, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/07/2019, 08:47

Chuyện làm lụa tơ sen của Samatoa (bài 1)

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Dệt nên mối quan hệ bền vững vì hạnh phúc và phồn vinh của mọi nhà, từ những người nghèo khó nhất cho đến những người giàu sang nhất. Đó là triết lý của Samatoa, doanh nghiệp xã hội chuyên dệt vải từ tơ sen ở Campuchia. Việt Nam cũng có những cánh đồng sen bát ngát. Chúng ta có thể học gì từ họ?

Cơ duyên

“Ý tưởng như những hạt sen, chúng ngủ yên để chờ đến thời cơ sẽ trỗi dậy, sẽ nảy mầm mạnh mẽ hơn” (Fatou Diome). Awen Delaval rất thích câu nói ấy và quả là nó hợp với một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời anh. Là một công dân Pháp đầu quân cho một hiệp hội về thương mại công bằng, năm 2003, anh đến Campuchia du lịch.

Tại đây anh nhận ra người dân ở đây rất chăm chỉ và có đôi bàn tay khéo léo, tơ lụa của Campuchia rất mềm mại, mượt mà, đẹp mắt. Vậy là anh nảy ra ý định phát triển ngành dệt may bằng các sản phẩm thiên nhiên và mong muốn tái sinh hoạt động này tại Campuchia.

Năm 2009, anh bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật dệt may những chiếc áo choàng (áo cà sa) từ vật liệu tơ sen mà các nhà sư Myanmar mặc trong các dịp lễ hội hàng năm. Điểm đến của anh là hồ Inle. Nằm ở độ cao gần 900m so với mực nước biển, xung quanh là núi cao, dài khoảng 22 dặm, chiều rộng nơi hẹp nhất cũng khoảng 7 dặm đến 8 dặm, hồ Inle là nơi sinh sống của tộc người Inthar (người sống trên hồ). 

Người dân Inthar hoàn toàn sinh sống trên mặt hồ, xây nhà ở, các công trình đều trên mặt hồ, họp chợ ở trên hồ, trồng cây làm nông nghiệp cũng trên hồ. Hồ cũng là nơi cư trú của nhiều dân tộc khác như Pa-O, Shan… nằm rải rác khắp nơi. Anh thăm thú khắp các ngôi làng nổi, làng nghề dệt vải, làm bạc, làm thuốc lá, thăm tu viện, chùa cổ. Và những chiếc khăn dệt từ tơ sen rất đắt tiền, hơn 100 USD một cái bé xíu, tạo cho anh một ấn tượng đặc biệt. 

 

Đầm sen. Ảnh: Sudhyasheel Sen
Đầm sen. Ảnh: Sudhyasheel Sen

Làm lụa sen là một trong những nghề nổi tiếng của làng Paw Khon (trên hồ Inle, Heho, Myanmar). Loại lụa này không chỉ là sản phẩm đắt giá mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm. Nghề dệt lụa sen ở làng đã có lịch sử đến cả trăm năm. 

Awen dành cả tuần trời la cà quan sát, lân la hỏi chuyện để tìm hiểu kỹ thuật và cần mẫn học kéo tơ sen, dệt vải... Những gì chứng kiến và học được từ hồ Inle đã tiếp thêm sức mạnh để anh quyết tâm trở thành một nhà tạo mẫu các mặt hàng vải vóc thân thiện với môi trường.

Trở về Campuchia, Awen đã sung sướng vô bờ bến khi phát hiện ra một ao sen hồng (tên khoa học: Nelumbo nucifera) tuyệt vời có diện tích đến 15ha tại Kamping Poy (gần Battambang). Không chần chừ, anh thành lập một xưởng nghiên cứu về cây sen tại nhà riêng ở Siem Reap nhằm tạo ra một loại vải độc đáo từ nguyên liệu thiên nhiên này.

Anh chuyển đến định cư tại Angkor, nơi có bề dày lịch sử huyền bí và là một không gian tâm linh sâu kín. Hoa sen là yếu tố cốt lõi trong dự án của Awen, loài hoa này mang đến cho anh một biểu tượng, một sự tĩnh tâm, một vẻ đẹp tráng lệ và một nét thuần khiết trong tâm hồn. Còn có một biểu tượng nào thanh thoát hơn để thay thế cho loài cây độc đáo mọc lên từ bùn trong các ao hồ này không?

Khi đã nghiên cứu thấu đáo, làm chủ được kỹ thuật, quy tụ được 30 thợ dệt lành nghề, Awen Delaval tự tin thành lập Công ty Samatoa để phát triển kinh doanh. Samatoa thu hoạch những phần thân và cọng lá sen để dệt vải. Chị Ly Bo Roth, một người thợ, cho biết: Cọng sen cắt về phải được se sợi trong vòng 24 giờ nếu không cọng sen sẽ khô lại, tơ sẽ giòn, kéo là đứt. Có tơ rồi mới chuyển sang cho thợ dệt. Kỳ công như thế nên phải kéo khoảng 30kg cọng sen mới được 250m tơ.

Các công đoạn sản xuất được xử lý 100% bằng thủ công, từ khâu tách sợi từ thân sen cho đến việc kéo tơ.  Ảnh: Sudhyasheel Sen
Các công đoạn sản xuất được xử lý 100% bằng thủ công, từ khâu tách sợi từ thân sen cho đến việc kéo tơ. Ảnh: Sudhyasheel Sen

Một hecta ao sen tạo công việc cho một thợ se sợi. Một thợ se sợi có thể làm ra 250m tơ mỗi ngày. Một người thợ dệt giàu kinh nghiệm có thể dệt được một mét vải tơ sen mỗi ngày. Thu nhập của một người thợ tại đây đạt bình quân từ 150 USD/tháng - 200 USD/tháng.

Lụa tơ sen để nguyên thì màu vàng ngà và nâu, nhuộm bằng thuốc nhuộm nấu từ thực vật thì đủ các sắc màu. Từ lụa sen, nhà tạo mẫu, thợ may lại tạo ra những sản phẩm tinh tế như khăn quàng, quần, áo, túi xách, ví, caravat... Giá của những sản phẩm từ lụa sen độc đáo này không rẻ. Một chiếc áo làm từ lụa sen có giá gần 2.000 USD, còn một chiếc váy có giá lên tới gần 4.000 USD.

Awen tự hào: “Loại vải làm từ tơ sen này là có những đặc tính nổi trội mà chỉ có tơ sen mới có được vì đây là loại tơ sợi thiên nhiên rất mịn và chắc, đó là một nguyên vật liệu từ thiên nhiên có đặc tính mềm mại và nhẹ, khi dệt sẽ cho ra loại vải mặc rất mát và không bị nhăn nhúm khi giặt. Có thể xem đây là loại vải thân thiện với môi trường bậc nhất trên thế giới, vì không chứa bất cứ một loại độc tố hay hóa chất nào”.

Thành công với tơ sen, Samatoa tiếp tục làm phong phú bộ sưu tập các sản phẩm độc đáo của mình. Trong vòng 10 năm, họ đã thử nghiệm hơn 10 loại tơ thiên nhiên có sẵn tại địa phương như tơ từ sen, dứa, chuối, bông súng, sợi bông gòn, cói, cọ, lụa, cơm dừa, lục bình, lá lúa. Họ cũng đã thành lập được một đội ngũ tuyệt vời từ các chuyên gia giỏi nghề về kéo sợi, dệt vải, may mặc và thiết kế sáng tạo.

Khai thác tơ sen bằng phương pháp thủ công và se sợi. Ảnh: Sudhyasheel Sen
Khai thác tơ sen bằng phương pháp thủ công và se sợi. Ảnh: Sudhyasheel Sen

Những mặt hàng vải sợi của họ được kéo sợi và dệt hoàn toàn thủ công, tuân thủ theo những phương thức sản xuất truyền thống của người dân Campuchia. Chính điều này giúp cho mặt vải có được một kết cấu độc đáo và những ưu điểm vượt trội được rất nhiều người tiêu dùng ở khắp nơi trên thế giới ưa chuộng và tìm kiếm, mà không nơi nào khác có được.

Hiện nay, những sản phẩm của họ được bán trong cửa hàng của công ty tại làng Kolkran (Siem Reap, Campuchia), tại Tang Tang Tang Tang ở Hong Kong và trong cửa hàng thủ công mỹ nghệ Boutique Tang ở Singapore. Những loại lụa độc đáo của họ được các nhà thiết kế Hoa Kỳ, châu Âu và Úc sử dụng.

Sự kiện Kate Moss và Carina Lau mặc áo veste được dệt từ tơ sen của Samatoa vào tháng 4.2014; Tổng thống Pháp François Hollande khoác khăn choàng của Samatoa và chụp ảnh chung với sáng lập viên Samatoa - Awen Delaval vào ngày 18.11.2015... cũng góp phần quảng bá hình ảnh lụa tơ sen của Samatoa trên toàn thế giới.

Awen cho biết: “Thành công này đã khiến Samatoa hiện gặp trở ngại là chỉ có thể đáp ứng được hơn 10% các đơn hàng mà doanh nghiệp nhận được. Và để có thể cung ứng thỏa đáng sản phẩm cho khách hàng, Samatoa đã lên kế hoạch tăng năng lực sản xuất lên gấp 10 lần trong vòng 5 năm tới, tạo công ăn việc làm cho 500 người. Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp chúng tôi có thể sẽ giúp tạo ra thêm 10.000 công ăn việc làm mới tại Campuchia”.

Năm 2018, Samatoa đã tăng công suất chế biến lên 500 tấn cọng sen mỗi năm để dệt được 2.000 mét lụa tinh khiết, chất lượng cao, sang trọng và sinh thái. Họ cũng đã thành lập nông trại trồng sen với diện tích 20ha, để chủ động nguyên liệu mở rộng sản xuất.

Quy trình sản xuất của một tấm vải tơ sen rất kỳ công: từ 40.000 cọng sen mới kéo được 3.000 mét tơ sen để dệt được một mét vải tơ sen.

Mỗi ngày người dân bơi thuyền ra hồ lấy liềm cắt cọng sen bốn lần. Cọng sen cắt về được rửa sạch, tuốt gai, ngâm vào xô nước cho tươi rồi phải kéo sợi ngay. Người thợ ngồi trước một cái bàn gỗ dài, một tay cầm một bó chừng năm, sáu cọng sen, một tay cầm con dao nhỏ, cắt từng đoạn chừng 3cm - 4cm, nhẹ nhàng kéo hai đầu cọng sen để rút những sợi tơ mong manh như tơ nhện, nhỏ hơn sợi tóc tới 10 lần.

Tiếp đó, người thợ lại nhẹ nhàng một tay đặt những sợi tơ sen lên mặt bàn miết nhẹ để bện lại với nhau, quy trình lặp lại đến khi tơ đủ dày.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đây là sản phẩm thứ 156 ở Thái Lan và là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Ang Thong được gắn GI, đánh dấu việc hoàn thành dự án “Mỗi tỉnh một sản phẩm đạt chỉ dẫn địa lý” của Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất