, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 26/01/2023, 06:00

Cô Bảy Phùng Há & cải lương sau trăm năm…

ÁI MỸ
1. Ngày nọ, tin tức đến tai bà: nghệ sĩ M.H., một trong những đứa học trò cưng của bà tại trường nghệ thuật Sân khấu II (là Đại học Sân khấu TP.HCM ngày nay) tìm đến cái chết do buồn chuyện tình cảm, nhưng người nhà phát hiện, kịp đưa đi cấp cứu. Bà chờ cho học trò bình phục rồi nhắn về chùa Nghệ sĩ, nơi bà trú ngụ.
Cố NSND Phùng Há thời xuân sắc. Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.

Người thầy, vị Tổ sống của bao thế hệ nghệ sĩ, cô Bảy Phùng Há nhìn đứa học trò nhỏ, giọng ân cần: “Sao lại làm vậy hả con? Tình cảm có đứt gãy thì buồn là phải rồi, nhưng ráng để dành cái buồn ấy đặng mà hát cho hay, diễn cho sâu, chứ đâu lại đi hủy hoại thân mình. Mang tội với cha mẹ, với Tổ nghiệp, với khán giả lắm con ơi!”.

M.H. chỉ biết khóc, vùi đầu vào lòng thầy.

Trong tất cả những người thủ diễn vai cô đào hát (trong vở diễn cùng tên), M.H là người hóa thân trọn vẹn, với đầy đủ chất “bất hạnh” lẫn “đức hạnh” nhất mà tôi thấy.

Sau này, khi cô đã làm mẹ, tôi mời cô vào vai Nguyễn Thị Minh Khai (vở Sáng mãi niềm tin), lớp từ giã con trước giờ đi làm nhiệm vụ. Đêm ấy, ngay trên mảnh đất nhà má Tám Rành (Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Rành) ở xã Phước Hiệp, Củ Chi, M.H trong bộ bà ba đen, quấn khăn rằn, dứt Mẫu tầm tử, vào Vọng cổ, chữ hò vừa đổ xuống cũng là lúc cô xử lý chiếc khăn thành… đứa trẻ rồi chuyển tiếp vô Lý ru con. Tuyệt hảo. Tôi chợt nhớ lời bà Bảy.

Bà dạy học trò bằng chính bài học cuộc đời mà bà tự phải trải nghiệm. Là cuộc tình mà bà dành trọn cho người thầy, cũng là người bạn diễn lớn nhất trong đời ca kỹ, nghệ sĩ Năm Châu. Nhưng, như hồi mộ ông Năm còn ở trong khuôn viên chùa Nghệ sĩ (sau này con cháu cải táng đưa ông về nằm chung trong phần mộ gia tộc), chiều nào bà cũng thả bộ ra, tôi có lần đi theo sau, nghe tiếng bà cứ thì thầm trong gió: “Mà lạ lắm, khi tui có chồng thì ông Năm thôi vợ, khi ổng có vợ thì tui lại thôi chồng”.

Giây phút ông hấp hối, bà chạy vô nhà thương. Nhưng không kịp. Bà lao tới, ôm lấy chút hơi ấm còn sót lại mà khóc: “Anh Năm ơi, anh nghe tôi nói đây, không phải tôi phụ anh đâu, nhưng tôi thương anh, thương vợ con anh… chứ cả đời này, tôi yêu anh mà anh Năm ơi”.

Bà nói với tôi, tình nghệ sĩ là cái tình chỉ để dành cho sân khấu, để nó lặn sâu vào trong từng câu ca, nét diễn. Yêu thật hết ở ngoài đời rồi, lên sân khấu, đóng yêu không vô, nó giả trân à!

Cũng như ông, NSND Nguyễn Thành Châu, ngày hay tin cô Bảy Phùng Há bỗng dưng trở thành “bà bầu” gánh Huỳnh Kí, sau khi kết hôn với chủ gánh hát là con trai đốc Phủ sứ Mỹ Tho, Bạch Công tử, ông viết vội 12 câu vọng cổ trĩu nặng tâm tình rồi đi biệt: “… Bồi hồi lòng mong mỏi, xé không gian tìm dấu cũ. Nặng nề lòng nhớ nhung mến tưởng, đinh ninh cái câu tao ngộ ta sẽ cùng sớt chia nhau mà trang trải nợ nần. Nào dè đâu thời gian đã tàn phá bức tranh tình. Mùi đã lạt, tình đã phai, cùng cố nhân tuy gần nhau trong gang tấc mà cách nhau như núi Sở sông Tần”.

Từ ngày ông Năm không còn nằm ở nghĩa trang Nghệ sĩ nữa, chiều chiều, bà Bảy chỉ đi ra vườn mấy bước rồi trở vô. Lần cuối cùng tôi nghe bà nói chuyện nghề, bà nói trên dây 12 câu vọng cổ của “thầy Năm”, “Ổng là thầy của tui, cả đời này”.

 
Cố NSND Phùng Há cùng con gái Bửu Chánh và cháu ngoại.
 

2.

Hội diễn cải lương toàn quốc năm 2005, bà đến dự, ngồi cạnh NSND Tiến Thọ - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Hôm sau, tôi ghé thăm bà, bà cười dí dỏm, “nhiều chuyện”: “Tối qua, tui ngồi kế bên ông Thứ trưởng, ổng là bậc thầy của sân khấu tuồng. Nhưng, dè đâu ổng gõ nhịp bị trật, chắc hông quen nghe cải lương”.

Tôi lần đầu phát hiện bà hài hước, cực kỳ đáng yêu.

Nhưng vẫn không thể bỏ chút lăn tăn từ tối ra khỏi câu chuyện, tôi hỏi bà nghĩ sao về vở “Tình mẫu tử” được chọn để diễn ngay trong ngày khai mạc hội diễn. Bà nhìn phắt ngay tôi, tắt hẳn nụ cười. Có lẽ, hơn ai hết, bà hiểu câu trả lời lại nằm ngoài vở diễn, nó thuộc về phẩm giá của cải lương. Một vở diễn không có gì đáng chê. Nhưng ở một vài phân cảnh, nhất là lớp đứa con rể quăng cả mâm cơm tung tóe vào mặt bà mẹ vợ, kèm theo tiếng chửi, tiếng thét. Lối diễn lẫn dựng đậm về tả chân khiến sân khấu vừa ồn ào vừa… rơi vào tính “tự nhiên chủ nghĩa”. Giá như nó tiết giảm một chút, ước lệ hoặc nội tâm một chút. Để cải lương, phản diện đấy, tiêu cực đấy nhưng đừng quá thô và bạo như thế!

Bà lấy làm tiếc về điều đó. Và lại nghịch đùa, chắc cũng như… gõ trật nhịp thôi mà.

Hôm rồi, tôi đi xem hội diễn cải lương toàn quốc 2021 - 2022 ở Long An. Vở “Duyên kiếp”, cũng có cảnh bà mẹ chồng nắm đầu con dâu quăng quật trên sân khấu, là nắm thật, nắm cả mái tóc, gầm lên. Lớp diễn này, tôi cũng đã coi qua mấy phiên bản. Nghe nói, có “dị bản” còn lôi đầu con dâu đi xuống hàng ghế khán giả, dí tận mặt người xem. Để làm gì? Để khán giả tường tận cái sự diễn “thật” mà “không đẹp”, vốn đi ngược tuyên ngôn nghệ thuật của bậc tiền bối cải lương Năm Châu - Phùng Há “thật và đẹp”? Nó chỉ khiến cho người xem từ yêu đến sợ, từ thích đến hãi, hỡi các nghệ sĩ hậu sinh!

Ngồi xem và nghe, càng nhớ người tiền phong Trương Phụng Hảo. Ngày ấy, tức cũng hơn 15 năm trước, bà đã thở dài mà nói, nhiều em cháu nghệ sĩ sau này làm biếng ca, hoặc vì yếu nhịp nên nó chỉ bắt ca chữ đầu rồi nói theo dây, có khi nói hết cả lòng bản rồi trước khi dứt, thả một chữ ca đề về cho chắc. Trong khi cải lương là ca - kịch kia mà.

Hơn 15 năm sau, tôi ngồi mấy buổi là mấy vở, bấy nhiêu bài cứ được xài tới xài lui: Đoản khúc lam giang, Vọng kim lang, Nam ai… Bài bản như thể ngày càng nghèo đi trong khi, nhìn lại vào thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, lúc cải lương đang thịnh hành thì danh cầm Bảy Bá, tức soạn giả Viễn Châu vẫn khai phá thể loại Tân cổ giao duyên, tức ông đi tìm một hình thức mới cho cải lương ngay khi nó đang ở đỉnh hoàng kim. Đâu rồi sự thôi thúc phải “canh tân”, phải “cải cách hát ra theo tiến bộ”, cho kịp “sánh văn minh” với thời cuộc, câu trả lời phải do chính người nghệ sĩ cải lương hồi đáp chứ không ai khác.

Cố NSND Phùng Há trong một lần được gặp Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh. Ảnh tư liệu của gia đình cố NSND Phùng Há.

3.

Trước trào lưu “nghệ sĩ ốm yếu” toàn đi quảng cáo chứng đau thận, xương khớp, kể cả… yếu sinh lý; tôi hỏi bà nghĩ sao. Bà kể, hôm bữa có người bên hãng thuốc gọi mời bà quảng cáo. Bà nói, cô suy nghĩ mình đâu có mang bệnh đó đâu, rồi giờ nói uống thuốc để trị thì không được. Với lại, lỡ người ta uống không khỏi rồi quay lại mắng, bà già nghệ sĩ nói xạo. Nên cô từ chối rồi con.

Bà là nghệ sĩ ưu tú Diệu Hiền, một trong những học trò của nghệ sĩ Phùng Há. “Cô Bảy dạy cô không chỉ về nghề mà cả cách sống, cái đạo đức cư xử ở đời, nhất là người nghệ sĩ”. Bà nói lời từ chối quảng cáo cũng là cách bà học theo người thầy của mình, không được làm gì để ảnh hưởng đến nghề hát, đến cái danh xưng nghệ sĩ.

Có nhà riêng, con cháu đầy đủ nhưng mấy năm sau này bà vào sống ở Viện dưỡng lão Nghệ sĩ (Quận 8). Bà nói, mình ở gần con cháu toàn làm phiền tụi nó. Ở trong đây, mỗi tuần con cái ghé thăm, chăm sóc. Còn thế giới này vẫn là của mình mình. Với lại, đây cũng là “nhà” của nghệ sĩ mà, của cô Bảy Phùng Há đã nghĩ trước mà dựng nên, cho tụi cô sống vui đến cuối đời.

Là bà, là thế hệ của những vị khai sinh và lập thành sân khấu cải lương “thật và đẹp” nhưng cũng nghĩ đến một đời sống sau tấm màn nhung rực rỡ. Một chốn nương thân của những cô đào, anh kép khi đã không còn sân khấu. Sự thấu tận ấy, chỉ có những người đã đi qua hàng trăm vai diễn, hàng ngàn số phận, hàng bao biến thiên dâu bể, để dư vị cuối cùng trong đời không ngoài sự sẻ chia, đùm bọc, yêu thương.

Liệu rằng, cải lương trăm năm tới, có gì, còn gì?

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất