, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/05/2024, 06:00

Chuyển đổi số trong nông nghiệp giúp giảm ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu

PHẠM HỒNG PHƯỚC

Người miền thôn quê bao đời nay mang tiếng oan do bị thiên hạ mặc định hễ là nông dân, là nông thôn thì “ô-tô-ma-tic” là nghèo nàn và lạc hậu. Trong khi đó, ngày nay nông nghiệp đã hiện đại, nông dân đã tiên tiến và nông thôn đã văn minh. Ngay cả những vùng xa xôi, hẻo lánh cỡ hốc bà tó, cũng đã ít nhiều có được ánh sáng văn minh hiện đại. Với mạng lưới kết nối Internet phủ rộng khắp, người nông dân không còn phải sống trong tình cảnh “ếch ngồi đáy giếng” hay bị giới hạn tầm nhìn bởi những lũy tre làng. Nông nghiệp Việt đã ứng dụng những công nghệ tiên tiến từ thế giới và nông sản Việt cũng đã xuất khẩu tới các thị trường năm châu bốn biển. 

Thật ra, chẳng có gì phải ngạc nhiên khi cả nước đang rần rần chạy đua trong công cuộc chuyển đổi số toàn diện quốc gia, vẫn có những người nghĩ rằng nông nghiệp cần gì phải chuyển đổi số.

Theo định nghĩa được FPT Digital chia sẻ: Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Điểm khác biệt cơ bản giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (Dữ liệu lớn – Big Data, điện toán đám mây - Cloud, Internet vạn vật - IoT…) vào toàn bộ hoạt động của ngành, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh.

Hai TS Nguyễn Thế Kiên và Trần Quý - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội - Viện Phát triển Kinh tế số Việt Nam, cũng định nghĩa: “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là quá trình thay đổi mô hình sản xuất lấy công nghệ làm nền tảng, ứng dụng công nghệ vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tận dụng tối đa các nguyên liệu, phế phụ phẩm, tái chế chúng thành các sản phẩm, tạo thành cơ chế tuần hoàn trong sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Đây chính là nội dung cốt lõi của phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng trong nền nông nghiệp tuần hoàn (circular agriculture)”.

Từ nông nghiệp truyền thống có tận thời cổ đại với “con trâu đi trước, cái cày theo sau”, canh tác nuôi trồng nông sản đã từng bước được hiện đại hóa bằng cách ứng dụng những thành tựu khoa học – kỹ thuật. Chuyện đó diễn ra từ lâu lắm rồi. Tới thời công nghệ thông tin, nông nghiệp cũng đã tham gia tin học hóa quy trình sản xuất và dữ liệu chuyên môn của mình. Từ cơ giới hóa, tự động hóa, nông nghiệp đã tiến hành kỹ thuật số hóa. Chỉ có điều, trước đây, những cái đó được tiến hành riêng rẽ và cục bộ. Còn bây giờ trong kỷ nguyên số, nông nghiệp chuyển đổi số đã ứng dụng các công nghệ số một cách toàn diện trên quy mô quốc gia kết nối quốc tế. Không chỉ là ứng dụng công nghệ số mà là cả nền tảng số.

Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang làm thay đổi mọi lĩnh vực cuộc sống trên thế giới, trong đó có nông nghiệp. Trong xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại ngày nay, nông nghiệp chính xác (precision agriculture) hay canh tác chính xác (precision farming) là một mô hình chủ chốt. Mục đích của nông nghiệp chính xác là ứng dụng công nghệ số để giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm tác động môi trường, nhưng vẫn sản xuất được các nông sản có chất lượng tốt hơn và sản lượng cao hơn.

Hội đồng Nghiên cứu và Khuyến khích Đậu nành bang Minnesota – MSRPC (Mỹ) cho biết: Trong nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp chính xác cho phép nông dân sử dụng công nghệ để tạo ra hệ thống quản lý dựa trên dữ liệu cụ thể về đất, cây trồng, chất dinh dưỡng, sâu bệnh hoặc năng suất. Nông nghiệp chính xác cho phép nông dân chính xác hơn và kiểm soát tốt hơn khi trồng trọt và chăn nuôi. Thay vì coi một cánh đồng là một điểm riêng rẽ, công nghệ này dành cho cả một địa điểm, giảm nhu cầu ứng dụng quá mức hoặc sử dụng sai sản phẩm hóa học trong nuôi trồng.

Các ví dụ khác về nông nghiệp chính xác bao gồm việc sử dụng hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và máy móc được điều khiển bằng máy tính GPS. Sử dụng công nghệ GPS giúp sử dụng tài nguyên chính xác và hiệu quả hơn.

Theo MSRPC, công nghệ là một phần quan trọng của nông nghiệp ngày nay. Nông dân sử dụng các công cụ và dịch vụ trực tuyến, tương tác để tiếp tục nâng cao năng suất và hiệu quả của họ. Chẳng hạn: 

Hình ảnh UAV (UAV Imagery): Nông dân đang sử dụng hình ảnh UAV (các thiết bị bay tự động drone) để theo dõi sức khỏe cây trồng trong toàn bộ mùa sinh trưởng, cũng như hiểu rõ hơn về thủy văn của đất, chất dinh dưỡng trong đất, khả năng tổn thất và tăng năng suất cũng như nhiệt độ đất. Công nghệ UAV hiện đang được phát triển để phát hiện các loại cỏ dại cụ thể có thể phun thuốc diệt và xác định một số bệnh trước khi chúng xuất hiện trên cây trồng.

Dịch vụ Công nghệ và Dữ liệu: Dịch vụ dữ liệu và công nghệ lập bản đồ và áp dụng các chất dinh dưỡng cho cây trồng một cách chính xác khi cần thiết và liên tục thay đổi dựa trên loại đất và vị trí trên đồng ruộng. Nền tảng công nghệ được sử dụng để chồng lên nhiều bản đồ thông tin trên cánh đồng giúp nông dân có thể đưa ra quyết định tốt nhất có thể được về các hạng mục như lựa chọn hạt giống, chất dinh dưỡng cho cây trồng, sử dụng hóa chất…

Trong năm 2024 này, việc ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp có thêm nhiều năng lực mới với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các thiết bị cảm biến IoT sẽ hoạt động hiệu quả hơn và mạnh mẽ hơn khi được kết hợp với AI. Đó là xu thế toàn cầu trong kỷ nguyên AI. Theo hãng nghiên cứu thị trường Zion, quy mô thị trường AI trong ngành nông nghiệp toàn cầu được ước tính trị giá 1,4 tỷ USD vào năm 2022 sẽ tăng lên thành 7,1 tỷ USD vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) của thị trường này đạt 22,5% trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2030.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) thuộc Liên Hiệp Quốc, ứng dụng IoT kết hợp hệ thống tưới tự động được sử dụng khá phổ biến tại các trang trại ở Kentucky (Mỹ) và Úc. Nó giúp giảm 8 - 20% chi phí sản xuất (như nước, thuốc, nhiên liệu…); tăng 5 - 14% hiệu quả tưới tiêu, đồng thời sản lượng sản xuất trên 1 hecta cũng tăng tới 10%.

Nông nghiệp chính xác cũng đạt hiệu quả cao hơn nhờ ứng dụng các công nghệ Dữ liệu lớn (Big Data), Chuỗi khối (Blockchain)…

Trong thời gian qua, Việt Nam, từ nhà nước cho đến các doanh nghiệp, đã có nhiều nỗ lực vận dụng thương mại điện tử và mô hình bán hàng đa kênh để giải quyết đầu ra cho nông sản. Việc đưa ngày càng nhiều loại nông sản, đặc biệt là đặc sản vùng miền, lên các sàn thương mại điện tử trong nước, cũng như thử nghiệm trên thị trường nước ngoài, đang có nhiều tín hiệu tích cực.

Nông sản Việt được quảng bá trên các kênh điện tử cũng giúp giới thiệu tới nhiều khách hàng trong và ngoài nước hơn. Hình thức hợp tác giữa các nền tảng thương mại điện tử (như Lazada), thậm chí cả những siêu ứng dụng gọi xe công nghiệp đa dịch vụ (như Grab), đã giúp ích nhiều cho người nông dân. Nhưng hình thức hợp tác khơi đầu ra cho nông sản như vậy chỉ có thể phát huy được hiệu quả tối ưu nếu có kế dài lâu và ổn định, không phải chỉ mang tính thời vụ và chỉ trong những “chiến dịch giải cứu nông sản” mang tính “chữa cháy”.

Tỉnh Hải Dương từng tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ vải thiều Thanh Hà và nông sản chủ lực của tỉnh qua hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành trong nước và với 60 điểm cầu tại 22 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng hàng trăm điểm cầu liên kết khác trong và ngoài nước. Kết quả là nông sản trên địa bàn tỉnh đạt giá cao hơn hẳn so với trước đó và tiêu thụ dễ dàng hơn. 

Không chỉ cấp trung ương, các tỉnh thành cũng đã ban hành những quy định để thúc đẩy việc triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp. Như ở tỉnh Vĩnh Long, Hội đồng Nhân dân tỉnh vào tháng 12/2022 đã ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2022 - 2030 trên địa bàn tỉnh với 7 chính sách trọng tâm.

Theo nghiên cứu của FPT Digital về chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Việt Nam, doanh nghiệp nông nghiệp có thể áp dụng một số giải pháp chuyển đổi số nông nghiệp như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ vào quản lý đất đai, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu. 

Hồi cuối năm 2023, Tập đoàn Công nghệ FPT đã ký biên bản hợp tác với Faeger - công ty tiên phong phát triển nông nghiệp định hướng khử carbon tại Nhật Bản - để cùng nghiên cứu, phát triển dịch vụ tư vấn và giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam. Sự hợp tác này nhằm giúp phát triển nông nghiệp xanh và bền vững ở nước ta.

Trước đó, vào đầu năm 2016, Tập đoàn FPT hợp tác với Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) khai trương Trung tâm hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - Akisai tại Hà Nội. Mô hình Nông nghiệp thông minh Akisai được đánh giá là một trong những công nghệ hiện đại và thông minh nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nó được Fujitsu giới thiệu tại Nhật Bản vào năm 2012 và đã giúp tối ưu hóa mô hình sản xuất nông nghiệp từ khâu cung cấp vật tư, đến canh tác, sơ chế, vận chuyển, phân phối sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin.

Các nhà nghiên cứu lưu ý về những khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Việt Nam, như: Nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế; người nông dân không chỉ còn e ngại trong việc chuyển đổi số, mà tỷ lệ già hóa lao động ngành nông nghiệp diễn ra nhanh, kết hợp với xu hướng người trẻ “ly hương” bỏ nông thôn ra mưu sinh tại đô thị. Ở đầu ra thì có thực trạng thiếu hiểu biết về kinh doanh thương mại điện tử chứ đừng nói chi đến việc ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới để xuất khẩu nông sản. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán. Nhiều nông dân và cả doanh nghiệp không đủ nguồn lực tài chính để ứng dụng chuyển đổi số.

Trong một bài nghiên cứu của TS Hoa Hữu Cường, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, do Trường Đại học Đông Á (Đà Nẵng) công bố, tác giả nhấn mạnh rằng: “Để nông nghiệp Việt Nam có thể chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp chính xác cần phải nghiên cứu những trở ngại cũng như tiềm năng của Việt Nam trong việc triển khai nông nghiệp chính xác trong thực tiễn”.

Cũng theo TS Hoa Hữu Cường, việc nông nghiệp trong kỷ nguyên cách mạng số cần phải thay đổi theo mô hình nông nghiệp chính xác là điều không thể đảo ngược. Việt Nam, vốn là một quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp, cần phải có chiến lược và kế hoạch hành động cụ thể để có thể vượt qua những trở ngại và nắm bắt được những tiềm năng và lợi thế của mình hầu có thể triển khai nông nghiệp chính xác một cách thành công.

Từ nhiều năm qua, biến đổi khí hậu là nỗi ám ảnh toàn cầu, gây nhiều ảnh hưởng xấu cho thế giới. Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, nông nghiệp là ngành phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu. Các chuyên gia nhấn mạnh: Chuyển đổi số sẽ giúp ngành nông nghiệp Việt Nam giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do biến đổi khí hậu. 

Biến đổi khí hậu là sự nóng lên của Trái đất, gây ra những bất thường và bất ổn có hại về khí hậu và thời tiết, như: nhiệt độ mùa hè tăng cao, với những đợt nắng nóng gay gắt; bão, gió, lũ lụt xuất hiện ngày càng nhiều với mức độ ngày càng khốc liệt; hạn hán xảy ra ở nhiều nơi… Theo Liên Hiệp Quốc, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính bao trùm Trái đất và sẽ giữ lại nhiệt của Mặt trời. Điều này dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Thế giới đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử được ghi lại.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến lĩnh vực nông nghiệp, có thể còn dẫn đến mất mùa hoàn toàn. Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến ngành trồng trọt, rõ ràng nhất là làm giảm diện tích đất canh tác, gây ra tình trạng hạn hán và sâu bệnh, gây áp lực lớn cho sự phát triển của ngành trồng trọt nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung.

Chuyển đổi số sẽ giúp sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản được quản lý và kiểm soát hữu hiệu hơn, như có thể dự báo được thời tiết chính xác và sớm hơn, có thể đưa ra các quy trình nuôi trồng tránh hay thích ứng được với từng điều kiện thời tiết bất lợi. Ở một khía cạnh nào đó, chuyển đổi số sẽ giúp nông dân có được nông nghiệp chủ động, không còn phải phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện tự nhiên của một thời nông nghiệp bị động bởi mưa nắng, dịch bệnh. 

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã xác định nông nghiệp là một trong 8 ngành được ưu tiên chuyển đổi số, với định hướng rõ chuyển đổi số của ngành. 

Cụ thể: 

• Phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

• Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu (đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản). Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

• Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quá trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm… đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp.

• Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển nông nghiệp như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý thu hoạch.

Tags

Bình luận

Xem nhiều

Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Tại xã Tân Hưng Ðông (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau), chị Nguyễn Thị Quyên đã nghiên cứu, áp dụng phương pháp nuôi cua trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc tuần hoàn. Mô hình này mở ra cơ hội cho những người có ít đất sản xuất.



Nổi bật

Bây giờ đi đâu cũng rầm rộ xây dựng Nông thôn mới, nhưng chẳng nghe trong báo cáo nào khoe “xã tôi thôn tôi có phong trào đọc sách”.
Được quan tâm



Tiến sĩ Trần Đức Tường, giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên - Trường ĐH Đồng Tháp, bắt đầu nghiên cứu trồng nấm vân chi đỏ từ năm 2015. Đến nay, sản phẩm đã sẵn sàng thương mại hóa.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất