, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 25/02/2022, 11:05

Chuyện đình thần rừng muỗi

VÕ QUỐC VIỆT
Văn hóa làng xã là hệ văn hóa bản địa, có ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức Việt. Và trong hệ văn hóa ấy, không thể thiếu biểu tượng tín ngưỡng quan trọng: đình làng.

Khoảng năm 1820, làng Tân Mỹ (nay thuộc ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) được xác lập trong địa bạ triều Nguyễn là một trong 74 thôn, phường của tổng Long Hưng huyện Tân Long thuộc phủ Tân Bình tỉnh Gia Định. Cư dân trong làng được cho là đã đến vùng đất này từ cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Theo ghi chép của làng, họ Nguyễn và họ Võ là hai dòng họ đến vùng đất này từ thuở ban đầu, trong đó, ông Nguyễn Văn Miêng và Võ Văn Sót là hai người có công khai khẩn, mở làng. Trong quá trình khẩn hoang, nhận thấy giữa vùng đầm lầy bưng trấp toàn cỏ năn, cỏ lác có khu gò cao, hai ông đã cùng dân làng đem nhiều loại gỗ quý (sao, dầu) và cây ăn quả trồng ở đó. Cây cối phát triển dần thành rừng. Chim chóc, thú hoang và đặc biệt là muỗi mòng tụ về nhiều vô số kể. Dựa vào đặc điểm ấy, dân làng gọi khu rừng là rừng Muỗi.

Đình rừng muỗi, nơi gửi gắm niềm tin của lưu dân

Những bậc cao niên ở làng Tân Mỹ vẫn kể với con cháu rằng chính ông Nguyễn Văn Viễn, con trai ông Nguyễn Văn Miêng, là người khởi xướng việc dựng đình Rừng Muỗi để làm nơi thờ phượng cho cả làng. Đời sống của lưu dân khẩn hoang luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, dân làng cần một nơi để thờ cúng thần linh, để họ có thể gửi gắm niềm tin và cầu xin sự che chở. Đình làng dựng xong, hàng trăm năm qua, cùng với dân làng, ông Võ Văn Sót và lần lượt là các thế hệ con cháu của ông Sót đã lo việc coi sóc, thờ cúng cho đến tận ngày nay.

Theo “Lý lịch di tích đình Rừng Muỗi” của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Long An, ban đầu đình được xây dựng khá thô sơ trên vùng đất cao nhất của rừng Muỗi. Đến giữa thế kỷ 19, cuộc sống dân làng cơ bản ổn định, đình được xây dựng lại kiên cố và quy mô hơn với 3 gian sát nhau, gồm võ ca, chánh điện và nhà bếp, được lát gạch Tàu, mái lợp ngói âm dương, cột bằng gỗ quý. 

Trước đình, giữa có bệ thờ ông Cọp, tả hữu là miếu thờ Thần Nông và Cửu Thiên Huyền Nữ. Hàng năm, hương chức và dân làng tổ chức cúng đình long trọng, việc cúng tế bài bản theo đúng tín ngưỡng truyền thống, gồm lễ Khai Sơn (mùng 7 tháng Giêng), Kỳ Yên (ngày 16, 17, 18 tháng Giêng), Cầu Bông (mùng 9 tháng Mười) và lễ cúng Thần Nông, Cửu Thiên Huyền Nữ, Thần Hổ… Trong đó, lễ Kỳ Yên được tổ chức long trọng nhất.

Đình Rừng Muỗi và công cuộc chống ngoại xâm

Thời kháng chiến chống Pháp, đình Rừng Muỗi là nơi tụ họp, bàn bạc kế hoạch chống giặc. Không chỉ là căn cứ hoạt động của Ủy ban Kháng chiến Hành chính xã Tân Mỹ và Quận ủy Đức Hòa, đây còn là nơi trú đóng tạm thời của lực lượng kháng chiến quận Củ Chi. Tháng 04/1947, sau khi bị lực lượng kháng chiến phục kích tại ngã tư Tân Mỹ để chặn việc vận chuyển đường từ nhà máy đường Hiệp Hòa về Sài Gòn, lính Pháp cho quân bắn phá làng và đốt phá đình Rừng Muỗi. Lần thứ 4 ngôi đình được người dân Tân Mỹ xây dựng lại.

Đến thời chống Mỹ, đình Rừng Muỗi tiếp tục là nơi hội họp, liên lạc, là trạm trung chuyển vũ khí, lương thực,tiếp tế và nuôi chứa thương binh. Ngày 31/12/1961, tại đình thần Rừng Muỗi, Huyện ủy Đức Hòa tổ chức mít tinh phổ biến chính sách chủ trương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi đoàn kết chống đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai, thu hút trên 1.500 người tham dự. Trong chiến dịch Mậu Thân (1968), đình làng là nơi dừng chân của một số đơn vị vũ trang tỉnh trên đường tiến công vào Sài Gòn.

***

Cũng như bao đình làng khác trên khắp đất nước, đình Rừng Muỗi ra đời thuở ban sơ lập làng Tân Mỹ xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng bất diệt của người dân. Kể từ đó, đình chính là nguồn sức mạnh tinh thần quan trọng trong đời sống của dân làng, nơi bày tỏ tín ngưỡng và thể hiện rõ nhất bản sắc nhân nghĩa của cộng đồng dân cư thông qua việc thờ phụng, cúng tế rất trân trọng các vị thần linh, các bậc tiền hiền, hậu hiền. Không chỉ vậy, đình còn là điểm hội tụ văn hóa dân gian, là chứng nhân xuyên suốt quá trình hình thành, phát triển cũng như những dâu bể, phong ba mà làng đã trải qua trên hành trình của mình…

Không có sắc vua ban, chỉ dân làng tự lập, tự phong thần thờ phụng nhưng với người dân Tân Mỹ, đình Rừng Muỗi là nơi trang trọng, là hồn cốt quê hương không thể quên…

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất