, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 17/02/2023, 08:00

Cô giáo trẻ nặng lòng với học sinh nghèo

VĂN NGUYÊN
(phunuonline.com.vn)
Thương các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cô Hồ Thị Hương - giáo viên âm nhạc và tổng phụ trách đội Trường tiểu học Tô Hiệu (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) đã nỗ lực kết nối để mọi người cùng chung tay hỗ trợ các em.

Nỗ lực kết nối các tấm lòng hảo tâm

Năm 2011, sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm trung ương Nha Trang, cô Hồ Thị Hương (sinh năm 1989, quê tỉnh Đắk Lắk) tìm đến vùng đất đặc biệt khó khăn tại xã Đắk Ngo (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) để bắt đầu sự nghiệp “trồng người”.

Cô Hương kể: “Thời điểm tôi mới về đây công tác, đường xá đi lại rất khó khăn, bụi mù mịt vào mùa khô và trơn trượt vào mùa mưa. Không chỉ vậy, tại xã Đắk Ngo, học sinh chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc H’Mông, còn thiếu thốn vật chất nghiêm trọng, mức sống rất thấp”.

Cô giáo Hồ Thị Hương hết lòng với học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Cô giáo Hồ Thị Hương bên cạnh các học sinh của mình.

Nhiều lần đến thăm nhà học sinh ở bản Giang Châu, Sín Chải (xã Đắk Ngo), cô giáo trẻ không khỏi nghẹn ngào khi chứng kiến bữa cơm của gia đình các em chẳng có gì ngoài cơm trắng chan nước lọc. Thậm chí, nhiều gia đình còn không có gạo ăn... Vì hoàn cảnh quá khó khăn, cha mẹ các em phải để các con ở nhà, tự chăm sóc nhau để đi làm ăn xa. Khi bố mẹ vắng nhà, nhiều em phải lặn lội lên rừng bẫy chuột, hái rau dại về làm thức ăn.

Không chỉ vậy, nhiều em cả năm không có nổi một bộ quần áo mới. Vào những ngày mùa đông lạnh lẽo, các em đến trường với bộ quần áo mỏng manh, đen đúa, có em còn thường xuyên đi chân đất đến trường.

Theo cô Hương, những thiếu thốn về vật chất khiến chất lượng học tập của học sinh bị ảnh hưởng nặng nề. Nhiều em vì hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học để lên nương, lên rẫy phụ giúp bố mẹ mưu sinh.

Không cho phép mình khoanh tay đứng nhìn học sinh đánh vật với hoàn cảnh, cô Hương đã kêu gọi các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm đến địa phương để chung tay hỗ trợ, chăm lo cho những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Nhiều học sinh được tặng nhu yếu phẩm nhờ sự kêu gọi, kết nối của cô Hương
Nhiều học sinh được tặng nhu yếu phẩm nhờ sự kêu gọi, kết nối của cô Hương.

Mặt khác, mỗi khi có hoàn cảnh cần giúp đỡ, cô đến tận nhà tìm hiểu và không quên chụp hình ảnh về những khó khăn của từng học sinh, sau đi đăng lên trang Facebook của liên đội trường để kêu gọi các giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong trường chung tay đóng góp. Đồng thời, thông qua mạng xã hội để nhờ sự ủng hộ, giúp đỡ của các liên đội trong toàn huyện.

Thấu hiểu tấm lòng vì học trò nghèo của cô giáo trẻ, không chỉ các đồng nghiệp trong trường mà nhiều nhà hảo tâm, mạnh thường quân khắp nơi và các ban ngành, đoàn thể đã tìm đến trao tận tay các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đắk Ngo nhiều quần áo, nhu yếu phẩm, tiền mặt...

Cô Hương cũng tổ chức nhiều chương trình thiết thực như: “kế hoạch nhỏ”, “heo đất tình thương”, “nụ cười tôi yêu”, “đóng góp giấy vụn, ve chai”... để có kinh phí mua áo trắng tặng học sinh.

Nhiều học sinh vươn lên trong học tập

Nhờ sự kết nối của cô Hương, nhiều học sinh đã được tiếp thêm động lực để cố gắng vươn lên trong học tập. Một trong số đó phải kể đến em Nguyễn Ngọc Như (trú tại thôn 1, xã Đắk Ngo). Sau khi bố mẹ ly hôn, Như và một người em ở với ông bà nội già yếu. Ông bà của Như thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Sau khi cô Hương đứng ra kêu gọi, nhiều đơn vị, cá nhân đã hỗ trợ vật chất cho Như. Đặc biệt, từ năm lớp 8, em còn được các nhà hảo tâm trao học bổng đến 18 tuổi, với số tiền từ 300.000 - 500.000 đồng/tháng.

Không phụ lòng giúp đỡ của cô giáo và mọi người người, em Như ngày càng vươn lên và đạt được nhiều kết quả cao trong học tập. Nhiều năm liền em là học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Đặc biệt, sau khi tốt nghiệp THCS, em đã thi đậu vào một trường THPT chuẩn quốc gia.

Hay đó là trường hợp của em Giàng Thị Sai (trú tại bản Giang Châu, hiện là học sinh lớp 9 Trường THCS và THPT Lê Hữu Trác, xã Đắk Ngo). Em Sai mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều lần em đã định bỏ học để đi làm thuê.

Cô Hương đã liên tục động viên em phải cố gắng học, đồng thời kêu gọi các mạnh thường quân hỗ trợ, trao học bổng cho em Sai đến 18 tuổi, với số tiền 300.000 đồng/tháng để em tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ học tập. Từ một học sinh có học lực trung bình, đến nay em Sai đã trở thành học sinh tiên tiến.

Nhờ sự kết nối của cô Hương, nhiều học sinh được trao học bổng hàng tháng
Nhờ sự kết nối của cô Hương, nhiều học sinh được trao học bổng hàng tháng.

Ngoài các trường hợp nói trên, từ các nguồn huy động, đến nay có 5 học sinh trên địa bàn xã Đắk Ngo được trao học bổng đến năm 18 tuổi, với số tiền 500.000 đồng/tháng.

Từ năm 2020 đến nay, cô Hương cũng nhờ sự đóng góp của nhóm giáo viên âm nhạc trên toàn quốc cùng đồng hành, hỗ trợ cho nhiều học sinh nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, với số tiền 500.000 đồng/năm/học sinh. Đồng thời, kết nối với các nhà tài trợ tặng bữa ăn sáng miễn phí cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số.

Cô còn tổ chức nhiều hoạt động, cuộc thi văn nghệ, thể dục thể thao, giải toán trên mạng, học tiếng Anh trên mạng... để khơi dậy năng khiếu tiềm ẩn của học trò. Qua đó, tạo điều kiện cho tất cả các em được vui chơi, rèn luyện sức khỏe, kỹ năng sống và tạo hứng thú học tập, dần xóa bỏ tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng.

Với những cống hiến nói trên, nhiều năm nay, cô Hồ Thị Hương đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành, đơn vị trao tặng.

Cô Nguyễn Thị Lan - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiệu - cho biết: “Ngoài việc hoàn thành tốt công tác chuyên môn, cô Hồ Thị Hương rất nhiệt tình và nỗ lực kết nối, kêu gọi hỗ trợ cho nhiều học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Là giáo viên tổng phụ trách, cô còn có nhiều cống hiến trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động, cuộc thi để khơi gợi niềm đam mê học tập của học sinh”.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất