, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 14/06/2021, 14:56

Chuyện tôm cá quê mình

DUY LỮ
(baocantho.com.vn)

Lần giở từng trang sách “Môi trường và tập quán đánh bắt thủy sản ở Nam Bộ” của tác giả Nhật Hồng -  hội viên Hội Văn nghệ dân gian TP Cần Thơ, tôi như bị choáng ngợp bởi sự mênh mông của môi trường sông nước với “hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, ruộng đồng cò bay thẳng cánh...”.

Chài cá ở Nam Bộ.

Tiến sĩ Tăng Tấn Lộc, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian TP Cần Thơ, đã chia sẻ như vậy khi nói về tác phẩm biên khảo mới ra mắt của nhà văn Nhật Hồng. Quả vậy, bàng bạc trong từng trang sách là những tri thức dân gian, kinh nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa sông nước Nam Bộ được chuyển tải sinh động.

Nhà văn Nhật Hồng chia sẻ thêm, với quyển sách này, ông cố gắng ghi chép, giới thiệu hình ảnh các phương tiện đánh bắt đã một thời nuôi sống con người, để thế hệ sau hiểu hơn về quá trình sinh sống và phát triển của tổ tiên, ông bà ta nơi vùng đất Nam Bộ. Trong đó, có những hình ảnh, cách đánh bắt tôm cá đã đi vào quá khứ, không dễ gì tìm lại được.

Trong “Môi trường và tập quán đánh bắt thủy sản ở Nam Bộ”, nhà văn Nhật Hồng mang đến cho người đọc những kiến thức về môi trường và hệ sinh thái của Nam Bộ, sự trù phú “cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn” nơi đây. Ông còn kỳ công diễn giải những khái niệm hiện tượng tự nhiên như nước lớn, nước ròng, nước nổi... đến các tri thức dân gian canh nông như tỉa mạ, làm nền đất giâm... Sau đó, tác giả giới thiệu về những loại cá, tôm, rắn... tiêu biểu ở Nam Bộ với sự phân tích kỹ về hình dáng, màu sắc nhận biết, hình ảnh minh họa, cách đánh bắt phù hợp và chế biến món ngon.

Thú vị nhất trong quyển sách này có lẽ là phần trình bày về những cách đánh bắt cá tôm ở Nam Bộ. Những cách đánh bắt như câu cắm, câu cần, câu rê, câu nhấp hay là đóng đáy, đặt lờ, giăng câu, đặt lọp... chỉ nghe thôi đã thấy nhớ những ký ức về miệt sông nước quê mình. Xin trích dẫn một đoạn về phần tát đìa bắt cá: “Đội bắt cá, bắt xuyên suốt, đói bụng thì lên ăn cơm, cơm xong xuống bắt tiếp. Bắt cá cả ngày, trời xế chiều cho trâu kéo lần về nhà. Như vậy, mà cá bắt không thể nào hết được dưới đìa, cá nằm lộn trong sình bùn, dân bắt hôi phía sau, bắt được lượng cá cũng khá nhiều”.

Đọc “Môi trường và tập quán đánh bắt thủy sản ở Nam Bộ” của nhà văn Nhật Hồng để bồi hồi nhớ lại một thời xứ sở Nam Bộ cá tôm nhiều không kể xiết. Đó cũng là nguồn lợi nuôi sống biết bao thế hệ người dân nơi đây. Để minh chứng điều này, nhà văn Nhật Hồng đã có lý khi nêu lại ví dụ về vụ án ở kinh Láng Thé, Trà Vang vào năm 1848, khi ấy Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa làm Tri huyện Trà Vang. Đó là vụ tranh chấp nguồn lợi thủy sản ở kinh Láng Thé và chính vụ án này đã khiến Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa bị bắt, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn đã một mình ra tận triều đình Huế gióng trống kêu oan cho chồng.

Tác giả Nhật Hồng đúc kết rằng: “Con người nên biết cách để giữ cho môi trường luôn trong sạch và giữ mầm sinh sản của các loài thủy sản không bị diệt chủng. Làm như thế, cho con cháu chúng ta nhận ra số loài thủy sản có mặt từ khi đầu cuộc khai phá vùng đất Nam Bộ”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất