, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 26/01/2023, 19:30

Chuyện lão ngư chuyên viết sử về làng

BÍCH VÂN
(nld.com.vn)
Chuyện sử xưa, tích cũ của làng Nam Ô - Đà Nẵng được một lão ngư là người con sinh ra và lớn lên ở làng cẩn thận ghi chép lại thành những trang sách lưu truyền cho đời sau.

Đến làng Nam Ô của phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng hỏi thăm ông Dùng "sử gia" là ai nấy cũng đều biết rõ. Cuốn sách mà ông vừa mới xuất bản vào cuối năm 2022 có tên "Nam Ô và những chuyện kể" là gần 430 câu chuyện từ thuở khai sinh lập địa đến những di tích, những nghề nghiệp, sản vật, vùng đất... của làng.

Tự hào về quê hương

Người viết sử nói trên là ông Đặng Dùng (74 tuổi), sinh ra và lớn lên ở làng Nam Ô. Nhà ông nằm trong một kiệt nhỏ của khu dân cư ngay sát bãi biển Nam Ô. Ông từng là cán bộ Phòng Văn hóa Thông tin của huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng rồi nghỉ việc về làng theo thuyền đi đánh cá. Mưu sinh bằng nghề biển và nhiều nghề khác đặc trưng của Nam Ô, ông vẫn nung nấu ý định sẽ viết nên những trang sách về làng.

Theo ông Dùng, Nam Ô là một ngôi làng đặc biệt bởi ở đó có cả sông, núi và biển. Đó cũng là nơi giao thoa của hai miền Nam Bắc và hội tụ đủ nhiều văn hoá, bản sắc riêng. Cũng bởi những đặc trưng hiếm nơi nào có được đó mà ông Dùng nghĩ rằng cần phải có những cuốn sách sử về làng để truyền lại cho thế hệ mai sau. Thế là từ năm 30 tuổi, ông bắt đầu viết sử về làng. Ban đầu là những câu chuyện mà ông tìm tòi, nghe lại từ thế hệ cha chú trong làng, những vị bô lão. Đi đến đâu, ông cũng hỏi và ghi chép lại, gặp cái gì ông cũng tìm hiểu và quan sát. Sau đó, ông bắt đầu nghiên cứu những tư liệu hiếm hoi về Nam Ô. Từ đó, những hiểu biết của ông về làng ngày một dày lên. Đến độ, người ta phong ông là "sử gia" của làng.

Ông Đặng Dùng với cuốn sách "Nam Ô và những chuyện kể".

Nói về Nam Ô, ông luôn ánh lên những niềm tự hào khó tả. Không chỉ mang những đặc trưng riêng, Nam Ô còn nổi tiếng với những sản vật mà cả nước hiếm nơi nào bì được. Đó là nước mắm Nam Ô, rong mứt "tiến vua"... Khi người làng gọi ông là sử gia, ông chỉ lắc đầu. Ông chỉ nhận là "người quan tâm quá đáng đến xứ mình đang sống". Cũng vì một lòng yêu Nam Ô mà ông không muốn những chuyện xưa, tích cũ của làng dần mai một.

Bởi thời ông trẻ, Nam Ô còn nức tiếng với nghề pháo, nghề làm guốc mộc... Bây giờ thì những nghề này đã không còn. "Nếu không được chép lại lại thì chắc có lẽ những đời sau nữa không còn biết làng mình từng có những nghề như thế. Lớp con cháu sau này chỉ thấy quá trình đô thị hóa chứ không hay rằng làng mình vốn có nhiều nét văn hóa riêng" - ông Dùng nói.

Kể về sử làng qua trang sách

Cuốn sách Nam Ô và những chuyện kể là dự án mà ông Dùng ấp ủ và dành nhiều tâm huyết. Nó được ông tập hợp lại từ nhiều câu chuyện mà ông đã từng viết. Đó là tất cả những hiểu biết và nghiên cứu của ông về Nam Ô được kể lại bằng lối hành văn dung dị, dễ hiểu.

Khi cuốn sách chưa được xuất bản, có người bảo ông nên đổi tựa lại thành "Nam Ô – một góc nhìn". Nhưng ông nói đó không phải là góc nhìn của ông mà chỉ đơn giản là những câu chuyện mà ông là người kể lại. Phần đầu cuốn sách là nội dung về "Nam Ô quê xứ" là những chuyện từ khi khai lập Nam Ô. Sau đó là đến những dấu tích, di tích, vùng đất hay những đặc sản của làng.

"Sử gia" của làng Nam Ô.

Ông Dùng cho rằng những câu chuyện kể trên là ký ức hết sức chân thành về một làng biển cổ hiếm hoi còn sót lại. Qua cuốn sách, ông mong muốn từng con sóng, hòn đá, rừng cây hay giếng nước, đình làng của Nam Ô sẽ không bị lãng quên. Hơn thế nữa, ông muốn lớp con cháu sau này hiểu hơn về lịch sử của làng qua những trang sách.

Ông Lưu Anh Rô, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, cho biết ông Dùng là người có tình yêu thương quê hương da diết. "Không hề được đào tạo từ trường lớp nào nhưng với tình yêu quê hương, lòng trân quý tiền nhân dành cho quê hương xứ sở, ông Dùng đã thể hiện những nét riêng trong tập sách này" – ông Rô nhận xét.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất