ, cuối vụ khi thu hoạch ngô sẽ đối trừ. Để thực hiện đúng quy trình trồng ngô sinh khối, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn với 60 người tham gia, cử 2 cán bộ bám sát mô hình, từ làm đất, gieo hạt đến chăm sóc phòng trừ sâu bệnh...

Chuyển đất bỏ hoang trồng ngô sinh khối vừa tăng hệ số sử dụng đất, tạo việc làm, thu nhập đáng kể cho bà con. Ảnh: Việt Toàn.

Kỹ sư Trần Xuân Lộc (Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị) cho biết, mô hình triển khai với lượng giống bình quân 20kg/ha, mật độ khoảng 8 - 9 vạn cây/ha. Việc triển khai mô hình gặp không ít khó khăn do thời tiết đầu vụ hè thu 2022 diễn biến phức tạp; khoảng thời gian trước và sau khi gặt lúa đông xuân mưa dài ngày, ruộng bị ngập nước, làm chậm tiến độ gieo trồng khoảng 15 - 20 ngày so với dự kiến ban đầu.

Thời gian gieo tập trung tại xã Linh Trường từ 25/5 - 30/5, xã Phong Bình từ 06 - 07/6/2022. Tại xã Linh Trường, các hộ dân tham gia mô hình là đồng bào thiểu số nên khó khăn trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và triển khai xây dựng mô hình.

Mặc dù vậy, qua quá trình triển khai trồng cho thấy, ngô sinh trưởng phát triển nhanh, quá trình tăng trưởng chiều cao, đường kính thân, chiều dài lóng, tốc độ ra lá, kích thước lá... tăng mạnh trong khoảng thời gian sau khi kết thúc mọc mầm đến khi ổn định bộ lá, góp phần tăng năng suất sinh khối. Ngoài yếu tố lá phát triển nhanh, số lá xanh/cây có khả năng tồn tại từ khi lá xuất hiện đến khi thu hoạch chiếm tỉ lệ cao (xấp xỉ 86,2%) so với tổng số lá của cây, góp phần tăng năng suất sinh khối.

Hướng mới cho đồng bào thiểu số

Chị Hồ Thị Cọt ở thôn Ba De (xã Linh Trường) phấn khởi cho biết: Những năm trước, khi chưa có mô hình trồng ngô sinh khối, diện tích đất lúa trong vụ hè thu của gia đình chị và các hộ dân đồng bào dân tộc Vân Kiều ở đây phải bỏ hoang, không trồng cây gì cả, phụ nữ trong thôn phải đi bóc vỏ tràm để kiếm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày.

Vụ hè thu năm nay, bà con người Vân Kiều ở xã Linh Trường (huyện Gio Linh) không còn phải đi làm thuê, vẫn kiếm được nguồn thu tốt nhờ trồng ngô sinh khối. Ảnh: Việt Toàn.

Nhưng năm nay, được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ xây dựng mô hình, chị cùng bà con quyết tâm làm và đã thành công. Đứng trên đồng ngô đang thu hoạch, chị Cọt vui vẻ nói: “Trồng ngô sinh khối khỏe hơn nhiều so với đi bóc tràm. Bà con Vân Kiều mình làm theo kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, thấy ngô lên xanh tốt, giờ cho thu hoạch, bán có tiền mua gạo, mua thức ăn, mình mừng lắm. Nhờ cán bộ khuyến nông bày cho, giờ bà con ở đây đã biết cách trồng ngô trên đất lúa thiếu nước rồi, vụ hè thu sang năm, gia đình mình sẽ tiếp tục làm trên ô ruộng này và mở rộng ra mấy ô ruộng còn lại”.

Ông Lê Nhật Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Linh Trường cho biết, mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu sang trồng ngô sinh khối, có liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị triển khai trong vụ hè thu 2022 đã có tác động quan trọng trong việc thay đổi tập quán sản xuất cho người dân Vân Kiều nơi đây.

Mô hình cũng sử dụng phân hữu cơ vi sinh nhằm giảm chi phí, tăng độ màu mỡ, tạo môi trường thuận lợi cho cây ngô sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao năng suất sinh khối, tăng chất lượng sản phẩm xanh và hiệu quả kinh tế.

Công ty Thương mại Quảng Trị đánh xe thu mua ngô sinh khối tận ruộng với giá cao cho bà con. Ảnh: Việt Toàn.

Qua quá trình triển khai cho thấy, giống ngô biến đổi gen NK7328 BT/GT có thời gian sinh trưởng ngắn, phù hợp gieo trồng trên đất lúa thiếu nước trong vụ hè thu. Giống ngô này chịu hạn mức độ trung bình, chịu úng kém, có khả năng phát triển tốt trong điều kiện thâm canh cao, đặc biệt bộ phận thân lá phát triển mạnh nên cho năng suất sinh khối cao, đây là yếu tố góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế.

Đặc biệt, mô hình có sự liên kết với Công ty Thương mại Quảng Trị thu mua ngô sinh khối ngay tại ruộng cho bà con với giá 1.000 đồng/kg (chặt ngang gốc cây). Dự kiến, năng suất ngô sinh khối tại xã Linh Trường đạt 55 tấn/ha và 66 tấn/ha tại xã Phong Bình, cho thu nhập từ 55 - 65 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 25 triệu/ha.

Ông Bùi Ngọc Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Bình đánh giá: Hiệu quả kinh tế của mô hình chuyển đổi đất lúa thiếu nước sang trồng ngô sinh khối ở vụ hè thu, có liên kết tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị triển khai trong vụ hè thu 2022 là rất lớn, so với cây lúa trong vụ hè thu trên địa bàn xã thì hiệu quả kinh tế mang lại gấp 3 lần.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị tới thăm kết quả mô hình, cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ nhân rộng thời gian tới. Ảnh: Việt Toàn.

Đây là sự tin tưởng lớn để thời gian tới, chính quyền địa phương và người dân xã Phong Bình tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình. “Định hướng thời gian đến, trên cơ sở hiệu quả mang lại, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chỉ đạo các thôn, các tổ hợp tác để nhân rộng mô hình ra toàn xã”, ông Dương nói.

Ông Trần Cẩn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị cho biết: Mô hình chuyển đổi sản xuất trên chân đất trồng lúa không chủ động nước tưới, năng suất thấp sang trồng ngô sinh khối, có liên kết tiêu thụ sản phẩm sẽ tạo được bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay cho địa phương.

Trên cơ sở kết quả đạt được của mô hình, trong thời gian đến, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục phối hợp cùng Công ty Thương mại Quảng Trị xây dựng nhiều mô hình liến kết bao tiêu sản phẩm cho người dân và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất