Đôi bờ không còn xa
Mấy năm trước, thỉnh thoảng, tôi theo bạn về Kiến Tường, thị xã giữa Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, quê bạn tôi. Tôi sinh ra lớn lên ở thành phố (TP), nơi nhà nào biết nhà nấy. Về nông thôn, thấy lạ. Làng xóm ai cũng biết nhau, bạn tôi đi học rồi đi làm trên TP đã mấy năm mà mỗi lần về quê, bước chân vô đến làng, ai gặp cũng gọi tên, chào hỏi, như người thân. Bạn tôi bảo, quê nghèo, thiếu thốn đủ thứ, chỉ có tình làng nghĩa xóm là giàu.
Quả thật, đó là vùng quê nghèo. Tiếng là thị xã, nhưng đường từ ngoài lộ vào là đường đất và phải qua đến 2 - 3 con kinh, chỗ thì cầu khỉ, chỗ thì đò ngang. Nhà cửa đa phần là lụp xụp, tạm bợ. Được cái yên tĩnh, đêm nằm chỉ nghe tiếng ếch, tiếng dế kêu.
Bạn tôi bảo như thanh minh “quê mình kinh rạch chằng chịt, nên cậu đừng ngạc nhiên khi cứ một đoạn lại phải đi đò, đi cầu khỉ…”. Không biết vì nghèo hay vì kinh rạch cách trở mà làng không có chợ, hình như mọi thứ đều tự cấp tự túc. Gạo ngoài ruộng, rau ngoài vườn, cá dưới kinh, kiếm gì ăn nấy…
Bẵng đi mấy năm, hôm rồi, bạn tôi rủ về quê. Tôi bảo: “Quê mày đi bộ, leo cầu khỉ, run muốn chết, vui gì”. Không ngờ nó bảo: “Xưa rồi bà ơi. Lần này tui chở bà về tận nhà tui bằng xe hơi”.
Ngạc nhiên chưa? Ừ thì về! Và thật ngạc nhiên. Con đường vào làng trước cong queo, cỏ mọc lút hai bên thì nay đã được nắn thẳng, trải nhựa rộng thênh. Qua mấy con kinh trước đây hoặc đi đò, hoặc đi cầu cây, cầu khỉ, nay đã cầu bê tông vững chãi, xe chạy êm ru, vô đến tận nhà.
Xuống xe, tôi bảo: “Quê bà được nhà nước đầu tư ngon hén?”. Nó “bật” lại: “Nhà nước chưa đầu tư đến vùng sâu vùng xa này đâu”. - Vậy đâu ra? - Ông Tư đi xin cho đó. - Ông Tư nào? Nó cười, ra vẻ bí mật...
Chiều hôm đó, nó dẫn tôi đi khắp xóm, như khoe với tôi rằng xã nó, làng nó sắp được công bố đạt chuẩn Nông thôn mới. Nó giảng giải muốn được công nhận Nông thôn mới phải đạt 19 tiêu chí, trong đó có đường sá, điện đóm, nước sạch như thế nào, thu nhập bình quân của các hộ dân ra sao… Nghe ù cả tai.
Lúc hai đứa đi lên một cây cầu, hình như mới làm, còn thơm mùi vữa, đầu cầu còn nguyên cái bảng, ghi Chương trình Cầu nông thôn, và tên Cầu: Rạch Tầm Đuông. Bên dưới ghi tên nhà tài trợ Quỹ Lá Xanh, thuộc chùa Đống Cao, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình. Tôi hỏi nó: “Cái quỹ ở xa tít ngoài Bắc sao vô đây tài trợ?”
Nó bảo: “Ông Tư Sang vận động đó. Không chỉ 1 mà 4 cầu lận. Ông Trương Tấn Sang về hưu lâu rồi. Nhưng từ ngày về hưu, ông vẫn miệt mài làm từ thiện…”
Tôi đứng trên cầu, nơi mấy năm trước hình như tôi đã đi qua bằng đò hay cầu khỉ, mà nghĩ về một vùng quê. Chỉ cần một cây cầu bê tông vững chãi nối liền đôi bờ kinh, nối liền làng này với làng với làng kia là thấy có đổi thay.
Những người không có tuổi hưu
Sau bữa cơm chiều, ông Mười Phước ba bạn tôi, bạn tôi và tôi ngồi nói chuyện. Tôi thắc mắc vì sao có mấy năm, làng mình làm gì mà đổi thay nhanh vậy? Ông Mười Phước trước khi nghỉ hưu là cán bộ xã, mặc dù đã hưu hơn chục năm nhưng ông vẫn khoẻ, vẫn tham gia công tác xã hội và chuyện thời sự trong xã, trong huyện, trong tỉnh ông vẫn “rành sáu câu”.
Ông giải thích liền: “Cũng nhờ có cầu đường đó con. Khi xã chưa mần cầu, đất ruộng ở đây chỉ 200 - 300 triệu một mẫu, có cầu, có đường rồi, giá vọt lên gấp hơn 10 lần. Trước đây mần lúa, năm 2 vụ, thu nhập cao lắm 50 triệu/mẫu. Bây giờ người ta lên vườn trồng mít, trồng mai, trồng sơ ri mỗi năm thu hoạch giá chót cũng gấp 5 - 6 lần. Sao không giàu?”.
Câu chuyện trở nên sôi nổi hơn khi ông nói về cầu đường. Ông bảo, nói con nghe, không phải làng quê Bác đâu mà các huyện biên giới của tỉnh Long An này, không nhờ ông Tư thì “còn khuya” mới lên được Nông thôn mới. Ông kể vanh vách, xã nào huyện nào được bao nhiêu cầu tổng cộng, riêng 6 huyện biên giới của tỉnh Long An, trong đó có thị xã Kiến Tường, đã có hơn 200 cầu do ông Tư vận động xây dựng. Mà không chỉ Long An, các tỉnh biên giới Nam Bộ cũng được ông Tư vận động doanh nghiệp tài trợ xây dựng hàng trăm cây cầu.
- Tại sao chỉ ở biên giới?
- Có lẽ ổng thấy nông thôn biên giới là vùng sâu vùng xa, nhà nước đầu tư chưa tới - ông Mười Phước giải thích.
Và một trong những tiêu chí Nông thôn mới là hạ tầng giao thông đạt chuẩn - nghĩa là cầu phải 4 - 5 mét rộng, tải trọng tối thiểu 5 tấn, đủ để xe công nông chở vật tư nguyên liêu từ nhà ra ruộng và chở nông sản ngoài ruộng về nhà, một cây cầu như thế, tối thiểu cũng cả tỉ bạc. Mà mấy trăm cây cầu, vận động được cả mấy trăm tỉ. Ghê thiệt. Tôi nhẩm tính ra miệng.
Ông Mười Phước cười. Nhằm nhò gì con. Ông Tư Sang còn vận động cả chục ngàn tỉ đồng để xây trường học, xây bệnh viện, xây nhà tình nghĩa, mua bò cấp cho hộ nghèo, khắp các tỉnh suốt dọc biên giới, từ Hà Giang đến Cà Mau. Chưa hết, ổng còn vận động cả ngàn tỉ mua máy định vị cho tàu cá, áo phao cho ngư dân bám biển và xây nhà chống lũ cho bà con các tỉnh miền Trung.
Trời! Không biết số liệu ông nói chính xác đến mức nào nhưng nếu đúng như vậy thì chỉ có thể gọi ông Tư, một - người - về - hưu là nhà - vận - động - tài - trợ vĩ đại (có nhiều nhà lãnh đạo về hưu như ông, chỉ có nghỉ hưu đúng nghĩa đó thôi?!).
Dường như nhận ra sự nghi ngờ trong tôi, ông tiếp: “Mơi con về, đi trên quốc lộ 62, nhìn bên tay trái có cái trường to đùng, y như trường Lê Hồng Phong trên thành phố. Đó là Trường Trung học phổ thông Thiên Hộ Dương, cũng do ông Tư vận động tài trợ trên trăm tỉ đó. Riêng Long An có 3 - 4 trường như vậy. Chưa tính các tỉnh khác…”
Ông Tư - nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quê Long An. Tôi cũng được biết ông Sáu Bình - Trương Hoà Bình, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng quê Long An. Và cả hai “cán bộ hưu” quê Long An đều nhiệt tình vận động kết nối làm các chương trình thiện nguyện hỗ trợ, giúp đỡ những vùng quê khó khăn, các gia đình nghèo trên khắp mọi miền đất nước.
Tôi nghe nói, có một vị lãnh đạo Trung ương ở miền Trung cũng vận động lập quỹ từ thiện hình như là hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung… Không biết kết quả như thế nào, nhưng đó là những tấm lòng đáng quý, đáng trân trọng. Những con người đó, khi còn đương chức, phải như thế nào, thì khi về hưu mới có thể kêu gọi doanh nghiệp theo họ làm thiện nguyện.
Đồng tiền, đối với doanh nghiệp là mồ hôi và… máu. Họ dám bỏ ra tiền tỉ, chục tỉ, trăm tỉ, theo sự vận động của ai, trước hết là họ phải kính trọng tư cách đạo đức của người đó. Đương chức, người ta “nể phục” vì cái vị trí có thể chi phối đến sự thành bại của một dự án hay sự phát triển của doanh nghiệp. Còn về hưu, “vốn vô hình” ấy không còn, người ta có thể vẫn vâng dạ nhưng… để đó.
Những ông chủ doanh nghiệp ở thành phố, ở miền bắc, miền Trung, không thể biết sự nghèo khó ở làng quê như làng quê bạn tôi. Nhưng họ sẵn sàng bỏ tiền ra, là vì họ tin tưởng, nể phục cái tâm vô tư, trong sáng của người vận động…
Tôi nghĩ miên man về cái “đạo làm quan”, về cái triết lý “giàu - nghèo”, “được - mất” của một đời người, qua câu chuyện với ông già và những đổi thay ở một vùng quê mà tôi tận mắt chứng kiến...