, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 04/03/2022, 12:48

Chuyên gia nói về biện pháp không dùng thuốc trừ ốc ở Phú Thọ

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG thực hiện
(nongnghiep.vn)
TS Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa giải đáp những băn khoăn quanh bài báo “Địa phương nào cũng có thể áp dụng cách này thay vì thuốc trừ ốc”.

Thói quen sử dụng vôi bón vào đất có từ bao giờ?

Tình hình đất nông nghiệp ở Việt Nam đang bị chua hóa ra sao thưa ông?

Đất ở Việt Nam chủ yếu là bị chua, nhất là ở tỉnh Phú Thọ, độ PH dao động 4,5-5,5, còn đồng bằng sông Hồng là 6-6,5. Đất chua có nhiều nguyên nhân, đất á nhiệt đới kiểu Việt Nam vốn chua rồi, hơn nữa một thời gian do sử dụng các phân hóa học sinh lý chua như SA, DAP, supe lân… lại làm chua hóa thêm.

Thói quen sử dụng vôi bón vào đất của dân có từ bao giờ thưa ông?

Trong kháng chiến chống Mỹ dân ta đã biết dùng vôi bột để bón vào đất ở vùng trũng theo khuyến cáo của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp. Vôi có 3 loại: đá vôi, vôi sống (bột) và vôi tôi, đa số bà con dùng vôi bột.

Bón vôi cho lúa làm giảm độ chua của đất và để cung cấp dinh dưỡng can xi cho cây, nhất là đất phèn trong Nam rất cần phải bón vôi thêm 500 - 1.000 kg/ha và bón phân lân sinh lý kiềm (phân lân nung chảy). Một đặc điểm của cây lúa là tưới ngập nước, dù đất chua hay hay kiềm cũng đi theo hướng vào trung tính, dao động cỡ 6-6,5, cho nên nông dân ít bón vôi.

Còn đối với các cây họ đậu như lạc, đậu tương mỗi vụ người ta thường bón 500 - 800kg vôi bột/ha bởi chúng thích ứng với đất trung tính. Ở Phú Thọ bón 20kg vôi/sào, tương đương cỡ 550kg vôi bột/ha để diệt ốc cũng là rất bình thường, không sợ bị tình trạng quá kiềm.

TS Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.
TS Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo ông với giải pháp tung vôi diệt ốc bươu vàng của Phú Thọ có thể áp dụng cho nhiều vùng miền khác được không?

Hoàn toàn được, sử dụng vôi vừa diệt được ốc, vừa cung cấp can xi cho đất, giảm độ chua cho đất mà lại dễ làm thì có thể thực hiện ở nhiều nơi, là biện pháp cần khuyến khích. Với lượng dùng 18 - 20kg vôi/sào tương đương cỡ 550 kg/ha để diệt ốc ở Phú Thọ là không nhiều nên anh Vũ Văn Hoan - Phó Phòng NN-PTNT huyện Thanh Sơn có sáng kiến để thay đổi pH đột ngột trong đất, mực nước phải giữ thấp, rồi tung vôi vào thì tạo ra dung dịch đậm đặc khiến ốc chết. Nhưng khi cấy lúa, tháo nước vào, mọi thứ hòa tan, rửa trôi đi, độ pH lại quay trở lại bình thường.

Sau khi bài báo “Địa phương nào cũng có thể áp dụng cách này thay vì thuốc trừ ốc” phát hành, một số độc giả có thắc mắc rằng liệu tung vôi có làm giảm bớt độ đạm của phân đạm hay phân hữu cơ không, lời khuyên của ông thế nào?

Một nguyên tắc là khi tung vôi không bao giờ bón ngay đạm hay trộn vôi với phân hữu cơ. Đầu tiên cứ tung vôi đã, độ chua của đất sẽ giảm đi, sau một thời gian về hướng trung tính, sau đó mới dùng phân đạm hay phân hữu cơ. Bao giờ sau khi bón đạm cũng nên cày hoặc trộn với đất để bón, giúp dưỡng chất không bị rửa trôi hay bay hơi dưới tác động bởi ánh sáng. Vôi khi hòa tan trong nước cỡ vài ngày là có thể bón đạm được rồi.

Bón vôi cho lúa. Ảnh: Tư liệu.
Bón vôi cho lúa. Ảnh: Tư liệu.

Ngoài tác dụng diệt ốc, trung hòa đất, tăng khoáng cho đất, tung vôi còn có tác dụng diệt khuẩn, nấm bệnh, ý kiến của ông ra sao?

Rất đơn giản nếu thợ xây dùng vôi trộn cát mà để ngấm vào da thì thấy tác động ngay (cháy da) nên phải đeo găng tay, con ốc hay nấm bệnh ở trên ruộng khi bị tung vôi diệt là chuyện bình thường. Chỉ có điều khi tung vôi như thế, để bảo vệ nông dân nên đeo găng tay cao su, đeo ủng chân, đeo cả khẩu trang nữa và tung theo hướng gió.

Sai lầm lớn nhất hiện nay

15 - 20 năm nay tôi gần như không thấy cảnh nông dân chở phân chuồng ra ngoài đồng để bón cho lúa như ngày xưa, nếu có bón phân chuồng họ chỉ bón cho các cây rau màu có giá trị, theo ông vì lý do gì?

Đó là do vấn đề chăn nuôi. Xưa các hộ chăn nuôi lợn, trâu, bò rồi sử dụng phân cùng phụ phẩm bón cho đất sau khi ủ, đó chính là phân hữu cơ. Hiện nay chúng ta quy hoạch vùng chăn nuôi riêng, chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất ít, lại thêm sử dụng hệ thống biogas nên không còn sẵn nguồn phân hữu cơ giá rẻ như trước. Tuy nhiên giờ lại có nhiều loại phân hữu cơ đã được chế biến, đóng bao sẵn nhưng nông dân phải bỏ tiền ra mua, giá đắt nên họ không còn bón cho lúa như ngày xưa nữa.

Một thửa ruộng được tung vôi, diệt ốc bươu vàng ở xã Thắng Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Một thửa ruộng được tung vôi, diệt ốc bươu vàng ở xã Thắng Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhân chuyện phân hữu cơ, thì xưa dân ta hay dùng bèo hoa dâu để tăng độ màu mỡ cho đất, giờ một số ý tưởng đang muốn khôi phục lại chuyện này. Ý kiến của ông ra sao?

Nói thật với anh quay lại với cây bèo hoa dâu rất khó. Xưa trong thời chiến tranh, phân đạm được Liên Xô (cũ) cho một ít còn lại thì thiếu mà khi đưa những giống lúa mới vào buộc phải có đạm nên có phong trào nuôi bèo hoa dâu để cố định đạm. Muốn nuôi bèo hoa dâu trong ruộng đất phải trũng, phải có nước mà hệ thống thủy lợi như bây giờ đã hoàn chỉnh rồi, nước trong ruộng ít thì nuôi bèo ở đâu? Thứ nữa nuôi bèo hoa dâu cũng tốn công lắm chứ? Tại sao chúng ta không sử dụng tất cả các phụ phẩm hữu cơ của trồng trọt và chăn nuôi để ủ thành phân?

Ốc bươu vàng có phải là một nguồn phân bón hữu cơ tốt hay không thưa ông? Cách của Phú Thọ đang làm sau khi tung vôi là xả nước vào để vỏ ốc trôi đi mất?

Con ốc bươu vàng chết rồi thì không mấy ai đi nhặt về làm phân vì rất tốn công. Rất đơn giản khi ốc chết rồi thì ta cày, lật đất lên thì con ốc tự phân hủy, tạo thành phân cho đất.

Nếp Quạ đen canh tác bằng biện pháp tung vôi diệt ốc ở xã Thắng Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Nếp Quạ đen canh tác bằng biện pháp tung vôi diệt ốc ở xã Thắng Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ. Ảnh: Dương Đình Tường.

Theo quan sát của tác giả của giải pháp kỹ thuật ở Phú Thọ sau khi tung vôi một thời gian thì cua cá hay các sinh vật trong nước khác xuất hiện nhiều hơn là so với dùng thuốc trừ ốc hóa học, ông thấy thế nào?

Đúng vậy, khi ốc bươu vàng chết đi tất cả các hợp chất trong cơ thể nó bị phân hủy làm cho đất thêm dinh dưỡng. Hơn thế, khác với khi dùng thuốc trừ ốc hóa học, tung vôi sẽ bảo vệ môi trường sống của các sinh vật khác tốt hơn nhiều.

TS Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.
TS Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Trần Mạnh Báo - Tổng Giám đốc Thaibinh Seed từng kể với tôi rằng, đã phải “trao giải” cho những người ở làng mình mà bắt được một con cá cờ trên đồng thì sẽ thưởng tiền triệu nhưng chẳng ai kiếm được cả. Nói chuyện đó để thấy môi trường sinh thái ở các cánh đồng quê đã thay đổi nhiều, sự giàu có của đất, của nước, của đa dạng sinh học không còn nữa?

Sự suy thoái của đất có thể bị chua hóa lên, bị nhiễm kim loại nặng, bị nhiều sinh vật gây hại nhưng nói chung là độ phì nhiêu giảm, có nhiều chỉ tiêu để đo đếm độ phì nhiêu đất như các tính chất: vật lý, hóa học, sinh học. Chính vì thế mà tôm cá ngày càng một ít đi trên các cánh đồng, chúng bị chết do nhiều nguyên nhân.

Xin cảm ơn ông!

Quan trọng nhất bây giờ của các nhà khoa học là phải tìm được những yếu tố nào hạn chế nhất cho từng loại đất thì mới đưa ra được các biện pháp xử lý thích hợp. Hạn chế nhất của đất trồng lúa từ miền núi, trung du đến đồng bằng hiện nay là thiếu phân hữu cơ. Phân hữu cơ có chứa nhiều chất dinh dưỡng, dù lượng có thể ít nhưng cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng đa lượng, trung lượng, vi lượng, quan trọng nữa là cải tạo sinh lý đất, giúp đất tơi xốp, thêm nữa có nhiều vi sinh vật có ích. Vì vậy cần phải tăng lượng phân hữu cơ, trong đó có phân chuồng lên.

Bón phân, chăm sóc, tất cả đã có quy trình kỹ thuật rồi, cho từng loại cây trồng trên các loại đất, quan trọng nhất là hướng dẫn cho nông dân sử dụng đúng theo cái quy trình đó. Đây là trách nhiệm của hệ thống khuyến nông các cấp, phải đào tạo cho nông dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất