, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 29/01/2020, 08:39

Chuyện lập làng Mai Bình Lợi

CÁT QUỲNH - PHƯƠNG ĐẶNG

Một sáng cuối năm, trong tiết trời se lạnh hiếm thấy của Sài Gòn, chúng tôi theo chân anh Lê Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, TP.HCM vào vườn mai của anh Lê Hữu Thiện – Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi. Từng hàng mai xanh ngắt được trồng ngay ngắn theo hàng theo lối trải ra trước mắt làm chúng tôi thực sự ngỡ ngàng. Một cảm xúc thật khó tả khi biết vườn mai này chỉ ở tuổi mầm non, vừa lên 4. Câu chuyện về một làng hoa trẻ với sức sống vô cùng mãnh liệt bất chấp nguy cơ bị xâm lấn từ các khu công nghiệp, khu đô thị mới… xung quanh là đốm sáng lung linh trong những ngày chúng tôi rong ruổi đi tìm dấu tích của các làng hoa truyền thống nổi tiếng một thời ven các đô thị.

1. Ngay giao lộ giữa đường Vườn Thơm và đường Trần Văn Giàu, đập vào mắt chúng tôi là bảng tên “Làng mai vàng xã Bình Lợi” còn mới tinh. Nghe người dân xung quanh bảo nó mới được treo vài tháng trước thôi. Cũng dễ hiểu bởi trồng mai là nghề mới ở xã này. Nó quá mới mẻ so với mai Thủ Đức hay mai Gò Vấp. Giới thưởng ngoạn hoa, nếu không tìm hiểu thì cũng không thể ngờ bây giờ mai Thủ Đức, thậm chí mai Bình Định… có khi chính là mai Bình Lợi.

Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng làng mai Bình Lợi có nhiều nét rất riêng. Nói như anh Hồ Quốc Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Lợi, cũng là dân trồng mai, thì “nhìn là biết liền”. Sao vậy? Theo anh thì do mai Bình Lợi là dạng mai trồng theo hướng công nghiệp, không phải dạng cắt tỉa quá tỉ mẩn như các làng mai khác. Mai Bình Lợi không chỉ bán khi có hoa, mà lại bán nhiều khi chỉ toàn là lá, nên ở đây có cái gọi là “mai lá”. Làng hoa mai nơi khác chỉ đông đúc tấp nập người mua khi gần Tết, nhưng ở đây lại gần như quanh năm. Những ngày sau Tết cũng đông khách như trước Tết vì khách các vùng mai khác đến mua mai nguyên liệu về để chăm sóc làm hàng cho năm sau. Đáng ngạc nhiên là giá cây mai có hoa hay chỉ toàn lá không chênh lệch nhau là mấy, đôi khi còn ngang ngửa nhau nữa.

Ông Ba Lạc - người đầu tiên trồng mai để kinh doanh ở xã Bình Lợi
Ông Ba Lạc - người đầu tiên trồng mai để kinh doanh ở xã Bình Lợi

Tuy làng hoa mai Bình Lợi còn non trẻ, nhưng cũng như nhiều làng quê Việt khác, hoa mai cũng trụ lại đất Bình Lợi từ những năm 1980. Chỉ có điều lúc đó mai chưa là nguồn kinh tế của Bình Lợi nên loại cây này mọc rải rác ven đường, trong vườn nhà, thường bị bứng bỏ để nhường chỗ cho các loại cây khác.

Ông Ba Lạc, nay đã 84 tuổi, vẫn nhớ như in câu chuyện mấy cây mai đầu tiên ở xứ này do ông trồng. Ông kể rằng thấy nhà hàng xóm có cây mai mới chỉ cao độ chừng 1 ngón tay sắp sửa bị bứng đi để trồng mía, ông tiếc nên xin về trồng. 4 năm sau, cây mai ấy trổ bông, bông nào cũng có đến 10 cánh, bạn bè ở khắp nơi đến chơi Tết thấy đẹp quá nên xin hạt về ươm. Ông nhận ra tiềm năng của nghề trồng mai và trở thành người trồng mai để kinh doanh đầu tiên của Bình Lợi. Nói tới cái duyên với nghề trồng mai, ông Ba Lạc chỉ cười tủm tỉm và cho rằng tại mình “hên” khi gặp được cây mai 10 cánh năm đó.

2. Mai Bình Lợi, dù không có cây mai tổ hay mai gốc, do người dân chủ yếu lấy giống từ nơi khác về, nhưng “trời thương” nên cũng có đặc điểm rất riêng. Mai ở đây đa số có từ 6 – 10 cánh mà không cần phải qua lai tạo hay cấy ghép. Đất vùng này, vốn bị nhiễm phèn, trước đây chỉ thích hợp với mía, dứa… giờ chỉ toàn là mai. Cách đây khoảng 3 năm, diện tích trồng mai chỉ khoảng trên 200ha, giờ đã là 406ha. Đến năm nay thì các ruộng mía chính thức bị xoá sổ, nếu còn chỉ là vườn mía bỏ hoang do người trồng bỏ không khai thác khi công chặt không bằng tiền bán mía.

Vậy sao trồng mai được? Cũng là cái duyên “trời thương dân xứ này”. Anh Trường cho biết: “Mai là loại cây có rễ cọc, nên rễ thường cắm rất sâu xuống đất. Về Bình Lợi, rễ mai xuống chừng 2 - 3 tấc là đụng phèn nên lại quay ngược trở lên. Điểm yếu bỗng thành điểm mạnh, vì nhờ vậy mà rễ mai không ăn quá sâu xuống đất. Bới cây mai lên bán không bao giờ bị đứt rễ, và cũng nhờ vậy mà mai ra khỏi vườn vẫn mạnh, hoa không rụng, lá vẫn xanh…”. Anh chỉ tôi một cái hố mà anh Thiện - chủ vườn mai vừa đào lên bán, chỉ khoảng hơn một gang tay để minh chứng cho điều vừa nói.

Vườn mai vào Tết
Vườn mai vào Tết

“Câu chuyện hình thành làng mai, giờ thấy vậy, chứ cũng vất vả lắm”, Phó Chủ tịch xã Lê Quang Minh nhớ lại. Bình Lợi có đặc trưng là xã thuần nông, đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là đất phèn, nguồn nước tưới lấy từ sông rạch theo thuỷ triều. Lâu nay bà con quen trồng cây gì bán được ngay, nên khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là trồng mai, ít nhất 3 - 4 năm mới có thể có huê lợi, không phải ai cũng dám làm. Lúc đó đầu ra cũng không biết thế nào. Anh Minh cười: “Bà con nói trồng lúa, không ai mua còn lấy gạo mà ăn; trồng hoa, bán không được thì cũng không ăn được!”.

Với suy nghĩ như vậy, để có làng mai như bây giờ, Bình Lợi đã phải trầy trật qua không biết bao nhiêu cây trái, từ mía, đến dứa, đến lài, sen… và ngay cả dân Bình Lợi cũng không ngờ hiện nay cây mai là đích đến. Cái tên “làng mai vàng xã Bình Lợi” là do dân tự gọi, chứ theo đúng tiêu chí làng nghề truyền thống thì đến năm ngoái vẫn còn non, chưa đạt!

Thành công của cây mai ở Bình Lợi có thể xem là sự kết hợp của “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Và không thể không nhắc đến sự xuất hiện của Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Theo lời anh Dương Đức Xuyên, Phó Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi, trước đây khu vực này chưa có điện, toàn bộ là đường đất đen, đường hẹp khiến xe cộ không thể đi lại được, người dân muốn chở hàng hóa hay vật tư đều phải đi theo đường kênh rạch với chi phí cao. Kể từ khi nhà nước đầu tư đưa điện về và thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, bộ mặt của địa phương đã đổi thay đáng kể. Đường nhựa rộng rãi, xe ô tô chạy bon bon đưa máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp vào tận vườn, người dân lắp đặt hệ thống tưới tự động… từ đó việc trồng mai trở nên nhẹ nhàng hơn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giá bán mai tại vườn trước đây bình quân chỉ khoảng 300.000 đồng/cây hiện nay đã tăng lên tới 500.000 – 600.000 đồng/cây. Khi chúng tôi đến, dù còn đến hơn 2 tháng nữa mới đến Tết nhưng đã có người đến chọn mai. Những cây mai to dềnh dàng cao đến gần 2 mét phải được xe cẩu cẩu ra khỏi vườn. Người trồng mai ở Bình Lợi cũng không phải tưới nhờ hệ thống kênh mương chằng chịt. Hệ thống thuỷ lợi của vùng cũng nhờ Nông thôn mới mà ngày càng hoàn thiện, đê bao ngăn ngập úng đã bao khắp xã.

3. “Nghề mới, ít kinh nghiệm nên phải đi học khắp nơi”, anh Trường chia sẻ. Trung tâm Khuyến nông cùng Hội Nông dân xã Bình Lợi, dưới sự hỗ trợ tích cực của huyện, Sở Nông nghiệp đã thường xuyên thay phiên nhau mở các lớp tập huấn miễn phí về trồng và chăm sóc mai. Người dân khi đi học các lớp này còn được hỗ trợ tiền xăng xe 20.000 đồng/ngày. Nhờ Quyết định số 655 của UBND TP.HCM về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 - 2020 cùng các quỹ hỗ trợ cho nông dân vay vốn, người dân xã Bình Lợi được cho vay với mức hỗ trợ lãi suất lên tới 80%. Do vậy, nông dân yên tâm mạnh dạn đầu tư lớn cho cây mai. Trung tâm Khuyến nông TP.HCM còn hỗ trợ 27 hộ dân trồng mai ở Bình Lợi thực hiện cơ giới hóa máy phun thuốc trên cây mai nhằm tiết kiệm chi phí về thời gian, công lao động, lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong quá trình sản xuất.

Cây mai Bình Lợi theo những chuyến xe đến khắp các quận huyện trong thành phố và cả khu vực miền Trung, miền Nam
Cây mai Bình Lợi theo những chuyến xe đến khắp các quận huyện trong thành phố và cả khu vực miền Trung, miền Nam

Anh Lê Hữu Thiện, Giám đốc HTX Hoa mai vàng Bình Lợi cho biết anh chính thức bỏ nghề buôn mía từ năm ngoái khi đã có trong tay tổng cộng 12ha trồng mai, trong đó 3ha đã trồng được 5 năm. 9ha còn lại là mai mới trồng, chưa đủ tuổi để bán. Với 3ha ban đầu, anh trồng khoảng 10.000 gốc mai, tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng, đến năm thứ 4 anh bán được khoảng 2.000 gốc, thu 2,5 tỷ đồng. Như vậy ngay kỳ thu hoạch đầu tiên anh đã hoàn được vốn và lời khoảng 1 tỷ đồng.

Hiệu quả từ trồng mai ở Bình Lợi đã rất rõ ràng nên giờ không chỉ có những vườn mai to vài héc-ta, mà dọc hai bên đường lộ, mai chậu cũng rất nhiều. Đó là những “vườn mai” của những bà con không có đất, vốn ít, tuổi cao. “Có nhiều người lớn tuổi, chỉ trồng chừng mấy chục cây, mỗi năm bán vài cây là đã có tiền ăn tết, coi chăm sóc mai như thú vui tuổi già, mà thu nhập lại khá”, anh Xuyên vui vẻ cho hay.

4. Làng hoa mai Bình Lợi đã tạo được tiếng tăm nhất định. Mai Bình Lợi đã theo chân thương lái và người chơi mai đến khắp nơi trong cả nước. Vào độ 25 tháng Chạp, ghé Bình Lợi sẽ thấy cảnh buôn bán mai tấp nập hai bên đường, nhất là trong các nhà vườn. Mai vàng nở rực khắp nơi, nên Bình Lợi trở thành địa điểm chụp hình Tết yêu thích. Anh Lê Hữu Thiện cho biết Bình Lợi hiện đang trên đường xây dựng thương hiệu nhằm nâng cao chất lượng và giá trị cho cây mai của địa phương, cụ thể như hướng đến tạo dáng cây mai, trồng mai chậu, mai bonsai; đồng thời nghiên cứu cấy mô, lai tạo ra các giống mai đẹp, độc đáo…

Tuy vậy quá trình này còn gặp nhiều khó khăn do kinh nghiệm của bà con về trồng mai chưa nhiều, bà con chưa mặn mà với việc tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc mai do địa phương tổ chức dù đã được tạo nhiều điều kiện thuận lợi. Khó khăn còn ở chỗ chưa kiểm soát được giống do bà con thường chọn cây có hoa đẹp, nhiều cánh để lấy hạt về tự ươm trồng chứ không chọn mua giống từ các trung tâm giống hay HTX. Do vậy cây mai Bình Lợi chưa có được chất lượng đồng đều để đăng ký thương hiệu.

Trồng mai đem lại thu nhập cao cho người dân xã Bình Lợi.
Trồng mai đem lại thu nhập cao cho người dân xã Bình Lợi.

Việc bà con ồ ạt tăng diện tích trồng mai và ảnh hưởng của ô nhiễm từ các khu công nghiệp xung quanh cũng đang là nỗi lo lớn của chính quyền địa phương. Làm sao để tránh tình trạng cung vượt cầu và quan trọng hơn hết là bảo vệ môi trường nước để tưới tiêu cho cây mai nói riêng và phục vụ phát triển nông nghiệp địa phương nói chung là bài toán khó cần sự chung tay của cả người dân và chính quyền. Những khó khăn trong việc xây dựng thương hiệu cho cây mai của xã Bình Lợi cần kế hoạch cụ thể và dài hơi để giải quyết. Nhưng trước mắt, làng mai Bình Lợi đang lớn mạnh lên từng ngày, kinh tế của người dân nhờ đó mà khấm khá hơn.

Khi chúng tôi rời làng mai Bình Lợi, ngẫu nhiên có cơn gió se lạnh khẽ thổi qua, đem một cánh mai vàng nở sớm đậu dưới chân mình. Tôi cúi xuống chạm tay vào đất, nhặt cánh mai lên ngắm nghía, lòng bồi hồi khi biết rằng mùa xuân đang đến thật gần trên vùng đất này .

 

 

 

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất