, //, :: GTM+7

Cô gái 9X sống thơ mộng giữa vườn bơ của ông nội, ngày ngày đón khách đến cùng trò chuyện, làm vườn

PHAN THỊ NGỌC THẮNG
Trong cuộc sống hiện đại, có một cô gái Đà Lạt trẻ tên Đinh Lê Thảo Nguyên, đã chọn hành trình khác. Nguyên rời giảng đường đại học, về giữa vườn bơ ông nội để lại. Cô bắt tay làm vườn, áp dụng mô hình giao lưu nông nghiệp và phát triển các giá trị tinh thần từ vườn tược. Để rồi, khu vườn trở thành một không gian cộng đồng, còn cô chủ nhỏ thì sống cuộc đời thơ mộng, ngày ngày đón khách đến cùng trò chuyện, cùng làm vườn và chia sẻ những giá trị bền vững.
Các bạn nhỏ đến làm vườn cùng Nguyên có thể trải nghiệm cảm giác ngồi giữa thiên nhiên, tận hưởng trái ngọt.

Học làm vườn từ ký ức cùng ba và ông nội

Đinh Lê Thảo Nguyên (sinh năm 1996) có một cuộc sống thường tình như bao bạn bè cùng trang lứa, cho đến khi bước chân vào cổng trường Đại học. Mỗi ngày, ngồi trên giảng đường, Nguyên thấy như lạc vào một nơi không dành cho mình. Cô tự hỏi bản thân phải làm gì? Sau nhiều trăn trở, Nguyên biết mình cần một môi trường thực hành chứ không phải môi trường học thuật. Để được ba mẹ đồng ý cho nghỉ học, Nguyên thuyết phục và khẳng định rằng mình sẽ dành quỹ tài chính và thời gian học đại học để làm nông nghiệp.

Em Bun, em Đốm và Nguyên trong một buổi trồng hoa.

Từ bé, Nguyên không được dạy để trở thành một nông dân chính hiệu. Thế nhưng, cô từng được sống và gắn bó với khu vườn của ông nội. Sau này, khu vườn được để lại cho ba Nguyên trực tiếp chăm sóc. "Hạt giống" yêu vườn đã nảy nở trong Nguyên một cách tự nhiên. Nhờ vậy, sau khi nghỉ học, cô nhanh chóng thích nghi với công việc ruộng vườn, trồng trọt.

Bắt tay vào “tiếp quản” khu vườn, Nguyên sớm triển khai mô hình đưa tình nguyện viên về trải nghiệm làm vườn, sống cuộc sống người nông dân. Đổi lại, cô có người chăm sóc vườn, có điều kiện giao lưu với mọi người đến từ mọi miền.

Vườn bơ nhìn từ trên cao.

Các tình nguyện viên mang đến cho Nguyên cuộc sống đa sắc màu và những vùng đất thú vị. Nguyên quyết định bước ra khỏi vòng an toàn, mở rộng tấm bản đồ của mình. Năm 2022, cô đến các trang trại vùng đồng bằng miền Bắc, 2023 là hành trình đến các trang trại vùng biển miền Nam. 

Góc sen đá xinh xắn ở vườn.

Qua các chuyến đi, Nguyên đã học được những bài học, kinh nghiệm quản lý trang trại và các dịch vụ du lịch liên quan. Nguyên có cơ hội làm việc với thu nhập hài lòng bằng chính trải nghiệm và thực hành của mình. Hiện nay Nguyên đang hợp tác để quảng bá các homestay tại thành phố Đà Lạt.  

Một “thành viên” hiếu khách của Vườn Bơ ông Lạc.

Chia sẻ những giá trị từ vườn

“Vườn Bơ Ông Lạc” (tên vườn nhà Nguyên) dành cây trái, chỗ ở trong vườn để đón tình nguyện viên đến lưu trú và trải nghiệm cuộc sống thực tế của người nông dân. Căn nhà nhỏ mang dáng dấp ngôi nhà của nông dân phố núi Đà Lạt nằm trong khu vườn đầy đủ rau trái. Tình nguyện viên ở đây được ăn rau trái hái tại chỗ, do mình tự tay chăm sóc.

Vườn Bơ - khu vườn năng lượng và hạnh phúc.

Nguyên quan niệm rằng, điều thú vị nhất của việc đi du lịch trải nghiệm là được sống cuộc sống chân thật, ấm áp của người dân bản địa. “Tình nguyện viên như người thân trở về nhà và sống cùng nhau như một gia đình”, Nguyên trải lòng.

Một du khách chọn làm tình nguyện viên ở Vườn Bơ ông Lạc.

Ở vườn, Nguyên còn đón học sinh mẫu giáo tới thăm. Các bé có thể học hỏi trực tiếp từ thế giới thiên nhiên, hiểu được nguồn gốc, xuất xứ của những món ăn hàng ngày. Nhiều bạn nhỏ vì say mê với vườn, sinh vật, cây cối mà không chịu về.

Các em nhỏ đặt một ngàn câu hỏi dưới tán bơ trong vườn.

Từ những kinh nghiệm chắt lọc qua hành trình tại vườn bơ và qua những chuyến đi, Nguyên trở thành một người đóng góp nội dung rất tích cực trên các hội nhóm về nông nghiệp. Những bài viết thực tế, sát sao, đa chiều của cô đã giúp các tình nguyện viên, chủ vườn đến gần nhau, hiểu thấu nhu cầu của nhau. Nội dung Nguyên chia sẻ còn truyền cảm hứng cho không ít người trong cộng đồng làm nông nghiệp trẻ.

Khao khát khai thác giá trị bền vững từ vườn

Nguyên chia sẻ: “Vườn của em không quá chú trọng lợi nhuận, mà đặt cuộc sống bình an của mình và trải nghiệm của khách thăm vườn lên hàng đầu”. Cô dự tính sẽ cải tạo lại vườn để đón thêm nhiều khách du lịch trải nghiệm làm vườn. Khách sẽ được làm nông dân chăm sóc vườn, động vật nuôi trong nhà. “Một quán nước nhỏ sẽ được mở để bán những thức uống do vườn trồng được và các loại trái cây sạch từ vườn khác”, Nguyên chia sẻ dự tính về Vườn bơ ông Lạc của mình.

Nguyên và những người bạn đến thăm vườn.

Hiện Vườn bơ ông Lạc đã có rất nhiều loại trái cây, đủ bán quanh năm. "Cả khu vườn chẳng có cây nào cao, có lẽ là do năng lượng của vườn hay sao đó”, Nguyên hóm hỉnh giải thích về những cây ăn trái thấp tè nhưng trĩu quả. Nhờ những cây ăn trái thấp là đà mà các bạn nhỏ thích mê, vì chỉ cần nhón chân là chạm được vào trái. 

Cây bơ là đà sai quả.
Các em nhỏ vui sáng tạo ở vườn bơ.

Nguyên dự định sẽ mở dịch vụ đón trẻ về vườn khám phá thiên nhiên, trải nghiệm làm vườn và các hoạt động giáo dục khác.

Quà của vườn.

Có nhiều cách để bất động sản nông nghiệp tăng giá trị như chờ tăng giá rồi bán hoặc đầu tư hạ tầng, lập ra những trang trại thu hút khách đến để làm tăng giá trị. Nguyên không chọn những cách làm đó. Ước mơ của Nguyên là biến mảnh đất của gia đình trở thành nguồn thu nhập ổn định từ những giá trị bền vững mà vườn mang lại.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất