, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 05/06/2021, 11:58

Chuyện ở làng mai

NGUYỄN QUỐC HƯƠNG

Đã là tháng ba âm lịch nhưng đến Tân Tây (huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An), cảm giác không khí Xuân vẫn còn. Những cánh mai vàng lấp ló trong vườn bên cạnh những hạt mai to tròn, đen nhánh. Nét xuân rõ nhất trên gương mặt những người nông dân.

Nông dân xã Tân Tây chăm sóc mai vàng.

Anh Nguyễn Văn Tạo, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An), người thiết kế chuyến đi này nói vui: “Tôi phải nói bà con nói bớt bớt lại số tiền họ thu được từ bán mai cho người ta dễ tin, chứ không người ta bảo mình nổ”. Có đến đây mới thấy lo ngại của anh Tạo là có thật, bởi thật khó tin khi chỉ một mùa Tết, bà con làng mai đã có nguồn thu đến hơn 70 tỷ đồng, trong đó có nhà chỉ bán 2 sào mai mà bỏ túi đến 14 tỷ đồng…

Tiền tỉ “rải” khắp vườn

Đưa chúng tôi đi một vòng vườn mai rộng khoảng 4 hecta của mình, ông Trần Văn Vị (Hai Vị) chỉ vào 3 cây mai to, đứng gần nhau, nói “3 cây này, người ta đã trả 2,4 tỷ tôi không bán”! Chỉ một cây mai có thế gốc uốn lượn rất đẹp, ông kể: “Có một anh quê Cần Thơ lên đòi mua cây này 500 triệu, năn nỉ từ sáng tới chiều. Thấy cũng tội nghiệp, nhưng cây đẹp, bán thì tiếc nên tôi từ chối. Để chơi thôi”! Tôi hỏi: “Chú tính vậy, cả vườn mai mình cỡ bao nhiêu?”. Với nụ cười hào sảng đậm chất anh Hai Nam bộ, ông nói: “Không biết được. Nhưng có khoảng 5.000 gốc mai đã được trả từ 100 triệu trở lên. Khoảng 100 cây có giá vài trăm triệu, 6 cây có giá gần tỷ và trên tỷ. Mấy cây trên tỷ thì tôi nhớ”! Để tôi dễ hình dung, ông chỉ mấy chục cây mai trồng trên khoảng đất chừng hai sào: “Mai trên khoảnh này, người ta trả 14 tỷ đồng rồi đó”!

Vườn mai của ông Hai Vị không phải là cá biệt. Trước đó, ông Nguyễn Văn Hoàng cũng đưa chúng tôi lướt qua một vòng vườn mai của ông và cho biết: “Trước Tết, lái mai vô đã trả giá cây này 65 triệu, cây này 50, cây này 100, còn cây này là 200 triệu mà tui hổng bán”!

Với thu nhập gấp hàng chục lần so với hồi trồng lúa, dễ hiểu vì sao mà chỉ trong vòng chưa đầy 20 năm kể từ khi những cây mai đầu tiên xuất hiện ở xứ này thì Tân Tây đã thành làng mai với diện tích lên đến gần 300 hecta. Ông Huỳnh Kim Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, người đã có vài chục năm gắn bó với vùng đất này kể, không ai nghĩ đất Tân Tây có thể trồng được mai. Trước đó người dân loay hoay với lúa, thu nhập được vài chục triệu một hecta là mừng. Anh Trần Văn Hè, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tây cho biết: Bình quân 1ha trồng được 2.000 cây mai vàng, sau bốn năm đầu tư, trừ chi phí người dân thu về lợi nhuận ròng hơn 800 triệu đồng/ha/năm. Còn những cây mai có thế đẹp, lâu năm thì giá khó đoán. Không chỉ người trồng mai có thu nhập tăng lên gấp hàng chục lần trước đây, nghề trồng mai còn mang đến thu nhập 500 ngàn đồng/ngày cho lao động nhàn rỗi tại địa phương. Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Thạnh Hóa cho biết: “Hiện nay, đã có gần 280 hộ trồng mai, chiếm trên 20% số hộ dân trong khu vực, với diện tích trồng đã trên 372ha. Có đến 1/3 số hộ trồng mai vàng có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm”.

“Ông tổ” nghề trồng mai!

Cây mai đầu tiên của vùng đất này không còn, đúng hơn là không ai nhớ. Nhưng người đầu tiên đem mai về đất này thì không ai không biết. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2003, anh thanh niên Trần Văn Thống, con trai ông Trần Văn Vị, lúc đó mới 22 tuổi, sang Chợ Lách, Bến Tre học nghề. Vốn có khiếu uốn, tỉa cây, anh rất thích nghề trồng cây kiểng. Về nhà anh năn nỉ cha cho anh trồng mai thử nhưng không được đồng ý. “Nó canh me lúc tôi đi Sài Gòn có công việc, kêu người ta tới chặt bỏ hết 1 công dừa để trồng mai. Tôi về thì chuyện đã rồi. Nó thì trốn biệt, không dám giáp mặt tôi... Tôi chửi mấy đứa phụ nó trồng mai rằng, tao là chủ nhà này chứ đâu phải nó mà tụi bây làm theo lời nó… Hên là tôi không cho đào mai lên như tánh tôi trước giờ. Nhờ vậy mà bây giờ ở đây có mai”! - Ông Hai cười.

Cổng vào làng mai Tân Tây.

Những người xung quanh, ai cũng nói: “Thằng Thống con ông Hai Vị nó bị khùng rồi! Tự nhiên đem mai về đất này trồng. Đất đầy phèn, sao sống nổi”! Ông Nguyễn Văn Tạo, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa, nhiều năm là Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cũng thừa nhận: “Tôi cũng không dám tin là Thạnh Hóa trồng được mai. Hồi đó phá đất lúa để trồng cây khác là chuyện không được khuyến khích, thậm chí bị phê bình. Nhưng tôi cũng để dân trồng thử, chỉ khuyến cáo là không nên trồng ồ ạt. May là nhờ vậy là người dân Tân Tây đổi đời”!

4 năm sau, chỉ với hơn 1 công mai, Thống bán được gần 500 triệu đồng. Đây là một con số không ai tin nổi. Và thế là không chỉ gia đình Thống mà cả ấp 4 cũng làm theo. Chàng trai ấy trở thành “ông tổ làng mai” khi tuổi đời còn rất trẻ. Thống bày tỏ với lãnh đạo địa phương về mong ước xây dựng một làng mai chuyên canh để bà con Tân Tây nói riêng và Thạnh Hóa nói chung thoát nghèo, làm giàu. Ông Tạo kể: “Tôi hỏi Thống làm được không mậy? Thống khẳng định được chứ chú, sao không được!”.

Đưa chúng tôi ra thăm vườn, đến bên ngôi mộ đặt ở một góc vườn nhà, nơi có nhiều cây mai “cổ thụ”, ông Hai Vị đưa mắt nhìn xa xăm, tiếc nuối: “Nó đi sớm quá, mà cũng đột ngột, vì đột quỵ. Bao nhiêu mơ ước dở dang…”. Ông Lê Xuân Hảo, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tây cho biết: “Thống mất năm 38 tuổi, cách đây khoảng 3 năm, khi chưa được tuyên dương công trạng gì. Nhưng giờ nói đến làng mai Tân Tây, không ai là không nhắc đến Thống”!

Mơ ước về một làng hoa Nam bộ

Từ khi cây mai về Tân Tây đến giờ, theo cách của anh Trần Văn Thống, mai ở đây chỉ lấy giống mai nguyên thủy, gieo bằng hạt, chứ không trồng mai ghép. Và như có sự sắp đặt của thiên nhiên, vùng đất phèn Tân Tây lại cho cây mai những ưu điểm vượt trội mà những nơi khác không có được. Cây mai Tân Tây có bộ rễ nhiều, hoa không ghép nhưng vẫn nhiều cánh, to, màu vàng rực rỡ lại ít sâu bệnh.

Xuất phát từ vườn mai của Thống và gia đình nên “rốn” của làng mai nằm ở ấp 4. Hồi đầu, để hướng dẫn nhau trồng mai, cắt tỉa, uốn cây, xã có lập tổ hợp tác. Sau này thấy trồng mai thu được lợi nhuận cao, huyện thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo để có thêm lao động trồng mai, và những buổi tập huấn, trao đổi kinh nghiệm.

Ông Hai Vị nói: “Giá trị cây mai không chỉ nằm ở yếu tố kỹ thuật hài hòa giữa thân, gốc, tàng với dáng thế của cây mà còn được quyết định bởi sở thích của người thưởng thức hoa mai. Người biết chơi thường thích cả gốc, tàng và hoa, còn những người chơi hoa Tết chỉ quan tâm đến hoa mấy cánh, to hay không”. Vì thế vườn mai của Thống để lại và của gia đình ông Hai Vị là vườn mai có giá trị “khủng” nhất xứ này. Cây mai có giá trị cao nhất lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Ngày 24/06/2020 UBND tỉnh Long An ký ban hành Quyết định số 2121/QĐ-UBND về việc công nhận Làng nghề trồng mai xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa. Định hướng thời gian tới sẽ phát triển làng nghề theo hướng kết hợp du lịch sinh thái miệt vườn. Ông Nguyễn Văn Tạo, nguyên Chủ tịch UBND huyện Thạnh Hóa cho biết: “Tôi có lời hứa với Thống, với anh Hai Vị, với bà con xứ này về việc xây dựng một vùng nông thôn mới kiểu mẫu xoay quanh làng mai Tân Tây. Lãnh đạo địa phương cũng đang mong mỏi làm thế nào để mong ước chính đáng đó của bà con thành hiện thực”.

Ông Trần Văn Vị bên gốc mai đã được trả giá hơn 1 tỷ đồng.

Từ làng mai Tân Tây, Thạnh Hóa, đi về trung tâm TP, đường sá bây giờ cũng chỉ hết 1g15 -1g30 phút. Nếu Tân Tây thành làng hoa, đường hoa, quảng trường hoa mai… thì mỗi dịp tết đến xuân về, khách từ TP, từ khắp nơi trong cả nước có thể về ngắm mai, dạo chơi với mai, chụp ảnh dưới rừng mai vàng nở rộ… 18 năm trước, chàng thanh niên trẻ Trần Văn Thống dám đốn dừa trồng mai, lẽ nào bây giờ… Chúng tôi rời Tân Tây sau cái bắt tay thật chặt với ông Hai Vị, người nông dân suốt đời bám trụ mảnh đất quê hương bên dòng ông Vàm Cỏ. Cái xiết chặt tay, như một lời hứa “chém đinh chặt sắt” rằng, sẽ vận động mỗi người cùng chung tay xây dựng Tân Tây thành làng hoa Nam Bộ kiểu mẫu.

Widget 'Chân trang - Nông thôn mới'

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất