, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 21/03/2022, 09:00

Chuyển đổi số cho nông nghiệp

THIÊN NHƯ
(Theo foodnavigator, GSMA)
Dịch bệnh kéo dài trong hai năm qua đã tạo nên hàng loạt sự thay đổi trong nhận thức của cá nhân và doanh nghiệp đối với các vấn đề gắn liền với sự sống, trong đó có sản xuất nông nghiệp và cung cấp lương thực, thực phẩm.
Tự động hóa trong quy trình sản xuất, đóng gói. Ảnh: foodnavigator

Nông nghiệp thông minh - “vị cứu tinh”

Lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cung cấp lương thực trên thế giới nhìn nhận bước chuyển hướng đến một ngành nông nghiệp - thực phẩm thông minh là việc cần làm ngay. Ông Thomas Slaugh - Quản lý phát triển kinh doanh của Proagrica (thuộc tập đoàn RELX Group, nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ dữ liệu và kết nối trong lĩnh vực nông nghiệp) nhận định dịch bệnh đã tạo nên sự chuyển đổi trong tư duy. Trước đây, mọi người đều nhìn thấy những hạn chế trong chuỗi quy trình sản xuất thực phẩm chưa được tự động hóa nhưng chưa thể có những cải tiến mạnh mẽ. Giờ đây, khi dịch bệnh buộc các doanh nghiệp phải đối diện với thách thức lớn là phải đảm bảo nhu cầu thực phẩm lớn trong khi lao động bị hạn chế, thì việc tự động hóa chuỗi cung ứng được nhắc đến như là “vị cứu tinh”.

Miguel Lutz – Quản lý kinh doanh vùng của hệ thống Unifiller (công ty con của tập đoàn Linxis, công ty hàng đầu thế giới về thiết bị chuyên dụng cho ngành thực phẩm, dược phẩm và mỹ phẩm) chia sẻ: “Dịch bệnh khiến chi phí nhân công tăng lên. Bên cạnh đó, yêu cầu vệ sinh an toàn trong phòng chống dịch gây cản trở cho các hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa người lao động và thực phẩm. Do đó, nhu cầu tự động hóa trong quy trình sản xuất, đóng gói càng cao. Không chỉ các nhà sản xuất lớn mà các nhà sản xuất vừa và nhỏ cũng phải chuyển đổi, bắt kịp xu hướng này”.

Tự động hóa dây chuyển sản xuất thực phẩm giúp đáp ứng được yêu cầu và điều kiện trong dịch bệnh. Ảnh: foodnavigator

Cần một chiến lược toàn diện

Không chỉ gói gọn trong tự động hóa dây chuyền sản xuất, nông nghiệp kỹ thuật số còn là việc tận dụng công nghệ trong toàn bộ quy trình sản xuất. Nhắc đến nông nghiệp thông minh, cần nhắc đến những ứng dụng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain) giúp truy xuất nguồn gốc và minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Tư vấn số là cụm từ được nhắc đến trong môi trường kinh doanh mặt hàng thực phẩm từ năm 2020 đến nay. Ấn Độ có dịch vụ tư vấn số miễn phí về nông nghiệp có tên Ama Krushi (thuộc Cơ quan Nông nghiệp và Củng cố sức mạnh cho nông dân của bang Odisha). Dịch vụ này mang đến những kết nối trực tiếp giữa các thị trường, đưa ra những khuyến nghị về nông học thông qua hệ thống tin nhắn và hệ thống tổng đài trả lời tự động. Nông dân, doanh nghiệp dựa vào các thông tin cung cấp, tư vấn sẽ xác định được mình cần chuẩn bị gì cho thị trường, cần kết nối với ai để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Ảnh: foodnavigator

Đứng sau Ama Krushi là nhà cung cấp phi lợi nhuận PxD của Ấn Độ. Năm 2017, trung bình mỗi tháng PxD tiếp cận được 50.000 nông dân và đến thời điểm tháng 9/2020 (thời điểm nở rộ việc sử dụng Ama Krushi) là 1 triệu nông dân. PxD nhận định việc chuyển đổi số trong nông nghiệp cần một chiến lược toàn diện. Trong đó, ngoài việc phát triển công nghệ và kỹ thuật còn là cuộc đua phổ cập kiến thức số cho các đối tượng trực tiếp sử dụng ứng dụng, đó chính là nông dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất