, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 09/10/2021, 08:47

Chuyển đổi mô hình phòng chống dịch

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Về cơ bản, trên thế giới có hai mô hình phòng chống dịch: mô hình zero-Covid và mô hình sống chung an toàn với Covid. Trung Quốc, Triều Tiên, New Zealand và một vài nước khác theo mô hình thứ nhất. Các nước phương Tây và các nước còn lại theo mô hình thứ hai.
Hình minh họa.

Theo mô hình thứ nhất thì phải phát hiện các ca bệnh tức thì; truy vết và cách ly triệt để; dập dịch nhanh chóng để đạt được trạng thái zero-Covid. Theo mô hình thứ hai thì tìm mọi cách giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid, nhanh chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng, thực hiện các điều chỉnh cần thiết để sống chung an toàn với Covid.

Trong năm 2020, chúng ta đã phòng chống dịch rất gần với mô hình thứ nhất. Chúng ta đã phát hiện nhanh chóng các ca bệnh; truy vết, khoanh vùng và cách ly triệt để; dập dịch quyết liệt để đạt được trạng thái zero-Covid. Và thực tế là chúng ta đã thành công một cách khá ngoạn mục.

Tuy nhiên, vào giữa năm 2021, khi biến chủng Delta xuất hiện và lây nhiễm lan rộng trong cộng đồng, thì mô hình nói trên có vẻ ít còn phát huy tác dụng. Sự lúng túng, sự thiếu nhất quán và những tranh luận vô tận trên mạng xã hội phản ánh một thực tế là chúng ta đang mắc kẹt giữa hai mô hình phòng chống dịch. Quả thực, từ bỏ một mô hình đã mang lại thành công là khó khăn, nhưng càng theo đuổi nó, chúng ta càng hụt hơi, chi phí và tổn thất tăng cao, mà những chuyển biến thực tế thì vẫn chưa thấy rõ.

Phải chăng, đây là lúc chúng ta cần phân tích, đánh giá một cách khoa học, khách quan về việc năng lực kỹ thuật và năng lực tài chính, cũng như những tổn thất về kinh tế, xã hội có cho phép chúng ta tiếp tục theo đuổi mô hình cũ hay không?

Trước hết, phòng chống dịch theo mô hình zero-Covid là vô cùng tốn kém. Chi phí xét nghiệm trên diện rộng để bóc tách các ca F0, chi phí để chữa trị cho tất cả các ca F0 kể cả những người phát bệnh và những người không phát bệnh, chi phí để cách ly tập trung những người bị coi là F1, thậm chí F2… lớn đến mức không một ngân sách nào chịu nổi. Đó là chưa nói tới những tổn thất to lớn mà nền kinh tế phải gánh chịu do các lệnh phong tỏa cứng kéo dài. Sản xuất, kinh doanh bị đình đốn thì lập tức vấn đề an sinh xã hội và một loạt các vấn đề xã hội khác sẽ phát sinh. Hàng triệu người thất nghiệp sẽ là gánh nặng không chỉ cho an sinh, mà còn cả trật tự, an toàn xã hội.

Chính vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại và bảo đảm thành công, thời gian đã quá chín muồi cho việc điều chỉnh mô hình phòng chống dịch. Trước mắt, phải đẩy nhanh hơn nữa chiến dịch tiêm chủng và áp dụng triệt để hơn nữa công nghệ 4.0 cho công cuộc phòng chống dịch. Đây là điều mà theo mô hình nào thì cũng phải triển khai. Ngoài ra, cho dù không nhất thiết phải copy hoàn toàn mô hình của các nước thành công ở phương Tây, thì chắc chắn chúng ta vẫn cần phải duy lý và duy lý tối đa trong việc đề ra các giải pháp phòng chống dịch. Cần giãn cách thì giãn cách, cần phong tỏa thì phong tỏa, nhưng không bao giờ nên cực đoan trong các giải pháp của mình. Không thể cần phong tỏa một tổ dân phố, thì cứ phong tỏa cả nửa thành phố cho chắc ăn. Các giải pháp khác đề ra để phòng chống lây nhiễm cũng vậy. Chống lây nhiễm là để khống chế sự bùng phát làm cho ngành y tế bị quá tải, người bệnh không được cứu chữa kịp thời, chứ không phải để đạt được trạng thái zero-Covid. Cố gắng đạt được trạng thái zero-Covid không chỉ bất khả thi về mặt kỹ thuật, mà còn làm suy kiệt mọi nguồn lực và làm đổ vỡ nền kinh tế của chúng ta.

Cuối cùng, điều chỉnh mô hình phòng chống dịch cũng có nghĩa là đề ra và triển khai có hiệu quả các giải pháp để chúng ta có thể thích ứng với việc sống chung an toàn với Covid. Dưới đây là một vài trong những giải pháp như vậy:

1. Tìm mọi cách để có được nhiều vaccine hơn nữa và tiêm chủng đạt tỷ lệ cao hơn nữa;

2. Giảm tải các bệnh viện, các cơ sở y tế bằng cách cho các ca F0 không phát bệnh (các ca tự nhiễm, tự khỏi) được điều trị tại nhà. Có như vậy các thiết chế chăm sóc sức khỏe này mới có thể hoạt động bình thường;

3. Giải phóng các cơ sở cách ly tập trung bằng cách cho các ca F1 tự cách ly tại nhà. Chính quyền hướng dẫn và giám sát việc cách ly thay vì đứng ra tổ chức và điều hành các cơ sở cách ly;

4. Thực hành nghiêm ngặt giãn cách xã hội (giãn cách xã hội chứ không phải phong tỏa xã hội). Bảo đảm các hoạt động kinh tế xã hội diễn ra tương đối bình thường chỉ tránh tập trung đông người, tránh tiếp xúc trực tiếp, bảo đảm khoảng cách 2m trong mọi giao tiếp. Các giải pháp này nên để các chuyên gia về dịch tễ đề ra và điều chỉnh theo tiến độ và mức độ khống chế dịch bệnh cho phù hợp;

5. Nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân trong việc phòng chống dịch để người dân tự bảo vệ mình. Ví dụ, nghiêm chỉnh thực hành 5K, rèn luyện nâng cao sức đề kháng của cơ thể, không hoảng loạn và tuyệt vọng vì dịch bệnh…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Để mua được một chiếc ô tô trả góp, mức thu nhập hàng tháng phải cân đối được khoản chi trả. Nếu có thu nhập ổn định khoảng trên dưới 15 triệu đồng thì việc sở hữu một chiếc xế hộp là hoàn toàn có thể.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất